Cô giáo mầm non yêu trẻ bằng cả tấm lòng

16 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ mầm non, đối với cô giáo Nguyễn Thu Trang (Trường Mầm non Họa Mi, quận Ba Đình), điều khiến cô tự hào nhất không phải là những giải thưởng mà chính là tình yêu học trò. Cô hạnh phúc khi được may mắn là người đồng hành với các em từ những bước đi đầu tiên trong cuộc đời.

Cô Trang tâm sự: “Trẻ em hồn nhiên như những trang giấy trắng và giáo viên mầm non chính là người giúp các em vẽ những nét vẽ đầu tiên trong cuộc đời. Bản thân tôi thường được phụ huynh, bạn bè thắc mắc là “Vì sao trẻ lâu?”. Những lúc này, tôi chỉ trả lời, bởi một lí do duy nhất - tôi vô cùng may mắn khi được làm nghề giáo viên mầm non.

Ngày qua ngày, tôi được sống hạnh phúc với những đứa trẻ hồn nhiên, trong sáng. Và chính những đứa trẻ ấy đã “lây lan” sự trẻ trung sang tôi. Đây là điều tuyệt diệu mà công việc mang lại, khiến tôi ngày càng yêu và say mê với nghề nghiệp mình đã chọn”.

Cô giáo Nguyễn Thu Trang trong giờ lên lớp.

Cô giáo Nguyễn Thu Trang trong giờ lên lớp.

Nhiều năm trong nghề, cô Trang luôn trăn trở phải làm thế nào để hoạt động giảng dạy có hiệu quả với trẻ. “Tôi đã từng được nghe câu nói của một vị lãnh đạo rằng: “Thay đổi cũng là sáng tạo chứ không nhất thiết phải là cái gì đao to búa lớn, hình thức. Sáng tạo không phải là cái gì quá xa lạ. Đó có thể là những sáng tạo tưởng chừng rất đơn giản, dễ làm, thực tế nhưng có tác động tích cực đến học sinh, nhà trường, phụ huynh, đến chương trình. Nhiều thay đổi nhỏ sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn, từng cái nhỏ sẽ dẫn tới một cái lớn vững chắc hơn".

Chính câu nói này đã khiến tôi thấy tự tin hơn trong công tác giảng dạy. Bởi, không phải làm những việc khác thường mới được gọi là sáng tạo mà chỉ cần những điều tôi làm hằng ngày cho các con, những hứng thú mà tôi mang đến cho các con cũng được gọi là sáng tạo” - cô Trang chia sẻ.

Theo cô Trang, ở lứa tuổi mầm non, trẻ thường rất tò mò, ham hiểu biết nên cô luôn lưu tâm xây dựng nhiều hoạt động hướng tới nhu cầu của trẻ, lấy trẻ làm trung tâm. Theo đó, những tiết hoạt động thể chất tưởng chừng như khô khan nhưng cô Trang đã lồng ghép nội dung hoạt động vào những câu chuyện, những chuyến phiêu lưu để trẻ thấy hào hứng hơn khi tham gia. Hay những giờ làm quen tác phẩm văn học, thay vì nghe đi nghe lại câu chuyện, cô Trang đã mời trẻ cùng tham gia kể cùng cô, tham gia đóng kịch với cô để từ đó trẻ nhớ nội dung câu chuyện hơn, hiểu được nhân vật trong truyện hơn.

Bên cạnh đó, cô Trang cũng suy nghĩ để sáng tạo ra nhiều loại đồ dùng, đồ chơi có tính thẩm mĩ và hiệu quả sử dụng cao; thiết kế các góc chơi phù hợp với trẻ dựa trên quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, chơi mà học, tăng cường các hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, hoạt động trí tuệ, thể chất.

Ngoài ra, cô Trang còn tổ chức các hoạt động như: Ngày hội trao đổi sách, Ngày hội trồng cây… nhằm giúp trẻ biết quan tâm, chia sẻ với mọi người xung quanh.

Cô Trang cùng diễn nhạc kịch với các em nhỏ.

Cô Trang cùng diễn nhạc kịch với các em nhỏ.

Trong Hội thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp Quận năm học 2018 - 2019, với chuyên đề “Đổi mới hình thức giáo dục lĩnh vực phát triển nhận thức và ngôn ngữ”, cô Trang đã đưa trẻ đến với thế giới đồng dao qua các trò chơi, câu đố, câu hát nhờ vậy đạt loại xuất sắc và được lựa chọn dự thi cấp Thành phố. Lúc này, một bài toán khó đặt ra với cô Trang là phải làm gì và làm như thế nào để vừa phát triển ngôn ngữ cho trẻ, vừa gây hứng thú, kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của trẻ. Và ý tưởng về tiết nhạc kịch dành cho trẻ 3 - 4 tuổi đã ra đời.

Cô Trang cho biết: “Với lứa tuổi này, hình thức nhạc kịch có thể coi là rất khó và chưa có nhiều giáo viên thực hiện. Nhưng tôi đã tìm hiểu, chắt lọc những cái mới mà lại dễ gần, dễ hiểu với trẻ”. Theo đó, cô Trang đã sử dụng giai điệu của các bài hát quen thuộc với trẻ, sáng tác những lời hát có ngôn từ đơn giản như: Old macdonal farm, If you happy, Family finger, Twinkle... Nội dung của các vở nhạc kịch được chuyển thể từ những câu chuyện trẻ đã được nghe nhiều lần, có những tình tiết lặp đi lặp lại. Các nhân vật trong vở nhạc kịch thường là các con vật gần gũi, dễ thương.

Kết quả, trẻ đã rất hào hứng, thích thú, say mê khi tham gia vào các vở nhạc kịch bởi đó không những là một hình thức với hấp dẫn trẻ mà còn đảm bảo tính vừa sức của trẻ. Trẻ được hóa thân vào vai các nhân vật mà trẻ rất yêu thích, được ca hát, nhảy múa. được dạo chơi vào thế giới cổ tích, thần tiên. Qua đó có cơ hội phát triển khả năng ngôn ngữ, trí tưởng tượng phong phú.

Cô giáo Nguyễn Thu Trang thuyết trình trước Hội đồng xét duyệt giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 3.

Cô giáo Nguyễn Thu Trang thuyết trình trước Hội đồng xét duyệt giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 3.

Sau khi kết thúc Hội thi, Trường Mầm non Họa Mi đã tổ chức kiến tập cho giáo viên toàn trường xem tiết dạy của cô giáo Thu Trang. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cũng cho các giáo viên toàn quận được chia sẻ, học hỏi từ tiết dạy của các giáo viên đoạt giải cao. Cô Trang đã rất háo hức và nhiệt tình chuẩn bị để chia sẻ cho đồng nghiệp những gì mà cô đã thu lượm được trong Hội thi cũng như trong suốt 16 năm nuôi dạy trẻ của mình.

Đáng nói, lòng nhiệt huyết của cô Trang không chỉ dừng lại ở những đứa trẻ lớp cô, những đồng nghiệp cùng trường mà nó còn được thể hiện cả ở những lần hiến máu nhân đạo tại địa phương, tại công đoàn cơ sở, hay những chuyến đi từ thiện giúp đỡ các bệnh nhi, đồng bào khó khăn vùng lũ Vũ Quang (Hà Tĩnh)…

Cô Trang luôn cố gắng, cẩn thận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ bằng tình yêu của người mẹ, bằng tấm lòng, đạo đức của một giáo viên. Cô tin rằng, nếu tất cả giáo viên đều làm như vậy, đều nỗ lực trong chuyên môn, mẫu mực trong đạo đức thì học sinh, cha mẹ học sinh sẽ luôn ủng hộ và tin yêu người giáo viên. Đó chính là con đường bền vững nhất để mỗi nhà giáo nuôi dưỡng tình yêu nghề, yêu trẻ.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/co-giao-mam-non-yeu-tre-bang-ca-tam-long-98203.html