Cô giáo mầm non bỏ nghề, từ Lai Châu vào TP.HCM tung hoành võ đài MMA
Từng là cô giáo mầm non, Lò Thị Phung rẽ hướng trở thành võ sĩ, được gọi là 'nữ hoàng knock-out'. Bên cạnh thi đấu, cô còn dành thời gian dạy học cho các em nhỏ khuyết tật.

Lò Thị Phung chưa từng áp lực chuyện thi đấu bởi mỗi cuộc so tài với cô như "hành trình chữa lành".
Dưới ánh đèn sáng rực nơi võ đài, giữa tiếng vỗ tay vang dội của hàng nghìn khán giả, nữ võ sĩ Lò Thị Phung (sinh năm 1998, Lai Châu) khép lại năm 2024 thi đấu rực rỡ. Tại sự kiện LION Championship 20 của giải MMA chuyên nghiệp Việt Nam diễn ra ngày 14/12 năm ngoái, cô hạ gục đối thủ chỉ sau 64 giây bằng đòn khóa tam giác chân ở hiệp đầu.
Chiến thắng này nối dài chuỗi trận toàn thắng của Phung, đưa tên tuổi cô trở thành hiện tượng của làng MMA Việt. Với lối đánh áp đảo cùng kỹ thuật khóa siết đa dạng, cô được người hâm mộ ưu ái gọi là "nữ hoàng knock-out".
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Phung tiết lộ mình từng là cô giáo mầm non. Quyết định rẽ hướng sang võ thuật chuyên nghiệp giúp cô mở ra hành trình đầy cảm hứng và thử thách.
Từ cô giáo thành võ sĩ
Tốt nghiệp ngành Giáo dục Mầm non tại Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu, Lò Thị Phung từng đứng lớp hơn một năm. Tuy nhiên, niềm đam mê thể thao từ thuở nhỏ đã thôi thúc cô tìm kiếm con đường khác.
Năm 2022, Phung nghỉ việc, một mình rời quê hương vào TP.HCM để theo học ngành Sư phạm Thể dục Thể thao. Tại đây, cô được tiếp cận bộ môn jiu jitsu dưới sự hướng dẫn của HLV Lê Hoàng Mai.
"Từ khi tôi Nam tiến, bố mẹ luôn ủng hộ, động viên tôi cố gắng với con đường đã chọn", cô gái Lai Châu nhớ lại.
Nhờ tinh thần tập luyện nghiêm túc, chỉ sau 3 năm, Phung đã vươn lên trở thành một trong những vận động viên jiu jitsu hàng đầu Việt Nam.
Nữ võ sĩ sinh năm 1998 liên tục gặt hái thành tích tại các giải đấu trong nước và quốc tế, nổi bật là HCB tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc 2022, HCV Giải Vô địch Đông Nam Á tại Bali (Indonesia) và HCV Giải Vô địch Quốc gia năm 2024. Cô thi đấu ở nhiều hạng cân như 48 kg, 52 kg và đều đạt kết quả tốt.

Lò Thị Phung được mệnh danh là "nữ hoàng knock-out" khi toàn thắng 3 trận, kết thúc nhanh chóng trong hiệp một.
Đầu năm 2024, Phung bước vào đấu trường MMA chuyên nghiệp. Ngay trong mùa giải đầu tiên tại LION Championship, cô toàn thắng cả 3 trận, đều kết thúc nhanh chóng trong hiệp một.
Trong số đó, cuộc chạm trán với võ sĩ Trần Trà My ở hạng mục 52 kg là trận đấu để lại nhiều ấn tượng nhất với Phung. Cô cũng có cơ hội gặp lại võ sĩ Dương Thị Thanh Bình, đương kim giữ đai hạng 56 kg của giải, người từng giao lưu với mình trong những buổi tập MMA đầu tiên.
Với Phung, MMA không chỉ là một môn võ đối kháng khốc liệt mà còn là hành trình chữa lành tinh thần. Cô cho rằng đây không phải bộ môn nguy hiểm nếu người tập có tư duy chiến thuật và rèn luyện đúng cách.
"Trước khi bước lên sàn đấu, tôi luôn mặc trang phục dân tộc Thái như một cách để giới thiệu truyền thống quê nhà đến nhiều khán giả", cô tiết lộ.
Mỗi ngày, Phung dành từ 8-10 tiếng cho việc tập luyện cường độ cao. Cô tuyệt đối nói không với thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ hay bất kỳ chất kích thích nào. Các bài tập cô trải qua cũng không hề nhẹ nhàng, từ nín thở dưới nước, treo người, đi bằng tay đến vượt chướng ngại vật. Mỗi buổi tập là một thử thách về ý chí và sức bền.
Bên cạnh là đam mê, việc trở thành võ sĩ còn giúp Phung có nguồn kinh tế tốt để hỗ trợ gia đình. Mỗi lần có dịp về quê, cô gái 27 tuổi tranh thủ mua sắm đồ tặng bố mẹ như xe máy, tivi, máy giặt… khiến cả nhà tự hào,


Là cô gái dân tộc Thái, Phung diện trang phục truyền thống lên võ đài để lan tỏa nét đẹp văn hóa.
Sự nghiệp "gõ đầu trẻ" chưa dừng lại
Bên cạnh thi đấu MMA, nữ võ sĩ còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là hỗ trợ trẻ em yếu thế. Hiện tại, cô là thành viên Team 404 - một dự án phục hồi chức năng cho trẻ bại liệt, khuyết tật vận động và chậm phát triển trí tuệ.
Trong "lớp học yêu thương" này, Phung đảm nhận vai trò như giáo viên, hỗ trợ từng em nhỏ trong hành trình phục hồi.
Ngoài giờ tập luyện, cô cùng các thành viên thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện như tặng gạo, học bổng, sách vở, hỗ trợ gia đình khó khăn và hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật.


Ngoài thời gian tập, Lò Thị Phung còn hỗ trợ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ là người tham gia, Phung trực tiếp mang quà đến tận nhà, đồng hành và chứng kiến niềm vui của các em khi có thể tự đứng dậy sau nhiều năm điều trị.
"Nhiều em từng chỉ có thể nằm một chỗ, nay đã có thể cử động, đứng dậy hoặc chập chững đi nhờ sự hỗ trợ. Tôi rơi nước mắt khi thấy các em nhỏ có thể dần bình phục sau bao năm vất vả”, cô xúc động kể.
Trong thời gian tới, Phung đặt mục tiêu giành đai vô địch hạng 52 kg tại giải đấu MMA vào tháng 8, sau đó hướng tới hạng cân 56 kg. Xa hơn, cô kỳ vọng được góp mặt tại đấu trường quốc tế.
Cô cũng sẽ tiếp tục đồng hành trong hành trình hỗ trợ trẻ khuyết tật có cơ hội đến trường, tốt nghiệp và hòa nhập cộng đồng.
"Điều thôi thúc tôi rời quê hương vào TP.HCM lập nghiệp chính là những việc làm đầy nhân văn của thầy Mai và Team 404. Tôi mong sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhóm để lan tỏa nhiều điều tích cực, đóng góp cho cộng đồng", Phung nói thêm.