Cô gái từ bỏ giảng đường Phần Lan về Việt Nam vì niềm đam mê với nghề làm bánh và câu hỏi: Thành công liệu có cần tấm bằng đại học?
Nói về quyết định ngày đó, Trang vẫn tóm gọn lại bằng hai từ: Mạo hiểm. 'Bủa vây' xung quanh cô gái nhỏ này là sự phản đối không ngớt từ gia đình, niềm hoang mang không biết quyết định bồng bột sẽ dẫn mình tới đâu. Năm 20 tuổi ấy, 'hành trang' duy nhất mà Trang có, đó chính là ĐAM MÊ.
19 tuổi, Lưu Minh Trang (Hà Nội) được học bổng sang Phần Lan du học ở một trường đại học ứng dụng, ngành Khởi Nghiệp Nhà Hàng. Và năm 21 tuổi, cô quyết định bỏ ngang giảng đường, quay về nước vì... yêu bếp và đam mê việc làm bánh. Rời bỏ một tương lai tươi sáng để bắt đầu một hành trình mới với con số 0, đây là một lựa chọn khiến những người xung quanh cô gái này vô cùng sốc.
Nhiều năm trôi qua, những mảng quá khứ hay cảm xúc ngày cũ có thể cũng đã phai nhạt ít nhiều, nhưng có những điều vốn dĩ như một bước ngoặc, khiến người ta khó mà quên đi được.
Trang chia sẻ, lúc đó là những năm đầu của tuổi 20 - độ tuổi ai cũng có những lo nghĩ về tương lai, khi mọi điều đều chưa rõ ràng. "Nhưng bạn biết đó, không ai có thể chắc chắn 100% về tương lai cả. Mọi quyết định đều có phần trăm rủi ro. Điều mình có thể làm là đã chọn rồi thì nghiêm túc vun đắp tới cùng".
Và có lẽ, quyết tâm này đã đưa Trang đến thành công ngày hôm nay: Mở một thương hiệu snacks và đang nỗ lực để gây dấu ấn riêng trên thị trường. Ngoài ra, Trang còn đang đảm nhiệm vai trò giảng viên hướng dẫn làm bánh tại các workshop.
Tất nhiên, rời bỏ giảng đường để đến với thành công bước đầu như bây giờ không phải toàn là những chặng đường "rải bước trên hoa hồng". Có thất vọng, có chán nản, hoang mang... Nhưng sau tất cả, đam mê và nghị lực đã thúc đẩy cô gái này tiếp tục tiến về phía trước.
- 19 tuổi được học bổng Phần Lan, bạn chọn ngành Khởi nghiệp nhà hàng vì "trong nhà hàng có bếp". Bạn nhận ra mình yêu bếp và yêu việc làm bánh từ lúc nào?
Ngày bé, mình ao ước trở thành nhà thiết kế thời trang, suốt ngày vẽ váy xòe dạ hội vì mê sự lộng lẫy công chúa như bao cô bé khác. Mình đã rất kiên định với giấc mơ đó cho tới năm lớp 10, mình thử đi luyện thi và nhận ra mình ... không có năng khiếu hội họa cho lắm.
Sau đó mình có phụ chị mình làm bánh trung thu bán cho bạn bè người thân. Mình bắt đầu nhận ra làm bánh cũng là một công việc đòi hỏi kĩ năng, sự quan sát và tính tỉ mỉ. Thế rồi sở thích làm bánh đến với mình tự nhiên như một thói quen, như hơi thở. Việc làm bánh truyền cho mình rất nhiều năng lượng cũng như cảm hứng sống. Mình trở nên hoạt bát nhất, sáng tạo nhất, tập trung nhất, tâm huyết nhất, là khi mình được làm bánh.
- Hành trình giành học bổng ở Phần Lan có khó khăn với bạn không?
Năm đó, Phần Lan có chính sách là nếu đáp ứng được đầy đủ điều kiện mà trường đề ra, bao gồm yêu cầu về điểm thi Ielts và kì thi đầu vào, bạn sẽ nhận học bổng miễn phí 100% học phí cho tới khi tốt nghiệp. Việc đạt học bổng này đối với mình không hề dễ dàng.
Mình đã phải đấu tranh rất nhiều và tốn công sức thuyết phục bố mẹ cho mình đi du học vì đối với bố mẹ, mình còn quá non nớt để đi đến một nơi xa tự lập. Mình nhớ ngày đi thi, mình đã rất áp lực, trong điều kiện không tốt cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Ngày nhận tin đạt được học bổng, mình đã cực kỳ vui mừng và háo hức cho những trải nghiệm kế tiếp.
- Thời gian học ở Phần Lan có giúp được gì cho bạn trong quá trình khởi nghiệp sau này?
Cuộc sống ở Phần Lan dạy mình rất nhiều về sự tự lập. Bản thân mình vốn cũng là một cô gái độc lập trong cách nghĩ và cách sống. Phương pháp giáo dục ở Phần Lan đề cao tính tự giác trong học tập cũng khuyến khích trải nghiệm thực tế, và điều đó rèn cho mình về tính kỷ luật cao – điều vô cùng cần thiết trong việc làm bánh. Nếu bạn không khổ luyện, bạn sẽ không thể trau dồi kỹ năng.
Điều thứ hai là sự đa dạng về bản sắc. Ở Phần Lan mình cũng có dịp được đi du lịch đến những nước Châu Âu gần đó, được nếm thử ẩm thực, bánh Âu và trải nghiệm văn hóa phương Tây. Việc thử nghiệm làm bánh với những nguyên liệu ngon như bột, bơ, trứng sữa hay hoa quả tươi ở đó đã cho mình mở mang về "dải vị giác và kết cấu".
- Bỏ giảng đường sau 2 năm để về Việt Nam làm đầu bếp bánh ngọt, có nghĩa là sẽ bắt đầu lại từ đầu mà không có bằng cấp nào thực sự. Lúc đó bạn có từng nghĩ nếu học tiếp có tấm bằng rồi trở về thì mình vẫn theo đuổi được công việc làm bánh nhưng với một tâm thế tự tin hơn?
Đấy là điều ai cũng nói với mình. Nếu có bằng cấp rồi mới theo đuổi việc làm bánh chắc cũng sẽ tốt, theo một kiểu khác. Nhưng tại thời điểm đó, mình nghĩ thời gian cũng là một chi phí cơ hội đắt đỏ. Nếu chờ học hết đại học thì mình sẽ mất thêm vài năm nữa làm một điều không thật sự thôi thúc mình hàng ngày. Và để bù đắp cho những kiến thức bị bỏ lỡ ở trường học, mình đã tự định hướng xem nếu theo ngành bánh, mình sẽ có những sự lựa chọn nghề nghiệp nào. Rồi mình lập danh sách những kỹ năng, kiến thức cần trau dồi.
Lưu Minh Trang
Nếu có bằng cấp rồi mới theo đuổi việc làm bánh chắc cũng sẽ tốt, theo một kiểu khác. Nhưng tại thời điểm đó, mình nghĩ thời gian cũng là một chi phí cơ hội đắt đỏ.
Như mình đã đề cập, giáo dục ở Phần Lan khuyến khích trải nghiệm thực tế. Và mình đã tìm việc ứng tuyển vào các vị trí mà ở đó mình có thể học hỏi và tôi luyện bản thân. May mắn mình được nhận việc và đã gặp những "mentor" rất nhiệt huyết. Kiến thức rất rộng mở, không nhất thiết phải ở giảng đường đại học nếu như ta nỗ lực học hỏi. Tất nhiên mình tuyệt đối không cổ súy việc thôi học. Mỗi người có 1 lựa chọn riêng. Quyết định năm đó phù hợp với mình tại thời điểm đó.
- Từ sinh viên đến làm chủ, quá trình ấy của bạn diễn ra như thế nào?
Những ngày ở Phần du học, mình "dành cả thanh xuân" chỉ để làm bánh.
Hồi đó, mình làm bánh theo công thức trên mạng kết hợp … trực giác. Mình cũng hí hửng cùng bà chị mang cả ra công viên bán dạo, rồi mở cả tiệm bánh online. Những chiếc bánh năm đó khiến cho thời sinh viên ở Phần vì vậy mà trở nên ý nghĩa hơn…
Những ngày bán bánh dạo đó làm mình nảy ra ý nghĩ, "hay mình trở thành pastry chef - đầu bếp bánh ngọt nhỉ?"
Và năm 21 tuổi, mình quyết định bỏ giảng đường, quay về nước. Mình nghĩ quá trình ấy đến nay của mình, không có sự kiện nào là thừa thãi hay sai lầm. Mọi sự lựa chọn đều cho ra những trải nghiệm và bài học quý giá. Điều quan trọng nhất là cần có định hướng rõ ràng và có kế hoạch cho nó.
Con đường đến với bánh ngọt của mình sau đó chẳng dễ dàng gì. Suốt cả 2 năm sau khi dừng học, để tiết kiệm tiền, mình đã làm đủ thứ công việc, từ nhân viên bán hàng, nhân viên văn phòng. Mình thậm chí còn chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn để hỗ trợ chị gái mình kinh doanh. Lúc đó mình đã quyết tâm sẽ học làm bánh ở 1 nơi thật xứng đáng.
Rồi mình quyết định ghi danh vào Le Cordon Bleu, chi nhánh ở Bangkok.
Đối với mọi người, Le Cordon Bleu là học viện ẩm thực số 1 thế giới. Còn đối với mình, việc đến Le Cordon Bleu làm mình cảm giác háo hức và hạnh phúc như một chú cá nhỏ về lại biển.
Ở đây, mình được tiếp cận với kiến thức từ cơ bản tới nâng cao của nền ẩm thực bánh Pháp. Mình được gặp và rèn luyện bởi những người thầy vô cùng nghiêm khắc và kỹ tính nhưng cũng rất hài hước. Mình cũng được gặp nhiều bạn bè quốc tế có chung niềm đam mê, cũng nhiều người bỏ công việc đã gắn bó cả chục năm, lương cao chót vót, để theo đuổi nghề đầu bếp. Rồi mình thấy, mình không cô đơn với lựa chọn năm nào.
Tốt nghiệp, mình được nhận vào làm ở bếp bánh tại một khách sạn 5 sao ở Hà Nội. Đây là lúc mình có cái nhìn thực tế hơn về nghề: Áp lực cao - vất vả - đau lưng – mỏi cổ - đôi khi còn hơi... chán và chưa chắc đã được áp dụng hết những gì mà mình đã được học. Thế nhưng, mình đã thật sự trưởng thành hơn cả về mặt con người lẫn tay nghề. Đó là nhờ các anh chị đi trước đã chỉ dẫn, có la mắng, có nhắc nhở để mình khá hơn mỗi ngày.
- Trang có nghĩ ngoài đam mê thì mình khá may mắn vì có điều kiện hơn nhiều người khác? Chẳng hạn như việc được theo học tại Le Cordon Bleu là học viện ẩm thực số 1 thế giới?
Mình cũng thấy mình may mắn, vì có nền tảng gia đình tốt. Ban đầu bố mẹ không đồng ý với quyết định nghỉ học, nhưng sau đó vẫn hỗ trợ mình phần nhiều để học ở Le Cordon Bleu. Tuy nhiên như mình đã đề cập, kiến thức là rộng mở nếu như chúng ta ham học hỏi.
Mình cũng quen biết nhiều đầu bếp giỏi mà không được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp, họ học từ thực tế trải nghiệm và tự trau dồi kiến thức từ sách vở, nền tảng giáo dục online hay từ những buổi học nâng cao của đầu bếp có tay nghề trong nước. Ngược lại, khi học ở Thái, nhiều người có điều kiện đi học tại Le Cordon Bleu nhưng không phải ai cũng kiên trì gắn bó với nghề.
Mình nghĩ, con đường đến với nghề mỗi người sẽ khác nhau. Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của gia đình luôn là một "đòn bẩy" tốt để mọi việc thuận lợi hơn.
- Bạn có hài lòng với cuộc sống hiện tại, khi được sống đúng như mơ ước của mình?
Thực tế mình vẫn đang cần cố gắng rất nhiều vì mọi việc vẫn chưa hoàn thiện. Gọi là hài lòng thì chưa đúng, chỉ là mình thấy cuộc sống hiện tại phù hợp với mình, và cho mình nền tảng để phát triển thêm.
- Một câu thật lòng, nghĩ về con đường đã đi qua, nếu được chọn lại, bạn vẫn sẽ rời bỏ giảng đường?
Mình không có thói quen "chọn lại". Suy nghĩ về việc "chọn lại" có thể khiến bạn mông lung về con đường hiện tại. Mình nghĩ mỗi sự lựa chọn đều mang tính tương đối. Chúng ta chỉ có thể đưa ra một quyết định phù hợp với chính mình tại từng thời điểm.
- Hai chữ "đam mê" vốn luôn có sức hút. Tuy nhiên, tấm bằng đại học với đa phần bạn trẻ cũng là tấm vé thông hành cần thiết để bước vào đời. Theo bạn thành công có nhất thiết phải bước vào cánh cửa đại học?
Nếu bạn chọn học đại học thì hãy học đại học nghiêm túc. Nếu bạn chọn học làm bánh thì hãy học làm bánh nghiêm túc. Theo mình, để thành công thì nhất thiết phải nghiêm túc. Còn bước vào cánh cửa nào còn tùy vào việc định hướng công việc của bạn là gì.
- Bạn có lời khuyên nào cho những bạn trẻ muốn theo đuổi đam mê nói chung và đam mê làm bếp nói riêng?
Mình nghĩ để đưa ra một quyết định đúng, các bạn nên dành thời gian tìm hiểu về con đường mình lựa chọn, thu thập càng nhiều thông tin càng tốt, hỏi xin càng nhiều kinh nghiệm của nhiều người đi trước càng tốt. "Đam mê" cần đi cùng với "khổ luyện" và "nghiêm túc" vì trên thực tế, không có một sự thành công hay một danh xưng nào đến một cách dễ dàng.
Sự quyết tâm sẽ giúp bạn ra quyết định nhanh, nhưng sự kiên nhẫn mới đưa bạn đi xa hơn. Không có một tấm vé thông hành nào đảm bảo được 100% cho tương lai nếu "người hành khách" ngừng cố gắng.
- Công việc hiện tại, định hướng tương lai của bạn?
Hiện tại mình mở một thương hiệu snacks và đang nỗ lực để gây dấu ấn riêng trên thị trường. Ngoài ra, mình còn đang đảm nhiệm vai trò giảng viên hướng dẫn làm bánh tại các workshop. Mình mong muốn có thể truyền tải và chia sẻ kiến thức mà mình đã tích lũy đến với những người có cùng đam mê.