Cô gái giống Lâm Tâm Như bị kiện và lời cảnh cáo từ nghệ sĩ
Phạm Băng Băng phải chấn chỉnh tình trạng hình ảnh của cô bị sử dụng trái phép tràn lan trên mạng. Trong khi đó, bản sao của Lâm Tâm Như bị nhắc nhở nghiêm khắc.
Ngày 24/7, China Times có bài viết cảnh báo về hiện tượng đóng giả người nổi tiếng trên mạng xã hội. Thời gian qua, tại Trung Quốc chứng kiến sự nở rộ của trào lưu bắt chước các ngôi sao, nhân vật quen thuộc từ vóc dáng, điệu bộ cho đến cử chỉ để mang lại sự thích thú và tạo tiếng cười cho khán giả.
Tuy nhiên, China Times đánh giá việc này gây ra nhiều lo lắng cho người nổi tiếng khi bị lợi dụng tên tuổi lẫn hình ảnh vào mục đích xấu. Đồng thời, tạo ra tư duy nghệ thuật lệch lạc ở một bộ công chúng khi xem sản phẩm bắt chước như một sự sáng tạo, nhưng thực chất là sử dụng trái phép hình ảnh lẫn chất xám của người khác.
Hàng trăm vụ giả mạo
Trên Tân Hoa Xã, luật sư Uông Chính Uy cho biết luật pháp Trung Quốc không cấm công dân bắt chước người nổi tiếng, nhưng hình thức này vẫn chịu nhiều hạn chế về mặt pháp lý. Theo ông, đóng giả người nổi tiếng với mục đích nào ít nhiều ảnh hưởng tới công việc, thu nhập và danh tiếng của phiên bản gốc.
Trong đó, nếu các nhân vật bắt chước đặc thù cá nhân, sử dụng đích danh tên tuổi của nghệ sĩ nổi tiếng để thực hiện hành vi kinh tế hoặc có hành động gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, hình tượng sẽ cấu thành tội xâm phạm danh quyền.
Đầu tháng 6, cư dân mạng Trung Quốc dành sự quan tâm đặc biệt đến tài khoản Tiểu Lâm Tâm Như. Cô gái có gương mặt giống nữ diễn viên xứ Đài, hóa trang thành Hạ Tử Vy trong Hoàn Châu cách cách và ngồi livestream trò chuyện cùng khán giả suốt nhiều giờ.
Tuy nhiên, chỉ sau 3 buổi livestream, Tiểu Lâm Tâm Như gây bức xúc khi có hành vi ẩn ý vòi tiền người hâm mộ. Cụ thể khi diễn lại phân đoạn Hạ Tử Vy bị mù, cô gái này đã yêu cầu khán giả tặng vật phẩm có giá trị tới 450 USD để "chữa lành mắt cho Hạ Tử Vy".
Ngay lập tức, Tiểu Lâm Tâm Như ngay lập tức được cảnh báo đối mặt với vụ kiện vi phạm quyền chân dung, trục lợi có chủ đích, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động thương mại. Theo Sina, cô đã bị khởi kiện.
Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ hàng đầu showbiz Hoa ngữ phải tự bảo vệ hình ảnh bằng cách khởi kiện các bản sao khi họ liên tục kiếm tiền trái phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của chính chủ.
Năm 2015, một người chuyên đóng giả Uông Phong từng tổ chức buổi biểu diễn, sử dụng chính tên thật của nam ca sĩ để quảng bá. Uông Phong sau đó đã kiện người này xâm phạm bản quyền. Bản sao phải bồi thường cho Uông Phong 77.000 USD.
Từ cuối năm 2018 đến nay, Phạm Băng Băng phải xử lý tình trạng sử dụng hình ảnh và tên tuổi của cô bát nháo trên mạng xã hội. Theo Tòa án Bắc Kinh, có 99 vụ kiện liên quan đến quyền chân dung của "nữ hoàng thảm đỏ".
Trong đó, ồn ào nhất phải kể đến việc Phạm Băng Băng kiện Trần Tâm Linh, influencer với kênh bán hàng mỹ phẩm nổi tiếng tại Trung Quốc ra tòa.
Luật sư đại diện cô tuyên bố: "Những kênh livestream cố tình trang điểm bắt chước Phạm Gia và còn tự ý dùng tên thật, bí danh và các biệt hiệu khác của cô ấy hòng trục lợi. Nhiều khán giả đã bị họ lừa. Hành vi này là phạm pháp".
Phía nữ diễn viên yêu cầu Tâm Linh bồi thường 77.000 USD, chi trả toàn bộ phí luật sư, ngưng sử dụng cái tên "nhái" Phạm Gia Băng và phải viết thư xin lỗi liên tục trong 60 ngày.
Án phạt nặng
Theo Tân Hoa Xã, trào lưu giả mạo các ngôi sao trong 3 năm trở lại đây đã phát triển lên quy mô ngành công nghiệp, có công ty quản lý chuyên nghiệp tại Trung Quốc.
Trên các nền tảng video trực tuyến như Douyin, Bilibili, Tencent... dễ dàng bắt gặp bản sao của Phạm Băng Băng, Thành Long, Angelababy, Dịch Dương Thiên Tỉ, Thái Từ Khôn, Địch Lệ Nhiệt Ba, Dương Mịch... livestream bán hàng, trò chuyện cùng người hâm mộ. Họ có ngoại hình giống với các ngôi sao đến 99% khiến khán giả khó phân biệt thật giả.
QQ cho biết dù là "bản copy", những người đi theo con đường này có mức thu nhập thu nhập cao hơn người bình thường, thậm chí không kém các ngôi sao hạng 2,3 trong giới giải trí Hoa ngữ.
Trên iFeng, Hà Thừa Hy, bản sao của Phạm Băng Băng, cho biết giá cát-xê cho hợp đồng quảng cáo, chụp hình thời trang, dự sự kiện của cô là 450.000-500.000 USD. Trung bình một năm cô bỏ túi tối thiểu vài triệu USD.
Tuy nhiên, sau khi vướng vào rắc rối liên quan đến luật pháp, con đường kiếm tiền của những người giả mạo nghệ sĩ nổi tiếng gặp khó khăn.
Tiểu Lâm Tâm Như phải đổi tên tài khoản thành Hạ Tử Vy và trở về với diện mạo thực để phát sóng trực tuyến. Theo Sina, số lượng người xem livestream của cô giảm mạnh, dưới 10.000 lượt. Ảnh hưởng lớn từ vụ việc khiến Tiểu Lâm Tâm Như khóc trong buổi phát sóng.
"Trên đời không có khó khăn làm sao có thể khôn lớn được. Trên đường đời, chúng ta sẽ dễ dàng đối mặt với chông gai và thử thách. Vậy nên phải can đảm đối mặt với khó khăn. Kiểu gì cũng có cơ hội trở mình", Tiểu Lâm Tâm Như chia sẻ.
Trước đó, với việc bắt chước Lâm Tâm Như, Tiểu Lâm Tâm Như có thêm 300.000 người hâm mộ. Mỗi buổi phát sóng trực tuyến, nữ nhân viên ngân hàng kiếm hơn 15.000 USD tiền quà tặng từ fan.
Với Trần Tâm Linh, sau khi bị Phạm Băng Băng kiện ra tòa, cô phải đổi tên tài khoản nhái Phạm Gia Băng thành Gia Cát Di. Không chỉ vậy, người đẹp còn sửa mũi để bớt giống "nữ hoàng thảm đỏ". Trên trang cá nhân, bản sao của nữ diễn viên Võ Mỵ Nương truyền kỳ bỏ ngỏ khả năng có thể tiếp tục con đường livestream bán hàng khi bản chính làm căng, khách hàng bỏ rơi.