Cô giáo gần 30 năm 'cắm bản' chưa một lần được thưởng Tết
Đắng cay có, vất vả có, nhưng gần 30 năm 'cắm bản' nơi miền biên viễn ươm chữ cho trẻ em vùng cao xứ Thanh, chưa một lần cô nghĩ đến chuyện 'thưởng Tết'. Được cống hiến, được nhìn học trò thành thạo từng con chữ, đếm từng con số với cô đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Cô giáo Mai Thị Loan.
Dặm dài gieo chữ trên non
Đói nghèo bủa vây, bản Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) hơn 20 năm trước heo hút, gian nan, khốn khó trăm bề. Ở đó, cái gọi là con chữ của người dân nghèo như một ước vọng xa xỉ mà họ chưa từng nghĩ đến. Bỏ mặc những thú vui đời thường, những thầy, cô giáo gửi lại cả thanh xuân nguyện vượt rừng sâu gian khổ ngày đêm “cắm bản” ươm chữ nơi miền biên viễn.
Tuổi nghề hơn nửa tuổi đời, cô giáo Mai Thị Loan (49 tuổi, quê huyện Nga Sơn) đã có 29 năm gắn bó với những đứa trẻ vùng cao huyện Quan Sơn, đây như quê hương thứ 2 của cô giáo Loan gắn với biết bao kỉ niệm, buồn vui, vất vả.
Xuân đang về trên vùng biên giới, chúng tôi gặp cô giáo Loan (giáo viên, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Na Mèo) vào những ngày cận Tết. Lại một năm nữa ăn Tết xa quê, cô Loan cũng như bao nhà giáo khác ở đây đã khá quen với thứ “đặc sản” này. “Tết à, năm nào chả thế. Hết Tết ở trường rồi lại vào với bà con dân bản, vào với lũ trẻ vài hôm rồi nó lại qua nhanh ấy mà.” Cô Loan cười tươi nhưng chất chứa những nỗi niềm.
Trưởng Tiểu học Na Mèo.
Năm 1991, cô giáo trẻ Mai Thị Loan ra trường rồi bắt đầu sự nghiệp trồng người của mình ở xã Sơn Điện, một trong những xã vùng cao khó khăn của huyện Quan Sơn lúc bấy giờ. Không điện, không đường, trường tạm tranh tre, cơm rau đói khát quanh năm là món quà đầu tiên mà nghề tặng nữ giáo viên tuổi ngoài đôi mươi.
Cô Loan kể: “Là người miền xuôi, phận làm con gái lần đầu tiên trong đời tôi biết đến vùng cao. Tôi chẳng thể nào quên được ngày ấy, để vào được bản dạy chữ phải đi bộ xuyên rừng, vượt suối mới tới điểm trường. Những ngày đầu tôi vừa mệt lại vừa nhớ nhà, có những lúc đã từng nghĩ đến chuyện bỏ nghề nhưng vì đam mê nên mọi khó khăn cũng từng bước vượt qua”.
Một năm rồi cũng trôi qua, ngày Tết cận kề, nhìn lũ bạn nhắn nhủ nhau về quê ăn Tết mà lòng cô nặng trĩu. Cái Tết đầu tiên xa quê, cô được người dân bản đón chào bằng những nét văn hóa cổ truyền của người đồng bào miền núi. Thế rồi, cái Tết cũng qua đi khép lại một năm gieo chữ trên non. Tháng 9 – 1992, khi vừa làm quen với bà con thì cô nhận được thông báo chuyển công tác lên bản Na Mèo (xã Na Mèo), một bản vùng biên giáp nước bạn Lào.
Đường vào điểm trường lẻ bản Cha Khót (xã Na Mèo) gian nan, vất vả.
Kể từ ngày đó cho đến nay, đã gần 30 năm cô gắn bó với nhiều thế hệ học trò của bản nghèo nơi đây với biết bào kỷ niệm. “Ngày ấy chưa được như bây giờ. Vì là xã biên giới nên ở đây đói nghèo quanh năm. Tôi còn nhớ căn phòng học được dựng bằng tranh tre mái lá, gió lốc thổi tứ bề. Rồi những trận mưa đá vùng biên rơi lộp độp trên mái khiến tôi và nhiều đồng nghiệp run lẩy bẩy. Buồn cười nhất là cái phòng ăn ở của giáo viên, 2 bên cửa mở trống hoác, thương các cô, bà con dân bản chặt nứa rồi dựng tạm 2 cái giường nhỏ trong phòng, chiếc bảng cho các cháu học cũng được làm bằng ván gỗ lùi xùi. Nghĩ đến mà thương các em lắm”. Cô Loan hồi ức.
Rau rừng làm quà “thưởng Tết”
Cùng thế hệ như cô Loan, thầy Chung Trường Thành (hiệu trưởng Trường tiểu học Na Mèo) cũng đã 27 năm gắn bó với học sinh các xã nghèo huyện miền núi Quan Sơn. Đến Tam Thanh, Tam Lư rồi Sơn Hà, người thầy giáo quê huyện Hậu Lộc “cắm chốt” cho sự nghiệp ươm chữ của mình tại bản Na Mèo cho đến nay.
Thầy Chung Trường Thành, Hiệu trưởng trường tiểu học Na Mèo, người đã có nhiều năm công tác khắp các bản làng ở Quan Sơn.
“Nếu để nói về những kỉ niệm thì chẳng biết bao nhiêu giấy mực mới kể hết được. Duy chỉ có một điều mà tôi luôn cảm thấy hạnh phúc nhất cuộc đời mình đó là niềm đam mê, yêu thương những đứa trẻ nơi này mà không chỉ riêng tôi, nhiều thầy cô giáo khác cũng vậy.” Thầy Thành tâm sự.
Hàng chục năm gắn bó với nơi đây là vậy nhưng chưa một lần những giáo viên cắm bản như thầy Thành, cô Loan cảm thấy buồn. Ở đó, họ có những đứa trẻ hồn nhiên, có những người dân đồng bào thiểu số thân thiện và hơn bao giờ hết đó là tình yêu với vùng cao đến cháy bỏng. Họ yêu vùng cao như một miền quê thứ hai của mình, yêu đến nồng nhiệt như men say của vị rượu cần dân bản khiến cả một đời chẳng thế nào quên được.
Gần 30 năm gắn bó với học sinh vùng cao, cô Loan có rất nhiều kỉ niệm, yêu vùng cao như quê hương thứ 2 của mình.
Hiện tại Trường tiểu học Na Mèo có tổng 395 học sinh chia làm 21 lớp, chủ yếu các em học sinh nơi đây là người dân tộc Thái và Mông. Để đảm bảo công tác giảng dạy cho các em thì 31 cán bộ giáo viên của nhà trường không chỉ dạy trên lớp mà còn khéo về công tác dân vận. Bởi lẽ hầu hết phụ huynh của các em đều bận đi rừng, đi nương nên công tác kèm cặp học thêm ở nhà hoàn toàn là không có, thậm chí, nhiều trường hợp em học sinh bỏ học giữa chừng.
Nói về những kỷ niệm của vùng cao, thầy Thành bộc bạch: “Hàng chục năm qua nếu không có tình yêu với vùng biên này thì có lẽ chúng tôi không thể nào công tác đến tận bây giờ. Nhiều người dân còn vui tính gọi chúng tôi bằng “ông giáo, bà giáo”. Kể cũng hay, có những thế hệ học trò cũ sau khi ra trường lại quay về đây làm đồng nghiệp của mình. Rồi thế hệ các con của họ lại quay về làm học trò ở trường. Dạy chữ cho 2 thế hệ mới thấy được thời gian trôi đi quá nhanh, mới đó mà những lứa học trò xưa nay đã thành đạt, đây cũng là niềm ao ước, niềm tin mà chúng tôi mong muốn nhất của sự nghiệp trồng người”.
Các em học sinh bản Cha Khót (ảnh thầy cô giáo cung cấp).
Khi nhắc về chuyện thưởng Tết, các thầy cô ở đây chỉ cười rồi nói: “Thưởng Tết ư, chúng tôi chưa bao giờ có một lần thưởng Tết. À mà có đấy, mỗi dịp ngày Nhà giáo Việt Nam hay lễ Tết thì chúng tôi nhận được nhiều quà lắm. Quà thưởng Tết của bà con mà, họ trồng được gì, hái lượm được gì thì mình được cái đó. Bà con ở đây quý lắm, thịt gà, cơm lam, mía, và đặc biệt là món rau rừng yêu thích… Năm nào chúng tôi cũng được bà con tặng làm quà. Những món quà đơn giản nhưng chất chứa tình yêu thương, chúng tôi xem đây như quà thưởng Tết vậy.” Cô Loan trút bầu tâm sự.
Những ngày cận Tết, điểm trường Na Mèo sắc xuân đang cận kề ở những cành hoa, cây trái. Những thầy cô giáo nơi đây lại rục rịch chuẩn bị cho một cái Tết xa quê. Mãi rồi cũng thành quen vì đã bao nhiêu cái Tết trôi qua họ đã không ăn Tết ở nhà. Tết này, cô Loan cùng nhiều giáo viên khác nữa lại vào bản cùng bà con ăn Tết theo phong tục của người Thái, người Mông nơi biên cương xa xôi, họ ngồi bên mái nhà sàn, uống rượu cần, ăn cái lá rau rừng rồi cùng nhau nhảy sạp bên ánh lửa vui xuân.