Có gì bên trong ngôi nhà của các triệu phú Mỹ

Khi nhìn vào bên trong căn nhà của một triệu phú, bạn có thể ngạc nhiên trước những gì mình thấy.

 Hầu hết triệu phú sống trong những căn nhà dành cho gia đình với thiết kế truyền thống. Nguồn: visitbuckscounty.

Hầu hết triệu phú sống trong những căn nhà dành cho gia đình với thiết kế truyền thống. Nguồn: visitbuckscounty.

Bạn trông chờ nhìn thấy một căn nhà được trang hoàng lộng lẫy với đồ nội thất và phụ kiện phong cách mới nhất. Một câu chuyện quá hoang đường khác về giàu có.

Các triệu phú không có thói quen mua sắm đồ trang trí nội thất và đồ gỗ như bạn thấy trên phim ảnh hay truyền hình. Họ không thay đổi đồ đạc như các ngôi sao điện ảnh Hollywood thay đổi vợ chồng.

Hầu hết triệu phú sống trong những căn nhà dành cho gia đình với thiết kế truyền thống. Đây là những căn nhà kiểu thuộc địa được xây dựng tốt, gồm cả những căn nhà Tudor kiểu Anh. Bên trong có rất nhiều đồ đạc truyền thống, phổ biến nhất là các kiểu dáng thời kỳ đầu của Mỹ.

Các triệu phú không phải là người thường hay mua đồ nội thất hiện đại. Họ thích đồ nội thất truyền thống chất lượng cao không bao giờ lỗi mốt hơn. Đồ nội thất của họ còn có một đặc điểm đáng chú ý khác - chúng thường được làm bằng gỗ thịt thay vì gỗ ép. Các triệu phú thích đồ nội thất làm bằng gỗ nguyên khối hay trong một số trường hợp là gỗ công nghiệp cao cấp.

Để thấy rõ hơn phong cách thực tế (chứ không phải thương hiệu) của đồ nội thất mà các triệu phú sở hữu, hãy ghé thăm một cửa hàng đồ nội thất địa phương.

Tìm trong danh bạ các Trang vàng dưới tiêu đề “Nội thất” và chú ý những cửa hàng bán đồ nội thất thế kỷ XVIII chất lượng cao cùng các đồ nội thất truyền thống khác. Tìm những từ khóa như Baker Williamsburg, Councill Craftsmen Henkel-Harris. Đây không phải là những thương hiệu duy nhất bạn thường thấy trong nhà những người giàu có nhưng chúng sẽ là một khởi đầu tốt cho bạn.

Các triệu phú không chỉ thường trang bị đồ nội thất truyền thống hay “kiểu cũ” mà còn có xu hướng sở hữu những đồ nội thất thực sự “cũ” hay đồ cổ cao hơn rất nhiều so với những người không phải là triệu phú.

Hãy hỏi những người buôn đồ cổ “xịn” về đặc điểm thị trường mục tiêu chính của họ. Họ sẽ cho bạn biết rằng phần lớn nhất gồm những người giàu thích kiểu truyền thống, những người quan tâm tới chất lượng của đồ đạc hơn là thay đổi về giá cả.

Các triệu phú sở hữu đồ nội thất truyền thống được cung cấp từ một số nguồn. Thứ nhất, họ mua các bản nhái chất lượng cao làm bằng gỗ thật, hầu hết từ các đại lý. Một số người đặt làm riêng đồ nội thất. Thứ hai, các triệu phú có khuynh hướng mua đồ nội thất cổ cao cấp theo phong cách truyền thống. Thứ ba, họ mua một số đồ nội thất từ những món quà được thừa kế và những món đồ trao tay.

Dù có nguồn gốc thế nào, các đồ nội thất thường vẫn có chung đẳng cấp - thiết kế truyền thống, chế tác đẹp bằng gỗ thật. Loại đồ đạc này thuộc hàng cao cấp trong mắt các triệu phú. Chất lượng không chỉ ở cấu trúc mà còn liên quan đến việc món đồ đó sẽ tồn tại được trong bao lâu.

Đồ đạc tốt nhất sẽ tồn tại một thế kỷ hay hơn nữa dù với chăm sóc hạn chế. Vậy đồ nội thất truyền thống sẽ giữ được phong cách mà giới giàu có ưa chuộng trong bao lâu?

Không ai có thể hoàn toàn chắc chắn, nhưng các xu hướng trong quá khứ thường dự đoán tương lai. Đồ nội thất chất lượng cao có thể sẽ tăng giá trị. Bao nhiêu hàng hóa tiêu dùng mua hôm nay sẽ tăng giá trị mai sau - có phải chiếc xe mà bạn đã trả 30.000 đôla bốn năm trước, bộ đồ 500 đôla hay 800 đôla bạn mua hôm qua không? Ngược lại, tôi đã thấy đồ nội thất 10 tuổi của Henkel-Harris và 12 tuổi của Baker (chỉ mới nêu tên hai thương hiệu) được bán với giá cao gấp đôi giá mua ban đầu.

Về bản chất, các triệu phú thường hay tích lũy, họ thừa hưởng đặc điểm đó từ cha mẹ là những nhà sưu tập. Cha mẹ ông bà họ đã giữ lại những đồ vật có giá trị. Vì vậy phần lớn các triệu phú có di sản gia đình được sưu tập, bảo vệ và giữ gìn. Các triệu phú thế hệ đầu tiên ngày nay thực hành “không phung phí thì không túng thiếu”.

Tổ tiên họ đã truyền lại những tài sản có giá trị lâu dài cả về tinh thần và vật chất. Họ cảm nhận được giá trị của việc sưu tầm và giữ gìn những đồ vật sẽ tăng giá trị. Động cơ duy nhất của họ không phải vì một đồ vật nào đó sẽ tăng giá theo dự đoán - ngay cả hiện giờ, con cái triệu phú của họ cũng vẫn thường mua đồ đạc vì những động cơ khác. Họ cố tình mua sắm đồ đạc hôm nay để có thể truyền lại cho thế hệ trẻ mai sau.

Về bản chất, đây chính là định nghĩa về đồ đạc chất lượng của họ. Nó sẽ tồn tại lâu hơn tuổi thọ bình thường của một người, sẽ không bao giờ mất đi sự hấp dẫn và có thể sẽ tăng giá trị.

Hãy nghĩ về quá trình lựa chọn đồ đạc qua con mắt và tư duy triệu phú. Họ nhìn thấy lợi ích thực sự của việc trang bị căn nhà bằng những đồ đạc tôi đã mô tả. Họ có thể trả gấp hai hay ba lần cho một chiếc tủ thấp hay tủ đứng chất lượng hơn là cho một món đồ giả được làm từ ván ép.

Nếu chiếc tủ giá thấp hơn làm bằng ván ép, nó có thể không bền được vài chục năm. Lớp ván mỏng có thể tách ra khỏi mùn cưa nếu một chút nước hay cà phê dính vào. Sau đó, bạn không thể cưa mùn cưa; bạn thậm chí cũng không thể làm bóng chúng!

Bạn có thể đánh bóng lại đồ nội thất chất lượng cao hết lần này đến lần khác. Tại sao những người giàu làm mới lại đồ đạc của mình? Họ không coi đồ nội thất là đồ tiêu dùng hay đồ chóng hỏng - họ không mua đồ mới ngay khi đồ cũ bị xước. Gần một nửa (48%) số triệu phú trả lời khảo sát quốc gia mới nhất của tôi cho biết họ đánh bóng hay bọc lại đồ cũ thay vì mua mới.

Bà Claurice Rector, một triệu phú, từng cho tôi biết bà đã sửa sang và bọc lại mọi thứ trong nhà: “Việc đó thuận tiện hơn rất nhiều so với việc tìm kiếm... mua sắm [đồ nội thất mới]... hết giờ này đến giờ khác, xem xét những thứ giá cao chẳng ra gì!”.

Bà Rector đã lập danh sách những người làm bóng lại và bọc lại đồ đạc lành nghề. “Tôi gọi. Họ gửi cho tôi các mẫu vải. Họ đến lấy đồ đi. Không trung tâm mua sắm, không rắc rối”, bà nói.

Những thợ bọc lại ghế yêu thích của bà có rất nhiều loại vải. Theo bà Rector, lựa chọn vải dễ hơn nhiều so với lựa chọn đồ mới. Bà đã yêu cầu cùng một cửa hàng sở hữu gia đình, bọc lại chiếc ghế dài yêu thích của mình năm lần trong 30 năm.

Thomas J. Stanley / Alpha Books - NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-gi-ben-trong-ngoi-nha-cua-cac-trieu-phu-my-post1365663.html