Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Vững chuyên môn, hòa đồng, giản dị, đó là nhận xét của Ban Giám đốc, đồng nghiệp và học sinh tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh về cô giáo Chử Thanh Tâm.

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, chuyên ngành môn Sinh học, năm 2010, cô giáo Tâm được phân công về công tác tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh (gọi tắt là Trung tâm). Năm 2014, do yêu cầu công việc, cô Tâm được Ban Giám đốc phân công vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề cho lao động nông thôn.

“Kiêm nhiệm “2 vai”, trách nhiệm nặng nề hơn, nhưng đó cũng là cơ hội để tôi được khẳng định mình nhiều hơn”, cô Tâm chia sẻ.

Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, lại được đào tạo kiến thức về Sinh học nên cô Tâm không mất nhiều thời gian để bắt nhịp với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Suốt 10 năm qua, cô Tâm đã khẳng định là một trong những giáo viên tiêu biểu của Trung tâm với nhiều đổi mới về phương pháp giảng dạy, nhiều lần được nhận giấy khen, bằng khen các cấp. Tại các hội thi, hội giảng cấp tỉnh, cấp trung ương, cô giáo Tâm đoạt nhiều giải cao, như: giải Ba Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn quốc năm 2021; giải Nhất Hội giảng Nhà giáo GDNN cấp tỉnh năm 2020; giải Nhì Hội giảng Nhà giáo GDNN cấp tỉnh năm 2017... Không những vậy, trong năm 2022, cô vinh dự được tôn vinh là 1 trong 54 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu toàn quốc và được Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Đặc biệt, cô Tâm còn là chủ nhân của nhiều sáng kiến kinh nghiệm, được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận, như “Một số kinh nghiệm nâng cao chất lượng dạy nghề thông qua một tiết dạy tích hợp”; “Nhân giống cây ăn quả bằng phương pháp ghép nêm để tăng hiệu quả trong trồng cây ăn quả cho lao động nông thôn” năm học 2021 - 2022; “Làm dụng cụ giá cố định gốc ghép để nâng cao hiệu quả giảng dạy nghề nông nghiệp” năm học 2022 - 2023.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, cô giáo Chử Thanh Tâm cho rằng, điều cốt lõi nhất của một giáo viên là sự nhiệt huyết, yêu nghề. Ngoài ra, đối với giáo viên dạy nghề, không những cần kỹ năng sư phạm tốt, vững về chuyên môn mà còn phải bám sát cơ sở, liên tục cập nhật kiến thức, cải tiến kỹ thuật, thành thạo các kỹ năng thực hành như lao động nông thôn thực thụ.

Minh Hà

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/co-giao-day-chu-gioi-day-nghe-tot-post393434.html