Cô gái Harvard trở lại 'tâm bão' mạng xã hội ở Trung Quốc
Liu Yiting từng gây sốt một thời tại Trung Quốc hiện trở lại tâm điểm trên mạng xã hội một lần nữa khi những thông tin về nghề nghiệp hiện tại của cô được tiết lộ.
South China Morning Post đưa tin "cô gái Harvard" từng nổi tiếng tại Trung Quốc cách đây hơn hai thập kỷ trước vì giành được học bổng toàn phần của Đại học Harvard danh giá, gần đây được chú ý trở lại.
Những thông tin mới nhất về cuộc sống của Liu Yiting ở Mỹ được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội Trung Quốc đại lục. Được biết, hiện cô là một chuyên gia tài chính ở Mỹ. Sau khi những thông tin mới nhất của Liu Yiting được tiết lộ, cô lập tức trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc liên quan đến "định nghĩa thành công".
Hình mẫu cha mẹ muốn con cái noi theo
Từ lâu, Liu Yiting (43 tuổi) đã là hình mẫu mà nhiều bậc cha mẹ ở Trung Quốc muốn con cái họ noi theo.
Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trường Ngoại ngữ Thành Đô ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), cô được nhận vào Đại học Harvard để học tiếp lên thạc sĩ với chuyên ngành toán ứng dụng và kinh tế. Đáng nói, Liu nhận được học bổng toàn phần tại đây.
Vì vậy, khi mẹ và cha dượng của cô xuất bản cuốn sách với tựa đề Cô gái Harvard để kể lại câu chuyện vào được Đại học Harvard của con gái và vai trò của cha mẹ trong quá trình giáo dục con cái, ngay lập tức cuốn sách trở thành một hiện tượng "gây sốt" trên toàn quốc.
Cuốn sách đã bán được 2 triệu bản ở Trung Quốc và gây ra một sự ám ảnh trong lòng các bậc phụ huynh tại "xứ tỷ dân" về việc phải gửi con cái đến các trường đại học danh tiếng ở Mỹ.
Cuốn sách này cũng tạo ra một phong cách nuôi dạy con mới được đến gọi tên gọi là jiwa - bố mẹ gà. Điểm chung của các bậc "bố mẹ gà" là sự ám ảnh về thành tích của con cái. Họ soạn thời gian biểu cho con cái chi tiết đến từng phút. Họ lùng sục các diễn đàn trực tuyến để tìm cho con những gia sư và huấn luyện viên thể thao giỏi nhất. Một số người thậm chí còn mua thêm một ngôi nhà cạnh những trường công lập nổi tiếng nhất.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phương pháp dạy con này của bố mẹ Liu bị nhiều người phản đối, chỉ trích và thậm chí bị gọi là “cực đoan”.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, ngày càng có nhiều phụ huynh nói rằng họ không chấp nhận phong cách nuôi dạy con kiểu jiwa .
Một bà mẹ đã nói trên mạng xã hội Xiaohongshu rằng cậu con trai đang học tiểu học của cô đã “mất trí nhớ sau khi tôi ép cháu đi học. Tôi đã từ bỏ jiwa . Tôi sẽ để con tôi là chính mình”.
Ngoài ra còn nhiều phương pháp dạy con cực đoan khác được cha mẹ Liu áp dụng. Một ví dụ về phương pháp nhằm tăng tính kiên nhẫn của Liu được viết trong sách như sau: Liu đã phải giữ tay mình trên một khối đá lạnh trong suốt 8 phút, cô tự hào mô tả đó là "một chiến thắng lớn" vì ban đầu cô cảm thấy "đau đớn khủng khiếp", sau đó "tê liệt hoàn toàn".
Gây tranh cãi về định nghĩa thành công
Trang LinkedIn của Liu cho thấy sau khi tốt nghiệp Harvard năm 2003, cô đã làm việc tại Boston Consulting Group và PepsiCo.
Năm 2016, cô trở thành giám đốc điều hành tại công ty quản lý đầu tư Coalhood Partners.
Trên mạng xã hội đại lục, một số người bày tỏ sự thất vọng khi thấy Liu chỉ có thể trở thành “tầng lớp trung lưu bình thường ở Mỹ”, trái ngược với kỳ vọng của họ rằng cô sẽ đạt được những thành tựu và đóng góp lớn hơn.
Nhiều người nói rằng cuộc sống của Liu là cách họ định nghĩa về thành công, tuy nhiên Liu lại không thật sự thành công như họ mong đợi.
Tuy nhiên, cũng có những người định nghĩa khác về thành công. Với họ “thành công không phải là vào được những trường đại học hàng đầu và kiếm được nhiều tiền. Thành công là quyền được tự do là chính mình và sống một cuộc sống hạnh phúc và bình yên”, một người viết trên Weibo.
Trung Quốc đã gửi 8 triệu sinh viên ra nước ngoài từ năm 1978 đến cuối năm 2021 và 5,5 triệu sinh viên trở về nước sau khi tốt nghiệp.
Với tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 ở mức cao nhất mọi thời đại, các sinh viên đi du học trở về nước sẽ bị gọi là hai gui. Hai gui có nghĩa là "rùa biển", là một thuật ngữ để chỉ những người Trung Quốc trở về nước sau khi du học. Ngày nay, những tấm bằng tốt nghiệp ở nước ngoài cho thấy không còn là lợi thế đối với những người tìm việc tại Trung Quốc.