Có giải pháp khắc phục tư tưởng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm

Thảo luận tại tổ 3 về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tán thành về những khó khăn, thách thức, hạn chế đã được Chính phủ nhận diện. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần xem việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm nửa cuối nhiệm kỳ này; có giải pháp khắc phục tư tưởng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm...

 Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tham dự phiên thảo luận tại tổ 3

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tham dự phiên thảo luận tại tổ 3

ĐBQH HOÀNG MINH HIẾU: Rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần thực hiện thường xuyên, liên tục

Về nội dung cải cách thể chế trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được đề cập rất đầy đủ, sâu sắc, thể hiện rõ quan điểm: Cải cách thể chế là một trong những động lực, yếu tố cơ bản thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Để làm rõ hơn nội dung này, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số ưu điểm như: Đã cải cách cách thức xây dựng luật, cụ thể là một số đạo luật có phạm vi điều chỉnh liên quan với nhau được ban hành cùng thời điểm như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa qua.

Theo đại biểu, cách làm trên có ưu điểm là phân định rõ phạm vi điều chỉnh của từng luật, bảo đảm tính logic giữa các luật có liên quan; qua đó làm cho các luật đạt được mức độ hoàn chỉnh cao hơn; đồng thời điều chỉnh tổng thể vướng mắc còn tồn tại trong quá trình thực hiện cho doanh nghiệp, người dân.

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phát biểu

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phát biểu

Đánh giá cao công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua (với 2 đợt rà soát từ đầu nhiệm kỳ đến nay); qua đó phát hiện nhiều điểm mâu thuẫn, chồng chéo; xác định rõ điểm nghẽn nằm ở khâu xây dựng pháp luật hay thực hiện pháp luật; đồng thời, việc rà soát cũng làm cơ sở, thông tin đầu vào chất lượng để xây dựng pháp luật… Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng đề xuất, hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần thực hiện thường xuyên, liên tục để có thông tin đầu vào tốt phục vụ cho hoạt động lập pháp chất lượng cao hơn.

Về công tác xây dựng các đạo luật của Quốc hội, đại biểu đề xuất cân nhắc tiến hành sửa đổi các đạo luật theo nhu cầu để giải quyết các vướng mắc của người dân và doanh nghiệp kịp thời hơn; thay vì thực hiện sửa đổi theo định kỳ sau khi sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm thực hiện luật theo thông lệ.

Theo đại biểu, không nên lo ngại khi sửa đổi các đạo luật theo nhu cầu sẽ dẫn đến không bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật. Vì qua nghiên cứu kinh nghiệm ở một số nước phát triển, quan điểm về tính ổn định của pháp luật không nằm ở chỗ thay đổi thường xuyên các điều, khoản vướng mắc cụ thể trong thực tiễn, mà được các nước tiếp cận trên quan điểm là bảo đảm chủ thuyết chung của luật, đây mới là điều quan trọng. Do vậy, họ cũng thường xuyên sửa đổi các đạo luật nếu thấy vướng mắc.

ĐBQH TRẦN ĐỨC THUẬN: Tăng cường giải pháp định hướng dư luận, đẩy lùi các thông tin xấu độc

Cơ bản đồng tình với báo cáo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế… Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được chú trọng, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn; quốc phòng - an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu…

ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An) phát biểu

ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An) phát biểu

Tuy nhiên, bày tỏ băn khoăn khi báo cáo Chính phủ có đặt ra vấn đề một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có tư tưởng sợ sai, sợ trách nhiệm… Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp để giải quyết tốt vấn đề này. Bởi, nếu không giải quyết tốt thì “bệnh” này lan dần, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị tăng cường các giải pháp cung cấp thông tin chính thống hiệu quả để định hướng dư luận trước các thông tin xấu độc; đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác quản lý chính trị nội bộ, đặc biệt ở cấp chiến lược càng cao càng phải quản lý chặt chẽ.

Liên quan đến kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, đại biểu đề nghị cần có giải pháp căn cơ, xóa tư tưởng trọng nam khinh nữ để khắc phục tỷ lệ sinh bé trai cao hơn bé gái ở nước ta… Bên cạnh đó, cần tăng cường thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới. “Cấp ủy, chính quyền các cấp nên coi đây là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ nữ nhằm nâng tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp; gắn với đó, nghiên cứu ban hành chính sách đặc thù cho phụ nữ để tạo điều kiện cho họ "giỏi việc nước, đảm việc nhà"…”, đại biểu nhấn mạnh.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/y-kien-dai-bieu/co-giai-phap-khac-phuc-tu-tuong-so-sai-so-chiu-trach-nhiem-i372668/