Cô giáo học tiếng Bahnar để thấu hiểu trò vùng khó
Hàng chục năm gắn bó với trường vùng khó, cô Ngọc thấu hiểu nỗi vất vả của trò. Để các em bớt khó khăn cô luôn sáng tạo, kêu gọi nguồn lực hỗ trợ.
Ăn, ở cùng bà con để học tiếng bản địa
Năm 1998, cô Phạm Thị Ánh Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đê Ar (xã Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) tốt nghiệp ngành Giáo dục Mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Sau khi tốt nghiệp ra trường, cô Ngọc trúng tuyển viên chức và được phân công về giảng dạy tại xã Lơ Pang (huyện Mang Yang).
Những ngày đầu mới về công tác, cô Ngọc gặp nhiều khó khăn khi bất đồng ngôn ngữ với phụ huynh và học trò. Để thấu hiểu và sẻ chia được nhiều hơn với học sinh cô Ngọc xin ở cùng bà con để học tiếng Bahnar. Sau 2 năm kiên trì trau dồi, khả năng giao tiếp bằng tiếng bản địa của cô Ngọc được cải thiện rõ rệt.
Đến năm 2001, khi Trường Mẫu giáo Lơ Pang được thành lập, với những nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của mình cô Ngọc được giao giữ chức Hiệu trưởng. Trải qua hàng chục năm, cô Ngọc về gắn bó với Trường Mẫu giáo Đê Ar cho đến nay. Từ ngày về trường, cô Ngọc cùng cán bộ, giáo viên tích cực chung tay tuyên truyền, vận động để bà con người dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về việc học. Kể từ đó, người dân chủ động hơn trong việc đưa con em tới trường.
Từ năm 2019 đến nay, ở Đê Ar tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp hàng năm luôn đạt cao. Trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%, trẻ 4 tuổi đạt 93,18% và 3 tuổi là 48,38%, tỷ lệ trẻ học chuyên cần trên 98%. Tất cả các lớp đều học 2 buổi/ngày. Đặc biệt, 70% trẻ được ăn bán trú do nhà trường tổ chức, 30% trẻ mang cơm theo ăn trưa tại lớp.
Nhằm nâng cao chất lượng dạy học, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ, cô Ngọc tranh thủ các nguồn lực từ cấp, ngành. Đồng thời vận động các cơ quan, đơn vị đầu tư xây dựng bổ sung cơ sở vật chất, sân chơi, mua sắm thêm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Ngoài ra, giáo viên nhà trường cũng không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy. Đặc biệt tích cực làm đồ dùng, đồ chơi và triển khai bài giảng điện tử giúp trẻ hứng thú, tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục.
Năm 2020, Trường Mẫu giáo Đê Ar được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Không những vậy, những năm qua nhà trường cũng là điểm sáng của ngành Giáo dục Gia Lai trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ở vùng khó.
Nhiều trăn trở
Mặc dù Trường Mẫu giáo Đê Ar đã có nhiều sự thay đổi tích cực, thế nhưng cô Ngọc vẫn còn nhiều trăn trở. Bởi năm học 2022-2023 toàn trường có 9 lớp với 345 trẻ (99% học sinh người Bahnar). Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 93%, tỷ lệ duy trì sĩ số luôn đạt 95-100%. Thế nhưng trường vẫn còn 6 lớp ghép 3 độ tuổi ở các điểm làng khiến chất lượng dạy và học còn hạn chế. Bên cạnh đó, toàn trường có 12 giáo viên, trong đó có 2 hợp đồng. Hiện nay trường còn thiếu 9 giáo viên so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thế nhưng một số lớp sĩ số khá cao, có những lớp lên đến 49 học sinh.
“Nhà trường mong muốn các cấp, ban ngành quan tâm bổ sung thêm giáo viên để quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ được thuận lợi”, cô Ngọc bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Phương Huệ, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non - Sở GD&ĐT Gia Lai cho hay, dù công tác ở đâu, cô Phạm Thị Ánh Ngọc cũng rất tâm huyết và hết lòng vì học sinh. Bên cạnh đó cô Ngọc luôn sáng tạo, đổi mới nhằm góp sức xây dựng và phát triển nhà trường.
Với những đóng góp của mình, cô Phạm Thị Ánh Ngọc đã nhận Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020. Đặc biệt, vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2020 và có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2021-2022.