Cô gái tự xưng là hoa khôi ĐH Luật Hà Nội có thể bị xử lý thế nào?
Việc một cô gái tên Lý Thu Thảo tự xưng là hoa khôi Trường ĐH Luật Hà Nội, theo luật sư, có thể sẽ bị xử phạt hành chính.
Vừa qua, vụ việc một cô gái trẻ tên Lý Thu Thảo có hành vi mạo danh hoa khôi Trường ĐH Luật Hà Nội đã gây xôn xao dư luận.
Theo đó, trên trang Facebook cá nhân, Lý Thu Thảo tự nhận mình là hoa khôi Trường ĐH Luật Hà Nội trong cuộc thi “Duyên dáng nữ sinh Trường Đại học Luật Hà Nội - Charm of Law 2020”; sử dụng thẻ sinh viên bị cho là giả mạo. Thậm chí, cô gái này còn chia sẻ một số bài viết trên các trang tin “quảng cáo” về nhan sắc và học vấn của bản thân.
Tuy nhiên, mới đây, chia sẻ với VietNamNet, Ban Tổ chức cuộc thi Charm of Law 2020 khẳng định, Lý Thu Thảo không phải là hoa khôi trong cuộc thi này.
Nhận thấy tính chất vụ việc có ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhà trường, Trường ĐH Luật Hà Nội cũng đã liên hệ để làm rõ vụ việc với Lý Thu Thảo.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Minh Công (Công ty Luật TNHH DFC) nhận định, hành vi mạo danh là sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội, mạo danh là hoa khôi của Trường ĐH Luật Hà Nội, sử dụng các thông tin sai sự thật về trình độ học vấn, quá trình học tập… có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của cuộc thi “Duyên dáng nữ sinh trường Đại học Luật Hà Nội” nói riêng và Trường ĐH Luật Hà Nội nói chung.
Nếu thực sự có hành vi sử dụng, đăng tải những thông tin sai sự thật, Lý Thu Thảo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020 về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.
Nếu cô gái này có hành vi sử dụng những thông tin trái sự thật vào mục đích khác, chẳng hạn như sử dụng danh hiệu hoa khôi nhằm quyên góp thiện nguyện, hợp đồng quảng cáo sắc đẹp… thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng đầy đủ cấu thành tội phạm về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Nếu không vì những mục đích trên có thể xem xét cấu thành tội phạm của “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngoài ra, nếu sử dụng thẻ sinh viên giả, nếu Lý Thu Thảo là người làm ra và sử dụng vào hành vi trái pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” (theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).
“Đây là hành vi rất đáng bị lên án bởi tính chất nghiêm trọng của nó, phản ánh mặt tối trong một bộ phận giới trẻ khi coi thường pháp luật; xem nhẹ đạo đức, danh dự của bản thân và của tổ chức, các nhân khác, ham hố những nút “like”, lượt “sub” hay thả tim... trên mạng xã hội. Và đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh với những ai đã và đang có hành vi cổ xúy, giúp đỡ, chống lưng cho những hành vi sai trái, sống ảo một cách bất chấp”, luật sư Lê Minh Công nói.