Cô giáo Liêng Hót Rô Tơ với những 'chuyến đò' chở trách nhiệm, tình thương
Cô giáo Liêng Hót Rô Tơ (dân tộc Cơ Ho) dạy học tại một vùng còn nhiều khó khăn trở thành tấm gương sáng rất đáng quý và trân trọng..
Khi chúng tôi có mặt tại huyện nghèo Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Âu Văn Nghị tự hào nói: “Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được phát động rộng rãi trong ngành Giáo dục của huyện và có những kết quả tốt. Trong đó, cô giáo Liêng Hót Rô Tơ (dân tộc Cơ Ho) dạy học tại một vùng còn nhiều khó khăn trở thành tấm gương sáng là rất đáng quý và trân trọng….”
Làm việc, cống hiến là nhu cầu tự thân
Là một giáo viên trẻ sinh năm 1991, nhưng cô giáo Liêng Hót Rô Tơ đã có một bề dày thành tích: Giải Nhì Hội thi “Nghiệp vụ sư phạm trẻ” cấp huyện năm học 2019- 2020; giải Ba Hội thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp huyện năm học 2020 - 2021; Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh năm học 2020 - 2021. Cô giáo Rô Tơ nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng...
Cô giáo Liêng Hót Rô Tơ sinh ra và lớn lên tại thôn 4, xã Đạ Long, huyện Đam Rông. Năm 2013, tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm ngành Mầm non ở Đà Lạt, cô trở về tham gia dạy học tại trường mầm non của xã. Lúc đó, xã còn 27% hộ nghèo, có những thôn chưa có ánh sáng điện lưới.
Sau một năm cưới chồng là anh Cil Ha Drai, cô giáo Rô Tơ sắp xếp thời gian vừa dạy học vừa theo đuổi học đại học từ xa. Năm 2015, cô tốt nghiệp đại học Mầm non của Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Đó cũng là năm vợ chồng cô có cậu con trai đầu lòng, cháu Liêng Hót Mak Sel. Từ đây, cô giáo Liêng Hót Rô Tơ bồi đắp tri thức, niềm đam mê hạnh phúc được làm “mẹ” ở trường và làm mẹ ở nhà.
Sự phấn đấu không ngừng giúp cô tiếp tục gặt hái “trái ngọt”: Tháng 6/2016, cô vinh dự được kết nạp vào Đảng. “Vừa hồng vừa chuyên” là nền tảng để tự tin và chủ động, để đặt mình vào môi trường làm việc bằng tâm huyết với nhu cầu tự thân. Cô nói với tôi: “Thông qua việc học tập và tu dưỡng của mình, tôi mong muốn tất cả mọi người dân dù già hay trẻ phải luôn nêu cao tinh thần tự học, không ngừng cố gắng, nỗ lực nâng cao năng lực để hoàn thiện bản thân. Mong muốn của tôi là góp phần nhỏ bé để ngành giáo dục vùng sâu, vùng đồng bào DTTS ngày càng thu hẹp khoảng cách với thành thị”.
Cô Kon Yông K’Khét, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đạ Long nhìn nhận: “Về trách nhiệm, cô Liêng Hót Rô Tơ là đảng viên, giáo viên có tinh thần trách nhiệm trong công tác, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cô là giáo viên có năng lực và nhiều sáng tạo trong chuyên môn. Ở Rô Tơ, cô luôn xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp hòa đồng, thân thiện với học sinh và các phụ huynh học sinh”.
Những “chuyến đò” chở trách nhiệm, tình thương
Gần 10 năm dạy học mầm non, cô giáo Liêng Hót Rô Tơ tích lũy nhiều vốn nghề quý giá. Từ việc tổ chức tốt bữa ăn, giấc ngủ của trẻ đến việc rèn luyện cho trẻ các hành vi, thói quen tốt trong sinh hoạt. Phương pháp đánh giá trẻ, theo dõi biểu đồ là cơ sở để cô điều chỉnh kế hoạch, biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng.
Với học sinh DTTS, việc tăng cường tiếng Việt rất quan trọng. Thông qua các mô hình, cô Rô Tơ vừa ghi tiếng Việt vừa chú thích bằng tiếng Cơ Ho. Tuy ở nhà, cô khuyến khích các mẹ giao tiếp nhiều với con bằng tiếng Việt, nhưng ở trường, cô dùng tiếng Cơ Ho để phát triển tiếng Việt cho trẻ. “Nào các con, đây là từ cái “gùi” nghĩa là “sơ”, cái gùi để đựng lúa; từ “gà” nghĩa là “ìar”, con gà ở nhà các con…” Cứ thế, hình thức song ngữ mưa lâu thấm dần trong xây dựng trục liên tưởng thú vị học mà chơi, chơi mà học của con trẻ: con vịt (ada), con trâu (rơpu), cuốn sách (sră), mở sách (srăcih), cuốn sách màu đỏ (sră dàrơng pơrhê); bút mực (gai sơng); bút chì (gai cih); cái kéo (jơ trơi); ngôi sao (sơmanh); mặt trăng (kơ nhai); cánh rừng (vrê); nhổ cỏ (dús nh’ hơt); hái cà phê (pic kà phê)… “Qua biện pháp này, tôi thường tổ chức cung cấp các từ mới, mẫu câu và cách diễn đạt cho trẻ”, cô Rô Tơ nói.
Ngoài việc tăng cường giao lưu giữa trẻ Cơ Ho với trẻ dân tộc Kinh, cô Rô Tơ còn tạo môi trường lớp học gần gũi với trẻ, thông qua "góc địa phương" bằng việc lựa chọn những đồ dùng đặc trưng của địa phương, các nguyên vật liệu rời cho trẻ thực hành trải nghiệm... Cuộc sống xung quanh, hình ảnh gần gũi, sinh động màu sắc, giáo cụ trực quan sẽ kích thích trẻ tự tin tham gia hoạt động, hình thành vốn từ, cách diễn đạt ý, cụm từ mới cho trẻ…
Đạ Long là một xã được Nhà nước hỗ trợ học sinh bán trú, nhưng để đảm bảo yêu cầu về dinh dưỡng cho trẻ phụ huynh cần đóng thêm tiền. Việc vận động người dân đưa trẻ đến trường cũng còn lắm gian nan. Vậy mà tại Trường Mầm non Đạ Long, năm học vừa qua, tỷ lệ bé chuyên cần đạt 94,3%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 98,8%; tỷ lệ bé khỏe, bé ngoan đạt 86,3%. Trẻ ở 5 tuổi nhiều năm đều huy động đạt 100% đến trường và hoàn thành chương trình Mầm non. Ngôi trường bền bỉ theo đuổi mô hình “Ba kiểu mẫu” (Nuôi con khỏe, dạy con ngoan; Vườn rau của bé; Năm không ba sạch)… Có được thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của cô giáo Liêng Hót Rô Tơ.
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đam Rông Trần Phú Vinh nhận xét về cô giáo Liêng Hót Rô Tơ: “Trong 9 năm công tác tại đơn vị, cô luôn là một giáo viên tâm huyết với nghề, có nhiều sáng tạo trong công tác chuyên môn. Đặc biệt mới đây, cô Liêng Hót Rô Tơ đã được Tỉnh ủy Lâm Đồng tặng Bằng khen vì có thành tích nổi bật trong việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2020”.