Cô giáo cắt tóc nữ sinh tại lớp: 'Phản giáo dục, xúc phạm thân thể học sinh'
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, hành vi cô giáo cắt tóc nữ sinh ngay tại lớp là phản giáo dục, xúc phạm đến thân thể các em, cần kịp thời xử lý.
Nhận định có thể nữ sinh chưa ngoan, từng vi phạm nhiều lần vẫn không khắc phục theo sự nhắc nhở của cô giáo, nhưng theo PGS.TS tâm lý Phạm Mạnh Hà, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), hành vi cô giáo cắt tóc nữ sinh ngay tại lớp trước sự chứng kiến của nhiều em là sai, "sai cả về quy định lẫn đạo đức nghề giáo".
Sự việc lần này như giọt nước tràn ly, giáo viên thấy bất lực với học sinh, không làm chủ được cảm xúc nên dẫn đến hành động dùng kéo cắt tóc. Giáo viên là người lớn, người dạy dỗ các em lại có cách hành xử thiếu chuẩn mực.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hành vi của cô giáo được quy vào bạo lực học đường, gây tổn thương sâu sắc về tâm lý cho nữ sinh nói riêng và tất cả học sinh trong lớp chứng kiến sự việc nói chung. Nếu không kịp thời động viên, thì rất có thể nữ sinh này sẽ bị sang chấn tâm lý, sinh ra tâm trạng bực tức, thù ghét, lớn hơn nữa là xấu hổ không dám đi học, nghĩ quẩn.
Qua sự việc này, PGS Hà mong các thầy cô rút kinh nghiệm, khi học sinh chưa ngoan, giáo viên dùng các biện pháp giáo dục tích cực để cảm hóa thay vì đòn roi phản tác dụng. Thầy cô cần bám sát vào quyền của học sinh, quyền của người học để giáo dục, không nên lấy cái tôi, sự nóng nảy của bản thân để dạy các em.
Xem hình ảnh giáo viên cắt tóc học sinh trước cả lớp, TS Nguyễn Thị Huệ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội "sốc". Bà nói đây là hành vi xúc phạm thân thể, xâm phạm quyền riêng tư, cá nhân của học trò. Nếu gia đình, bạn bè, thầy cô không kịp thời động viên sẽ để lại hậu quả tâm lý nghiêm trọng cho các em.
Học sinh bậc THPT đang trong độ tuổi khẳng định bản thân, cá tính mạnh, giáo viên cần hiểu và đưa ra phương pháp giáo dục nhẹ nhàng, phân tích, phối hợp với gia đình cùng giáo dục. Chỉ cần một hành động xúc phạm hay lời nói bêu xấu cũng khiến các em rơi vào khủng hoảng tâm lý, nhẹ thì trầm cảm, nặng thì rất có thể sẽ nghĩ quẩn.
Theo TS Huệ, đây không phải lần đầu tiên sự việc như vậy xảy ra. Tháng 4/ 2021, một cô giáo ở Nam Đinh cũng cắt tóc nam học sinh. Cô giáo này đã bị kiểm điểm cảnh cáo vì hành vi thiếu tính mô phạm.
"Cô giáo ở Vĩnh Phúc cũng vậy, chắc chắn phải xử lý kỷ luật, nhưng hình phạt ở mức độ nào cần bàn bạc kỹ lưỡng, không nên quá mạnh tay, tránh để cả giáo viên lẫn học chịu tổn thương", vị này nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội nhìn nhận, có thể cô giáo muốn tốt cho học sinh nhưng hành động này lại là vi phạm về quyền tự do học sinh.
Thấy học sinh có kiểu tóc không phù hợp, giáo viên cần lấy mục tiêu giáo dục làm đầu, đó là khuyên bảo học sinh, phối hợp, giải thích với phụ huynh và có thể ý kiến rằng học sinh cần có kiểu tóc phù hợp khi đi học… Giáo viên tự ý cắt tóc là vi phạm, chưa ứng xử theo cách giáo dục và hoàn toàn áp đặt như giáo dục kiểu ngày xưa.
Các phương pháp trong nhà trường đều phải mang tính giáo dục, dựa trên tự nguyện từ phía học sinh để tránh lạm quyền, áp đặt. Giáo viên phải nhận thức được trong giáo dục phải tôn trọng học sinh, hướng đến các phương pháp là chủ yếu.
Giáo viên phải nắm được các phương pháp giáo dục, tâm lý học sinh, đặc biệt không được giáo dục kiểu áp đặt, quyền uy. Làm sao cho học sinh tự nhận thức, tự rèn luyện và hoàn thiện mình. Ngay cả về phía gia đình cũng không nên áp đặt đối với các em, hãy tôn trọng các em để giúp đỡ, giáo dục các em dần dần, vị chuyên gia này nói.
Sự việc giáo viên cắt tóc một nữ sinh tại lớp trước sự chứng kiến của nhiều học sinh diễn ra cách đây vài ngày tại lớp 10A10, trường THPT Đội Cấn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Theo thông tin ban đầu, cô giáo này dùng kéo cắt tóc một học sinh nữ trong lớp nhằm cảnh cáo về việc em này nhuộm tóc, dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng chưa sửa đổi.
"Đây là hành động thái quá của giáo viên, vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng. Cô giáo không tôn trọng danh dự của các em học sinh nên đã có những hành vi, lời nói chưa đúng chuẩn mực. Sở GD&ĐT cùng các đơn vị nhất định sẽ giải quyết triệt để", vị đại diện Sở GD&ĐT nói.
Điều 28, Nghị định 4 ban hành 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giáo dục, mức xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc kỷ luật người học không đúng quy định… Người vi phạm phải xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể.