Cô giáo Hoàng Thị Thương cả thanh xuân gắn bó vùng biên ải
BHG - “Mỗi ngày nhìn thấy những em bé đến lớp là một ngày vui, động lực rất lớn để giáo viên bám bản như chúng tôi có thêm động lực, đem kiến thức của mình dạy cho các em…”. Đó là lời chia sẻ của cô Hoàng Thị Thương, giáo viên điểm trường Mầm non Ma Dì Vảng, xã Nàn Xỉn (Xín Mần). Với lòng yêu nghề, tình thương trẻ, cô Thương đã dành cả thanh xuân với 18 năm công tác để “cõng” chữ lên non, gieo mầm tương lai ở vùng biên ải Xín Mần.
Đến điểm trường Mầm non Ma Dì Vảng vào buổi sáng một ngày cuối mùa Thu, điểm trường hiện rõ dần dưới bóng cây rừng. Tiếng trẻ thơ đọc bài, hát theo từng câu hát của cô giáo hòa vào mênh mông núi rừng biên cương. Trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Hoàng Thị Thương cho biết: Năm 2006, sau khi tốt nghiệp trường chuyên nghiệp đúng lúc huyện Xín Mần tuyển dụng giáo viên, tôi đã nộp hồ sơ và được nhận vào làm việc. Từ năm 2006 đến 2018, tôi được phân công dạy học tại 2 xã Quảng Nguyên và Nà Chì. Những năm tháng dạy học ở các điểm trường mặc dù còn khó khăn nhưng bằng lòng yêu nghề, tình yêu thương những em nhỏ đã trở thành động lực giúp bản thân tôi vượt lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học.
Năm 2019, cô giáo Thương được phân công về trường Mầm non Nàn Xỉn và đảm nhiệm dạy học tại điểm trường Mầm non thôn Ma Dì Vảng. Điểm trường có 1 lớp ghép 3 tuổi – 5 tuổi. Năm học 2024 – 2025, điểm trường có 14 học sinh, trong đó có 2 cháu lớp 5 tuổi, 4 cháu lớp 4 tuổi và 8 cháu lớp 3 tuổi. Quãng đường từ quê nhà huyện Quang Bình lên Xín Mần dài gần 70 km, cộng thêm khoảng 30 km từ trung tâm huyện đến điểm trường lại càng gian nan hơn đối với một cô giáo chân yếu, tay mềm. Việc dạy học cho các em lớp ghép cũng là một trong những vấn đề thử thách đối với giáo viên bám bản. Cô Thương chia sẻ: Vì đường xa, khó đi, nhất là thời gian qua mưa nhiều nên việc đi lại càng khó khăn hơn. Bình thường, cuối tuần tôi mới về thăm con và gia đình, nếu thời tiết có mưa phải nửa tháng mới về nhà được. Việc dạy học lớp ghép cũng tạo nên những khó khăn nhất định, chúng tôi sẽ phải tuân theo chương trình riêng, vừa tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em vùng biên giới vừa đảm bảo duy trì tốt sĩ số học sinh. Với kinh nghiệm dạy học ở điểm trường nhiều năm, tôi có những phương pháp truyền đạt cho học sinh phù hợp nhất, chăm lo, gần gũi, tạo cho các em cảm giác mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Vì thế, các em nhỏ thôn Ma Dì Vảng ngày càng chăm ngoan hơn, thích đến lớp hơn.
Thôn Ma Dì Vảng có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Ngoài làm công tác chuyên môn, cô Hoàng Thị Thương thường xuyên tham gia hoạt động với Ban quản lý thôn, Công an, Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động bà con Nàn Xỉn thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phối hợp với địa phương vận động người dân bài trừ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu như tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, không vượt biên trái phép... vận động xã hội hóa xây dựng điểm trường khang trang, sân chơi cho học sinh.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Nàn Xỉn, Bàn Thị Xuân cho biết: Cô giáo Thương hiện đang là Tổ Trưởng chuyên môn của nhà trường. Mặc dù gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng trong quá trình công tác, cô luôn cố gắng tạo ra sự đoàn kết với đồng nghiệp, thương yêu học sinh. Nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, trong sinh hoạt hay những lúc khó khăn. Công tác ở điểm trường, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, yêu thương trẻ và là cầu nối gắn kết nhà trường với phụ huynh. Qua từng năm học, tỷ lệ trẻ đến trường chuyên cần tại điểm trường Mầm non thôn Ma Dì Vảng đạt hơn 92%. Cô giáo Hoàng Thị Thương đạt nhiều danh hiệu thi đua như: Lao động tiên tiến, Giáo viên dạy giỏi, Giấy khen của Liên đoàn Lao động huyện và Phòng GD&ĐT huyện Xín Mần trao tặng.