Có gì ở nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á?
Cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng tại Tân Châu (Tây Ninh) đã khiến dư luận ngỡ ngàng trước một kỷ lục đặc biệt: công trình điện mặt trời mang quy mô lớn nhất Đông Nam Á...
Không quá rầm rộ khi khởi công, vậy nhưng sự xuất hiện của cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng tại Tân Châu (Tây Ninh) lại khiến dư luận ngỡ ngàng trước một kỷ lục đặc biệt: công trình điện mặt trời mang quy mô lớn nhất Đông Nam Á.
Là dự án hợp tác đầu tư giữa Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan) với mức vốn 9.100 tỷ đồng, cụm nhà máy vừa được khánh thành vào ngày 7/9, sau gần một năm thi công.
"Rừng pin" 1,3 triệu tấm
Hai nhà máy điện mặt trời DT1 và DT2 nằm khá xa khu dân cư. Từ trục đường chính vào đây, xe ôtô phải đi khoảng 15 phút, theo con đường xuyên giữa vùng đất xám.
"Rừng pin" tại cụm nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng sẽ cung cấp nguồn điện với công suấ t 690 triệu kWh mỗi năm, tương đương với mức tiêu thụ điện của gần 320.000 hộ gia đình Việt Nam.
Tại bãi đất sát hồ Dầu Tiếng, đặt trên một rừng cột bê tông trải rộng, hàng chục ngàn tấm pin năng lượng mặt trời nằm ngay hàng thẳng lối, kéo dài như vô tận. Tổng cộng, phủ kín diện tích hơn 500ha là 1,3 triệu tấm pin như vậy, tất cả được lắp đặt bằng khung thép mạ kẽm trên gần 200 ngàn cột bê tông cao khoảng 2,7 mét.
Không có những cụm công trình phức tạp và hoành tráng như thủy điện hay nhiệt điện, nơi cao nhất của cụm nhà máy DT1 và DT2 chỉ là các cột pin, trụ điện và đài quan sát. Và, những cụm pin vận hành cũng khá yên lặng, khi người ta chỉ có thể nghe thấy tiếng rè nhẹ của điện áp trên các cột kim loại.
Đón ánh sáng mặt trời, 1,3 triệu tấm pin ấy chuyển hóa nguồn bức xạ nhiệt thành điện năng để cung cấp cho hệ thống điện lưới quốc gia khoảng 690 triệu kWh mỗi năm, tương đương với mức tiêu thụ điện của gần 320.000 hộ gia đình Việt Nam.
Yên tĩnh và có vẻ đơn giản về lý thuyết vận hành, vậy nhưng sự xuất hiện của 1,3 triệu tấm pin ấy là một câu chuyện dài - khi khu vực lắp đặt vốn là vùng đất bán ngập, nghĩa là sẽ chìm trong biển nước vào mùa khô.
"Việc thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại đây phức tạp hơn nhiều so với những vùng có sẵn đất nền rắn như Ninh Thuận, Bình Thuận", Hoàng Ngọc Ánh, một trong các kỹ sư của dự án, kể.
Như lời anh, do đặc thù của địa hình bán ngập, phía thi công không thể đổ bê tông tại chỗ để xây dựng các trụ pin. Bởi vậy, toàn bộ 200.000 trụ bê tông tại đây đều là trụ đúc sẵn, được vận chuyển về Tp.HCM, và vượt quãng đường 135 km tới hồ Dầu Tiếng bằng xe tải.
Đặc biệt, từ tháng 10/2018 đến tháng 3 vừa qua, mực nước từ hồ Dầu Tiếng bắt đầu dâng lên tại khu vực nhà máy. Không thể sử dụng phương tiện cơ giới, việc đưa thiết bị và vật liệu từ bãi tập kết vào vị trí xây dựng đều phải dùng sức người - và sau đó là bằng thuyền nhỏ khi mực nước dâng cao.Chưa kể, tình trạng ngập nước khiến việc đóng cọc trở nên rất phức tạp trước yêu cầu đảm bảo vị trí tối ưu theo thiết kế về góc nghiêng của pin hay khoảng cách giữa các chuỗi, hàng….
"Mỏ vàng" năng lượng
Với những hạn chế về địa hình, tại sao dự án của Công ty TNHH Xuân Cầu và đối tác B. Grimm Power Public lại chọn khu vực hồ Dầu Tiếng, thay vì một vùng đất khác?
Câu trả lời cũng nằm những điều kiện tự nhiên của Tây Ninh. Như các thống kê, tỉnh có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời, khi cường độ bức xạ đạt tới 5,1 kWh/m2/ngày và số giờ nắng trung bình lên đến 2.400 giờ/năm.
Theo nhận xét của kỹ sư Hoàng Ngọc Ánh, những thông số này chỉ đứng sau khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận trên lý thuyết. Tuy nhiên khu vực xây dựng các nhà máy DT1, DT2 lại có những ưu thế rất đặc biệt.
"Đó không chỉ là những thuận lợi trong khâu giải phóng mặt bằng mà còn là hàng loạt yếu tố khác khi vận hành. Cụ thể, phần diện tích bán ngập này có nhiệt độ môi trường thấp, không ô nhiễm nên cho phép sản xuất điện với hiệu suất rất cao", anh nói. "Rồi, bề mặt địa hình tương đối bằng phẳng ở đây cho phép các cột pin không chênh lệch quá nhiều về cao độ và tạo ra sự ổn định cao khi vận hành. Ngoài ra, việc vệ sinh các tấm pin cũng có thể tiết kiệm được một chi phí lớn."
Chỉ riêng một thông số được Ánh đưa ra cũng cho thấy ưu thế của 2 nhà máy DT 1, DT 2: do địa hình nhiều cát, các nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ phải tiến hành vệ sinh các tấm pin theo chu kỳ khoảng 2 tháng/lần - trong khi ở khu vực hồ Dầu Tiếng, con số này chỉ là 4 đến 6 tháng/lần.
Từ những thông số ấy, không có gì khó hiểu khi theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 được Chính phủ và Bộ Công thương phê duyệt, cho đến năm 2020, hệ thống điện mặt trời tại khu vực hồ Dầu Tiếng sẽ có tổng công suất 2.110MW.
Còn trước mắt, để có được 690 triệu kWh mỗi năm (tương đương 1/12 công suất của nhà máy thủy điện Hòa Bình), Công ty TNHH Xuân Cầu và đối tác đã tập trung đầu tư tối đa để có thể khai thác hết tiềm năng từ vùng đất ngập này.
Theo đó, hệ thống pin được sử dụng công nghệ quang điện loại silic đa tinh thể có hiệu suất chuyển đổi trên 17 %; 70 bộ inverter (biến tầng) có hiệu suất chuyển đổi >98%. Ngoài ra, cả phần pin và inverter được lựa chọn theo công nghệ 1500VDC để giảm thiểu tối đa tổn hao điện năng.
Công suất 690 triệu kWh là một chỉ số đáng chú ý về "mỏ vàng" năng lượng ở tỉnh Tây Ninh, cũng như sự xuất hiện của những nhà máy điện mặt trời như tại Dầu Tiếng. Bởi, ở thời điểm khu vực phía Nam đang thiếu điện nghiêm trọng và phải sử dụng cả nguồn điện chạy dầu với mức phí sản xuất khoảng 7,000 đồng/kWh, chi phí để mua lại điện mặt trời từ doanh nghiệp chỉ tốn khoảng 2000 đồng…
Được biết, lượng điện tạo ra từ hai dự án Điện mặt trời Dầu Tiếng sẽ được đấu nối vào đường truyền tải 220kV Bình Long - Tây Ninh. Hệ thống cáp, bộ biến đổi điện, biến áp nâng áp và hệ thống phụ trợ tại nhà máy được đầu tư xây dựng hiện đại, đảm bảo kết nối đồng bộ với trạm biến áp 220kV và lưới điện khu vực để mang đến khả năng vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả cho nhà máy, cũng như hệ thống điện quốc gia.