Cô giáo làng

Đám học trò gọi cô là cô giáo Hiền, người trong làng cũng gọi như thế. Hễ có rau tươi, cá mắm là người làng lại ghé qua cho cô. Ai cũng thấu hiểu hoàn cảnh cô giáo, con gái thành thị giờ đây lặn lội xuống tận vùng sâu với lương giáo viên “ba cọc ba đồng”.

…Trường làng lúc trước là dãy nhà lợp lá. Trời nắng còn đỡ, trời mưa dột chỗ này lại dột chỗ kia. Mấy năm sau, trường được xây mới, là một dãy gồm năm phòng học và một phòng giám hiệu. Có ngôi trường mới, đám học trò cũng hân hoan đến trường. Làng heo hút, đã có nhiều thầy cô về dạy học rồi lại khăn gói ra đi vì cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn. Người thì chuyển công tác đến ngôi trường khác ngoài thị trấn, người thì từ bỏ phấn trắng bảng đen, tìm một công việc mới với mức lương hậu hĩnh hơn nghề giáo. Chỉ còn vài người thương trò, tâm huyết với nghề trụ lại nơi này, trong đó có cô giáo Hiền.

Cô giáo Hiền hay nói với tôi rằng: “Trường mình mùa nào cũng đẹp! Học trò xứ mình đứa nào cũng ngoan!”. Chắc vì vậy nên cô mới chịu ở lại nơi này, vì chúng tôi. Trường làng tôi đẹp thật! Mùa hè, trường rực đỏ màu hoa phượng. Mùa tựu trường, gió lất phất, xung quanh trường bao bọc một màu xanh của mạ non mới cấy. Rồi lúa ngả sang màu vàng khi trời hanh nắng, ấm áp. Khi đó, chúng tôi thường theo chân cô giáo Hiền đi trên con đường mòn giữa đồng lúa vàng tươi về nhà. Tóc cô thoảng hương lúa mới.

Tôi thường đến nhà cô Hiền học thêm vào những buổi chiều hoặc khi đi đá bóng với đám bạn trở về, ba, bốn đứa í ới gọi cô rồi tụ tập lại khoảng sân trước phòng trọ để cô lấy nước cho uống rồi ngồi nói chuyện linh tinh. Cô Hiền để trang giáo án còn dang dở trên bàn.

… Mùa hè cách đây ba năm, một buổi trưa khi tôi đang đuổi bắt chuồn chuồn trên cánh đồng hoang ở đầu làng, chợt thấy bóng cô đi ngang qua. Tôi đoán chắc cô không phải người làng mình. Ba, bốn đứa túm tụm lại, hỏi:

- Chị đi mà xách đồ đạc lỉnh kỉnh vậy, có cần bọn em giúp không?

- Mấy đứa cho chị hỏi trường làng Hòa Phú nằm ở đâu? Chị mới chuyển công tác về đây nên còn bỡ ngỡ.

Trời, hóa ra là cô giáo của chúng tôi! Nhìn cô trẻ măng y hệt chị hai tôi ở nhà, có điều dấu vết mưa nắng, nhọc nhằn đã vằn lên mái tóc lẫn màu da của chị tôi, còn cô giáo thì đẹp hơn. Chúng tôi nhìn nhau rồi khoanh tay đồng thanh:

- Chúng em chào cô!

Bọn tôi phụ cô xách đồ đạc vào trường. Cô vào phòng giám hiệu nhận công tác rồi buổi chiều tất tả đi tìm chỗ ở. Cô thuê lại căn phòng trọ trong dãy tập thể cách trường một dãy đồng làng. Chúng tôi phụ cô quét dọn, khuân đồ đạc vào phòng. Cô Hiền tóc búi gọn sau gáy, vừa dọn dẹp, vừa hỏi chúng tôi học lớp mấy, học có ngoan không, cô nói năm học tới sẽ dạy lớp chúng tôi. Cô dạy môn Văn, môn mà tôi đặc biệt yêu thích.

Biết tin cô giáo Hiền về làng, ai cũng vui. Làng tôi xưa nay xem trọng thầy cô - những người mang sứ mệnh truyền đạt tri thức và uốn nắn đám học trò. Người làng tôi tuy nghèo cực nhưng vẫn mong sao thế hệ sau sẽ được đi học, được mở mang kiến thức, mai sau giúp ích cho đời.

Sau tiết chào cờ là giờ Văn của cô giáo Hiền. Hôm nay mặc chiếc áo dài màu xanh lam, cô bước vào lớp mang theo ánh nắng ngọc ngà ấm áp. Cô nắn nót ghi lên bảng tựa bài “Người thầy đầu tiên”. Cô say mê giảng cho chúng tôi nghe về văn học Nga, về người thầy Đuysen đã trồng hai cây phong trên đỉnh đồi mang biểu tượng của ước mơ. Giọng cô lúc trầm ấm, lúc ngân nga. Tôi cảm nhận được tình yêu mà cô Hiền đã dành cho lũ học trò làng quê nghèo xa tít chúng tôi. Tôi hỏi cô rằng:

- Chừng nào cô mới về lại thị trấn? Ở ngoài đó chắc vui lắm, phải không cô?

Tôi biết thị trấn qua lời kể của cô Hiền. Nơi đó khác hẳn với làng của chúng tôi. Nơi đó rực rỡ ánh đèn, trẻ em được cha mẹ đưa đến trường rồi đón về nhà khi tan học. Ở đó không có những đứa trẻ lội đồng, lội ruộng, chân dính bùn lầy, tóc cháy nắng như chúng tôi. Nhưng trẻ em nơi đó nào biết con trâu có hình thù ra sao, to thế nào, chúng làm sao chúng biết cách móc mồi thả câu một lúc là được cả giỏ cá con nào cũng to bằng cổ tay đứa trẻ...

Cô Hiền tươi cười:

- Cô ở đây dạy các trò nên người. Làng này cũng là quê hương của cô. Cô ở đây riết rồi mến làng, không nỡ rời được.

Những cánh đồng xanh rồi lại vàng. Những cánh đồng sau thời gian phơi mình dưới nắng lại được người làng gieo những hạt mầm khỏe khoắn. Rồi những hạt mầm ấy lại đâm chồi thành mầm non cho đời. Cô Hiền nói chúng tôi là những mầm xanh của gia đình, của quê hương, đất nước. Cô tin rằng chúng tôi sẽ tỏa sắc hương cho đời, chúng tôi sẽ sống bằng đam mê, trí tuệ và lòng can đảm./.

Hoàng Khánh Duy

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/co-giao-lang-a85827.html