Cô gái Tây Ninh với đam mê chinh phục các đỉnh núi cao
'Tài sản mình có ở tuổi trẻ là ước mơ, tâm nguyện và những trải nghiệm'. Đó là chia sẻ của Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1990, kế toán một công ty ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh)- cô gái Tây Ninh với niềm đam mê leo và chinh phục các đỉnh núi cao, khó nhất của Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, Xuân đã 123 lần chinh phục đỉnh núi Bà Đen, bằng nhiều cung đường khác nhau.
Ngày 15.1.2024 vừa qua, Xuân đã một mình chinh phục 15 đỉnh núi cao và khó nhất của Việt Nam, như: đỉnh núi Fansipan (cao 3.143m), đỉnh Pusilung (cao 3.083m), Putaleng (cao 3.049m), Ky Quan San (cao 3.046m), Lảo Thẩn (cao 2.860m), Tả Liên Sơn (cao 2.996m)... đặc biệt là đỉnh núi Nam Kang Ho Tao (cao 2.881m), đỉnh Khang Su Văn (cao 3.012m) và đỉnh núi Răng Cưa (2.852m) ở Lai Châu. Xuân cho biết mình cũng đã leo “nóc nhà của Đông Bắc” là đỉnh núi Tây Côn Lĩnh cao 2.431m.
Khởi hành từ Tây Ninh bằng xe máy vào ngày 1.1.2024, tham quan Kon Tum, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, đến 7.1.2024, Xuân đặt chân đến Hà Nội, sau đó đón xe khách ra Lai Châu. Được porter (người gùi đồ) dẫn đường leo núi, suốt 2 ngày 1 đêm, Xuân đã chinh phục đỉnh núi Khang Su Văn (Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ, Lai Châu), sau đó di chuyển bằng xe máy qua địa phận bản Thào A (xã Hố Mít, huyện Tân Uyên) tiếp tục hành trình leo núi Nam Kang Ho Tao suốt 3 ngày 2 đêm.
Xuân chia sẻ: “Nam Kang Ho Tao là cung trekking gian nan bậc nhất Tây Bắc với địa hình phức tạp, nguy hiểm vì phải vượt qua được nhiều vách đá trơn trượt; cũng là một trong những cung đáng leo nhất Việt Nam. Tuy nhiên, người leo cần lượng sức mình bởi nó rất gian nan, hơn hẳn những cung khó khác như Bạch Mộc Lương Tử, Putaleng...”.
Cô gái trẻ nói thêm: “Việc chinh phục Nam Kang Ho Tao thật không khó, vì nơi đây “hội tụ” tất cả các cung Đá trắng, Ống nước, Cột điện của núi Bà Đen; rất đáng để leo, chinh phục, khám phá và trải nghiệm, chỉ cần sức bền thật tốt và tin tưởng vào chính mình. Vậy nên, hãy đi để có trải nghiệm đáng nhớ trong đời”.
Là một người trẻ đam mê du lịch, Xuân dành nhiều thời gian cho việc leo núi. Đó là cách vừa rèn luyện sức khỏe vừa giúp cô cảm nhận về mảnh đất, con người nơi đó rõ ràng, chân thật hơn. “Mình không cần phải hơn người khác, chỉ cần hơn chính bản thân mình ngày hôm qua là đủ”- Xuân bày tỏ- “Leo núi giúp tôi yêu bản thân, yêu thiên nhiên nhiều hơn, trân trọng cuộc sống, rèn luyện sự nhẫn nại và sức chịu đựng. Tôi muốn vượt qua giới hạn của bản thân, đó cũng là cách kiểm tra sức khỏe mình rõ nhất”.