Cô gái duy nhất học Cơ điện tử là thủ khoa ở ĐH Bách khoa
Với điểm tích lũy 3.61/4, Nguyễn Phương Linh (sinh năm 1998, Phú Thọ) tốt nghiệp xuất sắc ngành Cơ điện tử, là thủ khoa đầu ra của Viện Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội.
Đặc biệt, Linh là cô gái duy nhất theo học ngành Cơ điện tử K61 của Viện Cơ khí.
Chia sẻ với Zing, Linh cho hay: “Kết quả này với mình khá bất ngờ. Bởi hết năm 4, mình mới được 3.58 điểm tích lũy (CPA) và không chắc có thể lấy bằng xuất sắc. Khi ấy, mình chỉ nghĩ nếu đạt điểm A hết thì vừa đủ. May mắn là mình đã làm được”.
Trước đó, trong quá trình theo học, Linh chỉ mơ tốt nghiệp bằng giỏi. Sau 3,5 năm, CPA của cô đạt 3.5. Linh đã lập bảng để tính toán những môn còn lại cần bao nhiêu điểm thì đủ đạt loại xuất sắc, dựa trên kinh nghiệm mà anh chị khóa trên truyền lại.
Nhờ sự cố gắng, sau 4,5 năm, Linh là một trong số 33 sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội tốt nghiệp xuất sắc năm học 2020-2021 và thuộc danh sách 18 cá nhân được khen thưởng. Cô được A+ đồ án tốt nghiệp.
Học nghiêm túc, chơi hết mình
Thời điểm thi đại học, Linh muốn tìm trường được miễn giảm học phí để đỡ gánh nặng kinh tế cho gia đình. Qua tìm hiểu, cô nhận thấy ĐH Bách khoa Hà Nội khá phù hợp và có nhiều học bổng hỗ trợ sinh viên học giỏi nên quyết định nộp hồ sơ.
Với tổng 26,7 điểm khối A, Linh trúng tuyển ngành Cơ điện tử của trường. Thấy Linh là nữ sinh hiếm hoi đến nhập học, một số anh chị khóa trên trêu “Con gái học cơ khí dễ thất nghiệp lắm” và không quên động viên cô cố gắng.
Là cô gái hướng ngoại, Linh dành phần lớn thời gian năm nhất để tham gia hoạt động tình nguyện và trải nghiệm đời sinh viên.
“Kỳ học đầu tiên mình chỉ đạt 3.07 CPA và trượt môn Đường lối quân sự. Bù lại, mình hoạt động Đoàn - Hội sôi nổi trong vai trò Bí thư Đoàn của lớp, Ủy viên Ban Chuyên môn của Hội Sinh viên trường và đội phó Đội Sinh viên tình nguyện đồng hương Phú Thọ tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Mình thường đi phượt cùng các bạn trong lớp, hiến máu, cổ vũ bóng đá”, Linh nhớ lại.
Linh chỉ thực sự chú tâm vào việc học từ năm 2, đồng thời đi làm thêm để phần nào tự trang trải sinh hoạt phí. Năm nào, cô cũng nhận được học bổng của trường hoặc doanh nghiệp bên ngoài.
Điều khiến Linh hơi tiếc nuối là vừa đi học, vừa làm thêm nên cô không đủ thời gian tham gia sáng chế, nghiên cứu khoa học nhiều trong thời gian học ở trường.
“Trong quá trình học, mình không thấy bị đuối so với các bạn nam. Chỉ khi học với máy móc thì sức khỏe của mình kém hơn một chút. Đôi khi, mình tự nhận thấy tư duy không nhanh nhạy bằng các bạn nam nên nếu không hiểu bài thì đành chăm chỉ hơn. Học cơ khí phải thực hành, thực tập liên tục nên nhiều lúc chân tay mình lấm lem hoặc bị thương là điều bình thường”, Linh kể.
Là nữ sinh duy nhất của lớp Cơ điện tử 02 K61 nói riêng và ngành Cơ điện tử K61 nói chung, Linh vui vẻ nói cô không được các bạn nam ưu ái.
“Các bạn coi mình như con trai thôi, khi làm nhóm với nhau công việc cũng chia đều. Thỉnh thoảng, vì tính cẩn thận hơn, mình phải tổng hợp cho cả nhóm. Nhưng mỗi năm, mình được là con gái 2 lần. Đó là dịp 8/3, 20/10, các bạn tặng quà khiến mình bất ngờ và vui lắm”.
Con gái học cơ khí không khô khan
Linh bắt đầu làm việc tại một công ty ở Thái Nguyên từ tháng 1. Đặc biệt, khi vừa đi làm 1 tuần, cô phải tham gia bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Thời gian đó, Linh phải đi lại giữa hai nơi mỗi ngày để chuẩn bị bài vở.
Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, Linh đạt A+ đồ án tốt nghiệp.
Niềm vui của Linh thêm trọn vẹn khi bạn trai cô, là bạn học đại học, cũng tốt nghiệp loại giỏi. Kết quả này khiến cả hai đều bất ngờ và là minh chứng cho thời gian họ đồng hành, cố gắng cùng nhau.
“Bạn ấy cao, rất hiền và thông minh, nhanh nhạy. Ban đầu, chúng mình ngồi cạnh nhau trên lớp nhưng bạn ấy không dám công khai vì sợ cả lớp trêu. Hai đứa cùng học, ôn thi, đến khi tốt nghiệp cũng nắm tay nhau khiến cả lớp ghen tỵ”, Linh nói về nửa kia.
Trước suy nghĩ con gái học tập, làm công việc liên quan đến kỹ thuật thường khô khan, thiếu nữ tính, Linh lắc đầu.
“Mọi người thường nghĩ con gái kỹ thuật phải đứng máy, sửa máy thì rất khô khan. Nhưng thực ra giờ khoa học kỹ thuật tiến bộ, máy móc cũng tự động hóa rồi, làm kỹ thuật cũng chỉ cần ngồi máy tính, theo dõi và vận hành, điều khiển máy. Mình đi làm vẫn mặc váy điệu đà”, Linh cười nói.
Thời gian tới, Linh hy vọng dịch Covid-19 được kiểm soát để cô và bạn bè có lễ tốt nghiệp đáng nhớ bên người thân, gia đình.
Trong tương lai xa hơn, cô dự định cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi để tận hưởng khoảng thời gian 3-4 năm sau học tập, trước khi lập gia đình.