Cô gái Quảng Ngãi một mình xách ba lô đi gần 20 quốc gia

Ánh Nhân cho rằng, du lịch giúp cô kết nối sâu hơn với bản thân và có cái nhìn thấu suốt hơn về những vấn đề trong cuộc sống.

Lê Thị Ánh Nhân, sinh năm 1992, hiện làm công việc khai vấn (life coach).

Lê Thị Ánh Nhân, sinh năm 1992, hiện làm công việc khai vấn (life coach).

Sinh năm 1992, Lê Thị Ánh Nhân (hiện sống ở TP.HCM) say mê với những chuyến du lịch khám phá suốt chục năm nay. Tính đến hiện tại, cô đã đi được gần 20 quốc gia, leo nhiều ngọn núi và đặt chân trên nhiều cung đường.

Cô gái quê Quảng Ngãi chia sẻ, tiêu chí cô chọn điểm đến cho hành trình của mình là những nơi "độc, lạ", có thiên nhiên hùng vĩ, mang tính tâm linh đôi chút và không có quá nhiều người lui tới.

Nhân không thích những nơi xô bồ, phải xếp hàng để “check-in”.

Hầu như ở mỗi nơi đặt chân tới, cô đều đi leo núi hoặc đi bộ đường dài để khám phá khung cảnh thiên nhiên. Cô cũng thường lên kế hoạch đi từ bắc đến nam để cảm nhận được văn hóa vùng miền của mỗi đất nước.

Đi du lịch một mình: Tự do trong sự cẩn trọng

Ánh Nhân thường đi du lịch một mình và có lịch trình rất linh động. Ảnh chụp ở Sri Lanka.

Ánh Nhân thường đi du lịch một mình và có lịch trình rất linh động. Ảnh chụp ở Sri Lanka.

Để chọn ra một quốc gia ấn tượng nhất, Ánh Nhân chọn Iran. Đó là nơi cô cảm nhận được sự hiếu khách và thân thiện của người dân ở những địa điểm cô đặt chân tới.

“Lúc sang bên đó, chiếc điện thoại duy nhất của mình bị hỏng. Mình lại không biết tiếng địa phương. Ở Iran cũng rất ít người biết nói tiếng Anh nên mình chỉ giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể. Họ đã giúp đỡ mình rất nhiệt tình bằng cách cho đi nhờ xe, mua vé xe buýt, trả giúp tiền taxi và mời mình về nhà ăn cơm”.

Iran cũng là nước đầu tiên cô sử dụng “couchsurfing” - tức là trải nghiệm sống miễn phí với người địa phương để hiểu hơn về văn hóa của họ.

“Kiến trúc các giáo đường thì đẹp mê ly, có lịch sử rất lâu đời. Khung cảnh thiên nhiên cũng hùng vĩ, địa hình đa dạng từ sa mạc đến tuyết, từ nóng đến lạnh có đầy đủ. Đồ ăn ở Iran ngon và mới lạ”.

Nhân nói, chỉ khi đi du lịch, cô mới nhìn thấy và mở rộng lòng mình để đón nhận tất cả những điều tốt đẹp ấy.

Nhân chơi dù lượn ở Nepal.

Nhân chơi dù lượn ở Nepal.

Tuy nhiên, theo cô, khi đi du lịch một mình, cẩn trọng không bao giờ là thừa.

Một lần vì quá tin người mà cô “thót tim” khi ở Iran. Trên xe buýt đến điểm hẹn để ra sân bay, cô được một người đàn ông đề nghị chỉ đường giúp. Nhưng anh này thực ra không rành đường nên đã dẫn cô đi loanh quanh đến một công trình xây dựng hoang vắng. Anh ta cũng đòi cầm hộ ba lô mặc dù cô từ chối.

“Tưởng là chuyện tệ hại sẽ diễn ra. Nhưng rồi người đó hỏi mình có chồng chưa, có muốn cưới trai Iran không. Mình nói dối là có chồng rồi, và chồng đang chờ chỗ hẹn kia. Mình vừa sợ, vừa tức, vừa thấy buồn cười”.

May mắn, cuối cùng cô cũng tới được chỗ hẹn với bạn, vừa đúng sát giờ lên máy bay.

Thực ra người đàn ông kia có ý tốt, thật lòng muốn giúp nhưng do tiếng Anh không giỏi, lại không biết đường, cộng thêm việc Nhân không đeo nhẫn cưới nên mới dẫn đến tình huống “thót tim” ấy.

Kinh nghiệm rút ra từ những lần đi du lịch một mình của Nhân là: nên đeo nhẫn dù chưa có chồng khi đi những nước Trung Đông, Nam Á; tìm hiểu kỹ về văn hóa địa phương và không nên đi 1-2 người vào buổi tối ở nơi vắng vẻ.

Nhân thường kết hợp đi leo núi trong các chuyến du lịch. Ảnh chụp ở Nepal.

Nhân thường kết hợp đi leo núi trong các chuyến du lịch. Ảnh chụp ở Nepal.

Ánh Nhân cũng có sở thích đi du lịch rất lạ. Cô thường đi một mình và có lịch trình linh động. Lý giải về điều này, Nhân nói, cô thích sự tự do chứ không thích khung thời gian gò bó hay phải đi đến những nơi nổi tiếng quen thuộc.

Cũng có chuyến cô gom những người đi một mình ngay ở sân bay, bến xe thành một nhóm để đi chung cho vui. “Trong chuyến đi Indonesia, bọn mình đã có những trải nghiệm rất tuyệt vời như đua xe thể thao, lướt sóng ở nơi có nhiều cá mập, ngắm núi lửa…”.

Cũng có chuyến, Nhân ngồi mấy tiếng đồng hồ trong một thánh đường Hồi giáo, đi dạo trong quảng trường, ngồi thở và nghe tiếng chuông. Chuyến đi Úc thì hiking (đi bộ đường dài) trên núi tuyết. Bây giờ, Nhân vẫn còn “ôm mộng” khi Covid-19 qua đi, sẽ một mình leo núi 6 ngày đêm ở núi Cradle, đảo Tasmania (Úc).

Nhân ngồi trên một mỏm núi ở Úc.

Nhân ngồi trên một mỏm núi ở Úc.

Tuy nhiên, Nhân cho biết, một lịch trình tự do và ngẫu hứng chỉ phù hợp khi không quá gò bó về thời gian và ngân sách.

“Hồi mình đi Thái Lan và Malaysia năm 20-21 tuổi, lịch trình của mình còn khá cứng nhắc, vì tiền không có nhiều và thời gian cũng có hạn, phải lên kế hoạch dữ lắm. Tuy vậy, vẫn có tính chất ngẫu hứng trong đó”.

“Còn từ dạo 5-6 năm nay, mình đi theo kiểu tự do bởi vì công việc của mình không phải ngồi cố định một chỗ. Mình chỉ chọn ra một vài điểm muốn đi, cũng không tính toán nghĩ nhiều, thích thì đặt vé rồi đi, cái gì tới thì tới. Vậy mới nhiều niềm vui và bất ngờ, giống như trong cuộc sống vậy…”.

Mặc dù đi ngẫu hứng như vậy nhưng phần lớn các chuyến đi của cô gái 30 tuổi đều có những trải nghiệm tích cực, vui vẻ. “Mình đi đâu cũng có rất nhiều người mời về nhà ăn cơm, uống trà. Chắc do họ thấy đi một mình mà dễ thương (cười). Kể cả ở Sri Lanka, Hàn Quốc, Iran, Úc, hay ở Việt Nam, nhiều lần mình ra Bắc, đi Tây Bắc, Đông Bắc, cứ đi ra đường là được mời cơm. Ở Việt Nam thì đi Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai… chỗ nào cũng được ăn cơm ‘chùa’”.

Đi để trưởng thành

Leo núi trong thời tiết tuyết rơi trắng xóa ở Úc.

Leo núi trong thời tiết tuyết rơi trắng xóa ở Úc.

Chia sẻ về sở thích du lịch khám phá, Nhân kể, cô lớn lên trong một môi trường không đủ đầy điều kiện. Vì thế, du lịch là chuyện khá xa xỉ. Trước đây, ngay cả ba mẹ cũng cho là cô tiêu xài hoang phí. Nhân hiểu những than phiền đó của ba mẹ vì cô biết họ kiếm được đồng tiền không dễ.

Nhưng cô coi đó là một hình thức đầu tư vào chính mình để trải nghiệm và trưởng thành hơn. Những chuyến đi giúp cô kết nối với chính bản thân mình sâu hơn, có một cái nhìn thấu suốt hơn về những vấn đề trong cuộc sống cũng như cho mình những góc nhìn mới, cơ hội mới.

Thời sinh viên, vì không có tiền nên Nhân hay nộp đơn xin tham gia một số chương trình giao lưu, trao đổi văn hóa, kinh tế ở một số nước Đông Nam Á, Đông Á. Cô cũng đi làm thêm 2, 3 công việc cùng lúc để lấy thêm kinh nghiệm và tiết kiệm tiền đi du lịch.

Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm, cô tận dụng kết hợp đi du lịch với các chuyến công tác trong nước và nước ngoài, rồi nối chuyến đến những nước xung quanh. Tới giờ, cô vẫn giữ thói quen một năm đi du lịch nước ngoài ít nhất 1-2 chuyến dài.

Nhân hay nhận được chia sẻ từ các bạn cùng trang lứa là các bạn cũng muốn đi, nhưng điều kiện gia đình không cho phép, không có ai đi cùng...

Cô cho rằng, nếu thực sự bạn muốn làm thì sẽ tìm ra cách. “Thời sinh viên, mình đã biết có những bạn không có tiền mà vẫn đi được mười mấy nước, toàn là nhờ nhận học bổng. Và dĩ nhiên để xin được học bổng, bạn phải trau dồi tiếng Anh, kỹ năng lãnh đạo, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Bị từ chối thì cũng không nản lòng, rớt nhiều lần rồi mới được chọn”.

Đăng Dương

Ảnh: NVCC

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gioi-tre/co-gai-quang-ngai-mot-minh-xach-ba-lo-di-gan-20-quoc-gia-812953.html