Cô gái thủng ruột non vì nuốt phải ghim hồ sơ dài 2 cm
Bệnh viện Hữu Nghị vừa phẫu thuật nội soi cấp cứu gắp thành công dị vật ra khỏi đường tiêu hóa cho bệnh nhân nữ 24 tuổi, tại Hà Nội. Dị vật là 1 chiếc ghim, dài khoảng 2 cm đâm thủng ruột non của người bệnh.
Ngày 12/3, BS Hoàng Việt Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật nội soi cấp cứu gắp thành công dị vật ra khỏi đường tiêu hóa cho bệnh nhân nữ 24 tuổi, tại Hà Nội. Dị vật là 1 chiếc ghim, dài khoảng 2 cm đâm thủng ruột non của người bệnh.
Theo đó, bệnh nhân có hiện tượng đau bụng âm ỉ hạ vị, đau tăng, không sốt, bí trung tiện, khám hạ vị ấn đau, có phản ứng. Các bác sĩ tiếp nhận khám và thực hiện chụp CT phát hiện có dị vật đã đâm thủng thành ruột non, vào trong ổ bụng. Tổn thương là khối mạc nối bọc đoạn ruột non, gỡ ra thấy có giả mạc và ít dịch mủ, thấy một dị vật kim loại, giống đinh ghim. Bác sĩ khẩn trương lấy bỏ dị vật, khâu lỗ thủng nội soi.
BS Hoàng Việt Dũng, đại diện ekip phẫu thuật cho biết: “Thủng ruột non nói riêng hay bất kỳ lỗ thủng nào tại đường tiêu hóa nói chung đều gây chảy dịch tiêu hóa vào ổ bụng, gây nên tình trạng viêm phúc mạc, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Ở người bệnh này, nhờ đến bệnh viện sớm và được phẫu thuật cấp cứu kịp thời nên chưa dẫn đến các biến chứng nặng, vì vậy quá trình hồi phục sau mổ diễn ra một cách thuận lợi”.
Dị vật đường tiêu hóa là một cấp cứu ngoại khoa cần được phát hiện và xử trí sớm. Trong nhiều trường hợp, nếu không lấy, gắp dị vật kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm: nhiễm trùng máu, thủng nội tạng, thậm chí tử vong.
Chiếc ghim dài 2 cm đã được lấy ra - Ảnh BVCC
Các dị vật này có thể gặp bất cứ đoạn nào của đường tiêu hóa như: miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và hậu môn nhưng hay gặp nhất là ở thực quản và ruột non.
Phẫu thuật nội soi có ưu điểm là: giảm biến chứng, giảm đau đớn, ít xâm lấn và giảm thời gian nằm viện cho người bệnh so với phương pháp mổ mở truyền thống.
Thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật - ảnh BVCC
Bác sĩ Dũng khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi ăn uống, nhai kĩ, trông nom trẻ nhỏ, người già, người có bệnh lý tâm thần cẩn thận để tránh nguy cơ nuốt phải dị vật. Trong trường hợp không may nuốt phải dị vật, nghi ngờ nuốt phải dị vật hoặc có các triệu chứng dưới đây thì nên đưa người bệnh đi kiểm tra sớm để được bác sĩ can thiệp điều trị kịp thời:
Nuốt khó, nuốt vướng, nôn khi cố ăn: Đây có thể là những triệu chứng của người có dị vật ở vùng thực quản. Một số trường hợp người bệnh cảm thấy tức ngực khó thở, đau kèm theo nóng rát vùng sau xương ức. Giai đoạn muộn thì người bệnh có sốt, đau nhiều vùng họng, ứ đọng đờm nhớt và thức ăn.
Buồn nôn sau ăn: Có thể do dị vật ở dạ dày gây tắc môn vị và hành tá tràng. Người có cảm giác buồn nôn, ăn không tiêu và thường nôn ra dịch thức ăn chưa tiêu lẫn thức ăn cũ.
Đau bụng âm ỉ: Có thể do dị vật ở ruột non. Tuy nhiên đây là triệu chứng trong rất nhiều bệnh lý khác. Giai đoạn muộn, hình thành khối áp xe thì bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng.