Có gì trong thông điệp bất ngờ lúc nửa đêm của Chủ tịch Kim Jong-un?
Các nhà phân tích Hàn Quốc đang tỏ ra hoang mang và ngờ vực trước những thông điệp 'vừa đấm vừa xoa' của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc diễu binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên.
Ngôn từ và hành động bất nhất
Giới chức Hàn Quốc đã coi những bình luận mang tính hòa giải của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi cuối tuần qua là một chỉ dấu cho thấy căng thẳng có thể đang hạ nhiệt, song cũng không khỏi lo ngại về số lượng lớn hệ thống tên lửa mà Triều Tiên phô diễn trong cuộc diễu binh gần đây, coi đó là bằng chứng cho thấy hòa bình có thể vẫn còn là điều xa vời.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã phát đi những tín hiệu hỗn hợp khi ông phát biểu trước cuộc diễu binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên vào lúc nửa đêm 10/10 - thời điểm tổ chức chưa từng có tiền lệ, bày tỏ mong muốn hai miền Triều Tiên sẽ tiếp tục "hợp tác" sau khi đại dịch Covid-19 qua đi.
Mặc dù đa phần thế giới vẫn chưa hết băn khoăn và hoài nghi trước sự xuất hiện của một hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới tại cuộc diễu binh, song giới chức Hàn Quốc lại quan ngại hơn nhiều đối với sự xuất hiện của những hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) thế hệ mới cùng với những hệ thống tên lửa tầm ngắn cơ động và mau lẹ vốn sẽ là thứ vũ khí lý tưởng để nhắm bắn các mục tiêu ở Hàn Quốc.
Lãnh đạo đối lập Hàn Quốc Kim Chong-in nhận định: "Cuộc diễu binh phô diễn không chỉ một hệ thống ICBM hiện đại mà còn cả hệ thống MLRS vốn gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Hàn Quốc. Triều Tiên chưa thay đổi, những mối đe dọa của họ thậm chí còn lớn hơn".
Cựu Thủ tướng đồng thời là lãnh đạo đảng cầm quyền Hàn Quốc Lee Nak-yon nói rằng ông hy vọng thông điệp hướng về phía Hàn Quốc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ là một "chỉ dấu tích cực", song bày tỏ quan ngại về những ý định của Triều Tiên thông qua màn phô diễn những hệ thống vũ khí mới.
Tại một cuộc họp đảng, ông Lee nói: "Triều Tiên đã trưng các hệ thống vũ khí hiện đại bao gồm một ICBM mới. Điều này cho thấy nước này vẫn chưa từ bỏ quyết tâm phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, và những loại vũ khí này có thể đe dọa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên".
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây tiềm ẩn yếu tố bất ổn nhất là khi tình trạng mối quan hệ liên Triều thường bị mối quan hệ Mỹ-Triều chi phối. Khi cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2018 giúp hạ nhiệt căng thẳng vốn chưa từng xảy ra giữa Washington và Bình Nhưỡng, giao thiệp của Triều Tiên với Hàn Quốc cũng trở nên nồng ấm đáng kể.
Tuy nhiên, quan hệ trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng trở lại kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Kim và Trump sụp đổ hồi năm 2019, và mối quan hệ liên Triều tiếp tục đối mặt với cú sốc khi binh sĩ Triều Tiên bắn chết một quan chức ngành thủy sản Hàn Quốc bị bắt giữ trên biển.
Seoul cần sáng suốt hơn
Shin Beom-chul, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia có trụ sở ở Seoul nhận định, mặc dù nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát đi những thông điệp hòa giải hướng về phía Hàn Quốc song thông điệp chính của Chủ tịch Kim Jong-un tại lễ diễu binh vẫn nhắm vào Mỹ.
"Bằng việc trưng ICBM mới, Bình Nhưỡng hàm ý rằng họ có thể thử loại vũ khí mới này vào bất kỳ thời điểm nào nếu tình hình không tiến triển tốt sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Triều Tiên sẽ chẳng mảy may cân nhắc đến mối quan hệ liên Triều", ông Shin Beom-chul nói.
Phía Seoul cho rằng bài phát biểu của Chủ tịch Kim Jong-un tại cuộc diễu binh sẽ thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp hơn, song cũng kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ các thỏa thuận nhằm ngăn chặn xung đột vũ trang, đồng thời chấp thuận tiến hành một cuộc điều tra chung về cái chết của quan chức Hàn Quốc nói trên.
Khi đề cập đến hoạt động thử nghiệm MLRS và tên lửa tầm ngắn quy mô lớn mà Triều Tiên tiến hành trong năm 2019 trong bối cảnh Bình Nhưỡng phải tuân thủ cam kết ngừng thử ICBM, ông Chun Yung-woo, từng là nhà đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc, khuyến cáo rằng Seoul không nên quá bị mê mải bởi hy vọng kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Chung Yung-woo lưu ý: "Mặc dù mọi chú ý của truyền thông lúc này đổ dồn vào những hệ thống chiến lược mới của Triều Tiên, song mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh của chúng ta là những loại tên lửa chiến thuật tầm ngắn, sử dụng nhiên liệu cứng và những hệ thống MLRS mà Bình Nhưỡng đã thử nghiệm trong năm 2019. Triều Tiên đã cho thấy họ đã tập trung phát triển năng lực của mình như thế nào để tấn công Hàn Quốc trong khi chúng ta lâu nay lại đắm chìm trong nỗ lực vận động kiến tạo hòa bình".
Bên cạnh đó, đối với Mỹ, sự xuất hiện của loại tên lửa này cho thấy Triều Tiên đã làm việc không ngừng nghỉ để nâng cao các năng lực tác chiến hạt nhân, cho dù ông Trump từng huênh hoang rằng Triều Tiên sẽ không còn là một mối đe dọa hạt nhân đối với Mỹ. ICBM mới giúp củng cố vị thế của Triều Tiên như một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có sức răn đe và cho thấy Bình Nhưỡng không có kế hoạch giải trừ các năng lực hạt nhân của mình.
Tổng thống Trump có lẽ đã nghĩ rằng ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã “phải lòng nhau”, tuy nhiên nhà lãnh đạo Triều Tiên thể hiện rõ rằng tấm chân tình đã không được đáp lại. Ông Trump vẫn chấp nhận điều đó.
Hầu hết các nhà quan sát Triều Tiên đã dự đoán rằng không một nỗ lực nào của Wasington có thể thuyết phục được Bình Nhưỡng chấp nhận giải trừ hạt nhân hoàn toàn và có kiểm chứng. Đúng như dự đoán, mọi thứ hiện dường như trở về xuất phát điểm ban đầu.
(theo Reuters)