Cô gái ung thư lập nhà trọ 0 đồng
Bị mắc bệnh ung thư dạ dày nhưng chị Trần Kim Thoa chỉ bị suy sụp trong thời gian ngắn. Gạt đi những lo lắng, sợ hãi giữa cái sống và cái chết, chị thuê mặt bằng dựng lên nhà trọ 0 đồng để giúp những bệnh nhân nan y như mình nhưng hoàn cảnh khó khăn có được nơi nghỉ ngơi để chữa bệnh.
Cho đến nay, đã có hàng trăm lượt người bệnh gồm cả người già, trẻ em đã được chị cưu mang, nhưng chị vẫn chưa thỏa mãn và lòng vẫn đau đáu muốn kiếm thêm được nhiều tiền để tiếp tục xây dựng nhiều nhà nghỉ 0 đồng nữa nhằm giúp được nhiều người hơn.
1. Sau nhiều lần bị từ chối, cuối cùng tôi cũng gặp được chị Trần Kim Thoa. Mời tôi chai nước suối, chị bảo: “Không phải em kiêu kỳ đâu nhé, tại mấy lần trước anh gọi, em phải thực hiện liệu trình điều trị bằng hóa chất và còn phải làm việc cả ngày lẫn đêm để hoàn thành nhiệm vụ được giao nên không thể đón tiếp được. Mặt khác, em làm nhà nghỉ 0 đồng là để thỏa mong ước được giúp đỡ người bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn chứ đâu phải muốn được nổi tiếng mà lên báo, đài... Thôi, đừng phỏng vấn, ghi hình nữa anh nhé...”.
Tôi phải mất gần nửa giờ đồng hồ giải thích việc viết báo là để lan tỏa việc làm tốt, có ý nghĩa trong cộng đồng để ngày càng có thêm những nhà hảo tâm giúp đỡ người nghèo thì chị mới đồng ý cho phỏng vấn.
Trần Kim Thoa sinh năm 1984 trong một gia đình lao động nghèo ở quận 8, TP Hồ Chí Minh. Nhà có đông anh chị em nên từ nhỏ, cứ sau giờ học là cô bé lại tức tốc chạy về nhà dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, chăm sóc em nhỏ để cha mẹ yên tâm bươn chải kiếm tiền nuôi gia đình. Mặc dù phải cố gắng gấp hai, gấp ba các bạn cùng trang lứa nhưng Thoa vẫn từng bước vượt qua các cấp học, lấy được bằng cử nhân công nghệ, sau đó được một công ty nước ngoài mời về làm việc.
Công việc đang thuận buồm xuôi gió thì vào đầu năm 2021, khi đi khám tổng quát, Thoa được bác sĩ chẩn đoán ung thư dạ dày. Trời đất như sụp xuống, tương lai đang rộng mở bỗng dưng đóng sập lại, chị về nhà đóng cửa nhốt mình trong phòng và suy nghĩ toàn những chuyện bi quan, tiêu cực, có lúc chán nản đến mức muốn tự tử quách cho xong.
Được bạn bè, đồng nghiệp động viên, cô dần vực dậy tinh thần, chấp nhận thực hiện ca mổ theo yêu cầu của bác sĩ điều trị, nhưng ngặt nỗi, tài khoản trống rỗng nên phải mất 3 tháng sau (cuối tháng 4/2021) mới xoay được đủ tiền để thực hiện ca mổ.
Sau ca mổ, u ác tính đã được cắt bỏ cùng với 3/4 dạ dày, nhưng do mổ hơi trễ, bệnh tình đã chuyển giai đoạn nặng hơn nên sau mổ phải thực hiện ngay liệu trình tổng cộng 8 lần hóa trị thì may ra mới khống chế được. hóa chất được đưa vào cơ thể khiến chị luôn trong tình trạng mệt mỏi rã rời, lúc nào cũng nôn khan, trọng lượng cơ thể giảm sút nhanh và có lúc chỉ còn dưới 40 kg. Tuy bệnh tình hành hạ là vậy nhưng cứ mỗi khi cảm thấy khỏe hơn một chút là chị lại lao vào công việc, làm cả ngày lẫn đêm cho quên đi thời gian.
2. Đang điều trị thì TP hồ Chí Minh thực hiện lệnh phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (thời điểm tháng 7/2021). Nằm trong phòng lướt mạng, Thoa phát hiện có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trong đó có cả người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không kịp về quê, bị mắc kẹt và sống vạ vật xung quanh các bến xe, bến tàu. Một số bệnh nhân hiểm nghèo khác bị nhiễm COVID-19 được đưa đi điều trị cách ly tập trung nhưng một phần đã ra đi mãi mãi, phần còn lại cũng không thể về quê vì phong tỏa, phải trở lại bệnh viện nhưng do bị quá tải nên phải nằm ngoài hành lang.
Nghĩ bệnh của mình chưa chắc đã hết nhưng chí ít cũng có điều kiện hơn nhiều bệnh nhân khác vì có việc làm, nhà cửa ổn định nên trước khi có mệnh hệ gì thì cũng cần làm việc gì có ích cho đời, cho xã hội. Nói là làm, cô liên lạc với bạn bè kêu gọi cùng nhau mở nhà tình thương miễn phí cho bệnh nhân ung thư ở tỉnh xa đến ở tạm.
Một số người ủng hộ, nhưng cũng có không ít xuất phát từ lòng thương cho rằng bản thân chị bệnh nan y còn chưa biết sống chết thế nào mà còn đòi lo cho người khác. Nghĩ dịch bệnh thế này, con virus nó có chừa ai đâu, sống chết ra sao biết đâu mà lần nên nếu làm được điều gì có ích thì cứ quyết tâm kẻo không còn cơ hội.
Cuối tháng 10/2021, khi đã tích lũy được mấy tháng tiền lương, Thoa cùng các bạn trong nhóm quyết định thuê một căn nhà 3 tầng lầu ở quận Bình Thạnh, TP hồ Chí Minh (gần Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1) rồi tự tay ngăn phòng, sơn phết lại cho sạch sẽ. Những ngày sau đó, Thoa cho in tờ rơi rồi sử dụng giấy đi đường (ưu tiên cấp cho bệnh nhân thường xuyên phải đến bệnh viện điều trị bệnh nặng) đến cổng Bệnh viện Ung bướu TP hồ Chí Minh và cứ nhìn thấy ai tay xách nách mang, da dẻ sạm nắng giống như người ở vùng sâu, vùng xa thì tiếp cận, đưa tờ rơi giới thiệu rồi mời họ về phòng trọ của mình ở miễn phí.
Nhiều ngày phơi nắng, phơi mưa mà không thu được kết quả gì vì có người bảo cô bị điên, người khác thì bảo chắc là lợi dụng chuyện làm từ thiện để lừa đảo...
Không nản chí, Thoa tiếp tục tìm cách tiếp cận những người thân của bệnh nhân, mời họ về nhà trọ xem thử và dần dần đã tạo được niềm tin ở người bệnh, họ cũng đăng ký ở kín hết các giường. Có được bệnh nhân tin tưởng tìm đến ở nhưng vấn đề đặt ra là nguồn thực phẩm lại thiếu thốn, trong khi những bệnh nhân này hầu hết không có tiền bạc trong túi... và nếu có cũng không thể mua được trong lúc cả thành phố đang bị phong tỏa.
Sau một đêm suy nghĩ, chị Thoa nhớ đến một số thanh niên trong xóm đang làm việc ở Tổng đội Thanh niên xung phong và họ thường xuyên mang nhu yếu phẩm đi phát cho các hộ gia đình nên đã tìm cách liên lạc. Mặc dù không quen biết, nhưng khi biết bệnh tình của Thoa và ý tưởng mà cô đưa ra, những thanh niên xung phong này đã đồng ý lập ra một nhóm tình nguyện viên để hằng ngày đi tìm mua nguồn thực phẩm tươi sống với giá rẻ mang tặng cho những bệnh nhân bị bệnh ung thư ở các tỉnh xa đang mắc kẹt, những khi mua được nhiều thì tìm đến các hộ gia đình neo đơn, ông già bà lão để tặng.
Đầu năm 2022, khi số lượng bệnh nhân có nhu cầu về phòng trọ 0 đồng tăng cao, trong khi giá thuê nhà ở khu vực quận Bình Thạnh lại khá đắt đỏ khiến Thoa không thể kham nổi. Không thể để cho người bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn rơi vào cảnh bơ vơ, chị xách xe gắn máy đi lùng sục khắp các hang cùng ngõ hẻm tìm thuê nhà và cuối cùng chọn căn nhà cấp 4 đã xuống cấp ở số 460/1 đường hoàng hữu Nam, phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức để xây dựng nhà nghỉ 0 đồng vì nơi này chỉ cách Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 chưa đến 1 cây số. Để người bệnh được nghỉ ngơi ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, chị tự mình đi mua gạch men, xi măng, tôn, bồn rửa, bồn cầu, bóng đèn, vòi nước mới rồi thuê thợ đến sửa chữa, nâng cấp từ trong ra ngoài. Nhà sửa xong, chị mua giường, nệm, chăn, gối kê vào các phòng, nhưng bệnh nhân chỉ ở được vài ngày thì lại dọn đi vì cho rằng nơi đây có ma.
Không để cho nỗi sợ hãi lấn át tâm trí người bệnh, chị khóa cửa nhà ở quận 8, xách đồ đạc cá nhân lên cùng ăn, cùng ở, cùng lau chùi, dọn dẹp nhà cửa (kể cả dọn nhà vệ sinh) với bệnh nhân. Khi rảnh thì chị bỏ tiền túi chạy ra chợ đầu mối hoặc những xe bán rau, củ, quả mua thực phẩm giá rẻ nhưng đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn mang về để người bệnh ăn dần. 3.Tấm lòng của chị Thoa đã lay động trái tim người bệnh và ngày càng có nhiều lượt người tìm đến xin được ở trọ. Cho đến nay, lúc nào nhà nghỉ 0 đồng của Thoa cũng có khoảng 15-20 người bệnh ở tỉnh xa đến nghỉ và do nhu cầu nên cô cũng đã thuê thêm một căn nhà khác để cho các cháu nhỏ bị bệnh ung thư cùng thân nhân của họ đến ăn nghỉ cho tiện việc lui tới bệnh viện khám, chữa bệnh.
Nói về cơ duyên đến với nhà nghỉ 0 đồng của chị Thoa, chị Nguyễn Thị Bé Năm (sinh năm 1962, ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) kể lại: Chồng mất sớm, nhà không tấc đất cắm dùi nên một mình chị phải nay đây mai đó làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ ăn học. Được nửa chừng thì chị phát hiện bị ung thư đại tràng nên các con buộc phải nghỉ học vì mẹ không còn đủ sức kiếm tiền mua gạo... Đầu năm 2022, các bác sĩ thông báo bệnh của chị chuyển sang giai đoạn 4C (tức là không thể hóa trị hoặc xạ trị, mà chỉ uống thuốc cầm chừng chờ chết), nhưng ruộng vườn đã bán sạch nên chị đánh liều lên TP hồ Chí Minh kiếm việc gì đó làm thuê kiếm tiền chữa bệnh.
Đang trong lúc bơ vơ, không biết kiếm đâu ra nơi ăn, chốn trọ thì được một bệnh nhân khác giới thiệu đến chỗ của chị Thoa hỏi thử. Chỉ cần xem căn cước, biết chị là dân ở vùng sâu, vùng xa, chị Thoa lập tức mời chị Năm vào ở và thỉnh thoảng còn tặng thêm cả nhu yếu phẩm.
“Từ ngày vào ở mái ấm này cùng với những bệnh nhân khác, tôi luôn nhận được sự chia sẻ từ chị Thoa, những lời động viên từ những bệnh nhân có cùng hoàn cảnh với mình nên tinh thần cũng nhẹ nhàng, không còn bi quan như trước nữa. Không phải lo cái ăn, chốn ở nên chỉ mong sống thêm vài năm nữa để được gặp mặt các con cháu một lần rồi ra đi mà không còn gì hối tiếc...”, chị Bé Năm chia sẻ.
Chị Ksor h’Ple ở xã Ia Tul, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai thì còn nhiều mối bận tâm hơn. Chị phát hiện bị ung thư phổi khi 3 đứa con còn quá nhỏ, đứa lớn nhất mới chuẩn bị bước vào lớp 1. Thương chị, anh chồng quyết định bán 3 sào rẫy lấy tiền chữa trị, còn anh lao đi làm thuê cuốc mướn kiếm gạo nuôi con. Đầu năm 2022, khi kinh tế gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, bệnh viện thì thông báo sau khi trừ bảo hiểm y tế, mỗi tháng phải đóng 10 triệu tiền thuốc nên chị quyết định không chạy chữa nữa để chồng con đỡ khổ. Đang trong lúc chờ chết thì một người bạn là bệnh nhân giới thiệu chị gặp chị Thoa và ngay lập tức được chị Thoa giúp cho nơi ăn chốn ở và còn hỗ trợ một phần tiền thuốc men.
“Đến nay, con mình được một số tổ chức xã hội trợ giúp, còn mình cũng được chị Thoa cưu mang nên đã yên tâm chữa bệnh để có thể sống thêm ít năm nhìn con cái trưởng thành... Chả biết nói gì hơn lời cảm ơn gửi đến chị Thoa...”, chị Ksor h’Ple trải lòng.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/co-gai-ung-thu-lap-nha-tro-0-dong-i704477/