Du lịch xanh ở Cô Tô

Với mục tiêu năm 2025 trở thành khu du lịch biển đảo, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) tập trung phát triển du lịch theo hướng phát triển xanh, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Những năm qua, Cô Tô đã cho thấy sự đúng hướng trong tầm nhìn và những hành động cụ thể nhằm đặt nền móng bền vững cho sự phát triển để trở thành một trọng điểm du lịch trong quần thể Cát Bà-Hạ Long-Vân Đồn-Cô Tô-Móng Cái.

Người dân Cô Tô tham gia thu gom rác làm sạch bãi biển.

Người dân Cô Tô tham gia thu gom rác làm sạch bãi biển.

Được biết tới là huyện đảo tiền tiêu của tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền khoảng 80 km, Cô Tô là một quần đảo, bao gồm 74 hòn đảo lớn nhỏ. Vị trí cách xa đất liền là một trở ngại, song cũng là một lợi thế giúp Cô Tô giữ được vẻ đẹp nguyên sơ với những bãi biển trong xanh, môi trường trong lành và hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật hoang dã.

Không đánh đổi môi trường để phát triển du lịch

Thời gian qua, cùng với việc phát triển nhanh, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng nhằm tăng tốc du lịch, Cô Tô cũng rất chú trọng giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên biển. Nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm chung tay gìn giữ, bảo vệ môi trường đã được thực hiện một cách thường xuyên và đi vào nền nếp như: Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”; phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”; phân loại rác thải tại nguồn, ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt...

Chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân, thay đổi hành vi, thói quen trong việc bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên tự nhiên; xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa.

Qua hai năm triển khai thực hiện Đề án 175 “Huyện đảo Cô Tô không rác thải nhựa” đã cho thấy những kết quả hết sức tích cực, từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa trên địa bàn huyện. Đề án đã lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, từ các tiểu thương cho tới các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các phương tiện vận chuyển khách du lịch cả đường bộ và đường thủy trên địa bàn.

Túi ni-lông và đồ nhựa dùng một lần từng bước được thay thế bằng các sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, dễ phân hủy hoặc các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần; tiến tới việc “nói không” với rác thải nhựa. Nhờ đó, môi trường và hệ sinh thái biển của Cô Tô được cải thiện rõ rệt, minh chứng bằng việc nhiều loài động vật như rùa biển, cá voi, cá heo, chim hải âu... quay trở lại với số lượng lớn và tần suất dày đặc.

Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Trương Đức Trí cho rằng, Cô Tô là một huyện đảo nổi bật với những nỗ lực vượt bậc trong công tác quản lý về tài nguyên và môi trường nói chung, nhất là vấn đề giảm đồ nhựa, trong đó là vấn đề giảm rác thải nhựa trên đất liền cũng như rác thải đại dương. Việc xây dựng và triển khai đồng bộ, có hiệu quả Đề án 175 của huyện đảo Cô Tô là một điểm sáng trong việc giảm ô nhiễm rác thải nhựa.

Sự cải thiện rõ rệt về môi trường tự nhiên và thái độ “tuyên chiến” với rác thải nhựa của chính quyền và người dân huyện đảo cũng là một trong những yếu tố giúp du lịch Cô Tô ngày càng hấp dẫn hơn đối với khách du lịch; nhất là phân khúc khách cao cấp, có khả năng chi trả cao.

Quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế đã được Bí thư Huyện ủy Cô Tô Nguyễn Việt Dũng khẳng định: “Bảo vệ môi trường luôn được Cô Tô đặt lên hàng đầu. Chúng tôi kiên định mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Chính vì vậy, để giữ được sự hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, Cô Tô đã huy động sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị. Điều đó đã tạo nên sự thay đổi lớn trong ý thức người dân, khẳng định hướng đi đúng đắn của chính quyền địa phương”.

Hướng đến là đảo du lịch xanh

Với vị trí là huyện đảo cách xa đất liền, Cô Tô chịu ảnh hưởng nặng nề bởi rác thải từ đại dương, nhất là rác thải nhựa khó phân hủy. Rác thải trôi dạt vào bờ biển không chỉ gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới hoạt động du lịch mà còn tác động xấu tới môi trường tự nhiên, nhất là hệ sinh thái biển.

Do vậy, hoạt động làm sạch biển, thu gom và tái chế rác, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy đã và đang được các cấp chính quyền Cô Tô hết sức quan tâm. Nhiều hoạt động bảo vệ môi trường đã được huyện triển khai thường xuyên, đồng bộ, đem lại kết quả tích cực. Thông điệp về Du lịch xanh tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân và du khách.

Tại bãi biển Tình Yêu thuộc khu vực thị trấn Cô Tô, hàng chục du khách thuộc Công ty Phan Nguyễn đã tham gia nhặt rác, làm sạch bãi biển. Đây là lần thứ hai Công ty Phan Nguyễn lựa chọn Cô Tô là điểm đến cho kỳ nghỉ mùa hè. Trong mùa du lịch năm nay, thay vì tổ chức các trò chơi teambuilding như thường thấy, nhóm du khách đã tham gia cuộc thi “nhặt rác bãi biển” do Ban Giám đốc công ty khởi xướng và đội nhặt được nhiều rác nhất sẽ nhận được phần thưởng là hai triệu đồng.

Năm 2024, huyện Cô Tô xây dựng kế hoạch và dự kiến đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới như các dịch vụ du lịch đáp ứng tiêu chí xanh về: Cơ sở lưu trú, dịch vụ dán nhãn không rác thải nhựa, các tour du lịch không rác thải nhựa, các chương trình du lịch kết hợp nhặt rác, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch chữa lành kết hợp với các hoạt động thiền, yoga, vật lý trị liệu, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; du lịch thực tế ảo, ứng dụng công nghệ thực tế ảo tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô; phát triển sản phẩm du lịch đạp xe trải nghiệm một vòng Cô Tô về đêm; phát triển khu tổ hợp vui chơi thể thao giải trí trên biển kết hợp ngắm hoàng hôn tại bãi biển Tình Yêu; khai thác sản phẩm cắm trại đêm tại Thanh Lân; thí điểm đưa khách tham quan đảo 7 sao tại xã Đồng Tiến.

Cô Tô đặt mục tiêu đón hơn 300.000 lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt hơn 900 tỷ đồng trong năm 2024. Để làm được điều này, ngay từ những tháng đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch và dự kiến đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới, đáp ứng tiêu chí xanh và phát triển bền vững.

Với những quyết sách đúng, phù hợp cùng tầm nhìn, hướng đi đúng đắn và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, huyện đảo Cô Tô chắc chắn sẽ trở thành đô thị sinh thái biển hiện đại, trung tâm du lịch biển đảo xanh.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/du-lich-xanh-o-co-to-post818235.html