Cô gái không thể quên bất cứ điều gì

Sharrock nhớ hầu hết ký ức về các sự kiện trong đời, cũng như chính xác ngày, giờ chúng diễn ra. Tuy nhiên, cô không hạnh phúc với khả năng này.

Kể từ tháng 1/2004, Rebecca Sharrock (31 tuổi) duy trì thói quen gạch chéo một ngày trên tấm lịch trong phòng mình mỗi sáng thức dậy.

Tương tự mọi người, cô cũng sử dụng lịch để theo dõi thời gian, phân biệt các ngày với nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ Sharrock có thể nhớ những gì đã xảy ra vào một ngày cụ thể cách đây 5, 10 hay thậm chí 15 năm, theo The Guardian.

 Sharrock không nhận ra mình có khả năng ghi nhớ siêu phàm cho đến năm 20 tuổi. Ảnh: David Kelly/The Guardian.

Sharrock không nhận ra mình có khả năng ghi nhớ siêu phàm cho đến năm 20 tuổi. Ảnh: David Kelly/The Guardian.

Khả năng ghi nhớ siêu phàm

Khi được hỏi ngày 21/7/2007 là thứ mấy, Sharrock không ngần ngại đáp ngay là thứ 7. Là một fan cuồng nhiệt của bộ truyện Harry Potter, Sharrock còn nhớ rằng hôm đó dượng đã tới nhiều cửa hàng chỉ để mua cho cô một cuốn Harry Potter và Bảo bối Tử thần mới xuất bản.

Cô cũng nhớ như in cảm giác về một làn gió ấm gợi lên những kỷ niệm tích cực thời thơ ấu, và cả lớp thanh nhạc cô từng tham dự ở trường hồi 13 tuổi.

“Thật trùng hợp. Cuối tháng 10/2003, khi tôi 13 tuổi, tổng thống Mỹ đến thăm Australia lần đầu tiên”, cô nhớ lại. Cô cho biết mẹ cô đã xem bản tin thời sự vào hôm đó.

Sau cuộc trò chuyện, The Guardian đã kiếm chứng thông tin này. Ngày 22/10/2003, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush có chuyến công du tới Australia.

 Sharrock nằm trong số 60 người hiếm hoi trên thế giới được biết đến là mắc chứng bệnh HSAM. Ảnh: BoredPanda.

Sharrock nằm trong số 60 người hiếm hoi trên thế giới được biết đến là mắc chứng bệnh HSAM. Ảnh: BoredPanda.

Sharrock, sống ở thành phố Brisbane (Australia), không nhận ra khả năng kỳ diệu của mình cho đến ngày 23/1/2011, khi bố mẹ cho cô xem một bản tin trên truyền hình nói về những người có khả năng nhớ lại mọi sự kiện trong đời họ.

Giáo sư Craig Stark, một nhà nghiên cứu hành vi và sinh học thần kinh tại Đại học California, Irvine (UCI), góp mặt trong chương trình này. Phòng thí nghiệm của ông nghiên cứu về tình trạng siêu trí nhớ về bản thân (HSAM), hay còn gọi là hội chứng trí nhớ siêu phàm.

Sharrock nằm trong số 60 người trên thế giới được biết đến là mắc chứng bệnh này. Trong các nghiên cứu, giáo sư Stark và các đồng nghiệp đã yêu cầu mọi người nhớ lại những kỷ niệm từ một ngày cụ thể trước đó một tuần, một năm hoặc một thập kỷ.

Những người mắc chứng HSAM có khả năng tốt hơn đáng kể trong việc nhớ lại các sự kiện cá nhân và công cộng, cũng như chính xác ngày, giờ chúng diễn ra.

Giáo sư Stark cho biết người mắc chứng HSAM vẫn có lúc quên. Nhưng so với những người bình thường, sự quên của họ “sẽ diễn ra rất, rất từ từ”.

Khả năng phi thường này bắt nguồn từ một kiểu ghi nhớ, gọi là “nhớ theo tình tiết”. Thế nhưng, người mắc chứng HSAM không hoàn thành tốt bài kiểm tra trí nhớ tiêu chuẩn của phòng thí nghiệm, chẳng hạn những bài cần phải thuộc lòng.

Nỗi khổ

HSAM lần đầu tiên được công nhận là một bệnh lý vào năm 2006 sau khi một người phụ nữ Mỹ tên Jill Price liên hệ với Tiến sĩ James McGaugh, người hợp tác với Giáo sư Stark tại UCI.

“Bất cứ khi nào tôi nhìn thấy dòng thông tin về ngày, tôi sẽ tự động nhớ lại hôm đó rơi vào thứ mấy và mình làm gì, đang ở đâu. Hầu hết mọi người coi đó là một tài năng. Nhưng với tôi, nó là gánh nặng. Toàn bộ cuộc sống chạy đi chạy lại trong đầu tôi mỗi ngày và làm tôi phát điên”, Price viết.

Nhiều người mắc chứng HSAM cũng mô tả xu hướng tương tự Price. Về phần mình, Sharrock sợ rằng khi cô chia sẻ hồi ức với một người bạn, đối phương lại không nhớ về sự kiện đó do chỉ có trí nhớ bình thường.

Ngoài ra, giáo sư cho biết những người mắc HSAM đạt điểm cao trong bài kiểm tra về đặc điểm của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

 Sharrock không mấy hạnh phúc với khả năng siêu phàm này. Ảnh: ABC News.

Sharrock không mấy hạnh phúc với khả năng siêu phàm này. Ảnh: ABC News.

Mặc dù đôi khi chứng HSAM có ích trong cuộc sống thường ngày, chẳng hạn mẹ nhờ kiểm tra hạn bảo hành của sản phẩm bất kỳ, nó mang lại những bất cập nhất định cho Sharrock.

“Tôi cần có những thứ gây xao nhãng, như tiếng ồn hay ánh sáng xung quanh mình, để tôi có thể chìm vào giấc ngủ. Nếu mọi thứ yên lặng, những ký ức sẽ lóe lên trong đầu và khiến tôi tỉnh như sáo”, cô nói.

Đối với Sharrock, một người mắc cả chứng OCD, tự kỷ và lo âu, trí nhớ siêu phàm khiến cô khó đối phó với những kỷ niệm không mấy vui vẻ.

“Nếu nhớ về điều gì đó tiêu cực, những cảm xúc của tôi về kỷ niệm đó cũng sẽ quay trở lại. Đôi khi, người khác nói rằng đó là do tôi cố tình không buông bỏ và chỉ muốn đắm chìm trong sự tiêu cực của cuộc đời”, cô chia sẻ.

“Thật tệ khi trở thành một ngoại lệ trong ngành y học. Rất ít người có thể hiểu được những gì bạn đang trải qua và không có nhiều phương pháp điều trị cho chứng bệnh của bạn”, Sharrock nói thêm.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-gai-khong-the-quen-bat-cu-dieu-gi-post1294909.html