Cô giáo người dân tộc Bố Y yêu nghề, mến trẻ

BHG - Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng nói: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non, trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Trong hơn 15 năm tiếp nối và phát huy truyền thống cao đẹp của sự nghiệp giáo dục, cô giáo Mai Hồng Nhung (sinh năm 1988, dân tộc Bố Y), giáo viên Trường Mầm non xã Quyết Tiến (Quản Bạ) là một tấm gương nhà giáo tiêu biểu, luôn nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, vượt khó vươn lên trong công tác.

Cô giáo Mai Hồng Nhung.

Cô giáo Mai Hồng Nhung.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề nhà giáo, từ nhỏ chị Nhung được nhận xét rằng có tinh thần tự giác trong học tập, bộc lộ rõ năng khiếu trong các hoạt động thể dục, thể thao. Nhận thức rõ sự quan trọng của giáo dục trong việc cải thiện chất lượng đời sống, cộng với niềm yêu thương trẻ nhỏ, không ngần ngại, chị đã thi đỗ vào Khoa Mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp, cô Nhung trở về quê hương để bắt đầu sự nghiệp trồng người của mình. Xác định vai trò, trách nhiệm của mình, cô luôn cố gắng đem hết tình yêu thương, tâm huyết và những kiến thức đã học, đặc biệt là những trải nghiệm thực tế, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Giai đoạn đầu khi làm giáo viên hợp đồng tại điểm Trường Mầm non Khâu Bủng (Quản Bạ), thách thức đầu tiên của cô sinh viên nhiệt huyết mới ra trường ngày ấy là cung đường di chuyển từ nhà đến điểm trường. Đường nhỏ, dốc, lối mòn đất, đá. Vào những ngày mưa, việc di chuyển gặp nhiều khó khăn hơn, xe máy không thể đi trên địa hình bùn, đất được phải để ở nhà dân cách trường khoảng 2 km rồi đi bộ đến điểm trường. Nhớ lại ngày đầu đi làm, khó khăn là thế, nhưng cô Nhung thấy bản thân mình may mắn. Thời điểm đó, cô nhận được sự hỗ trợ của người dân trong công tác giảng dạy và sự hợp tác của các bậc phụ huynh trong việc vận động học sinh tới lớp. Theo cô, rào cản lớn nhất khi dạy học cho trẻ ở vùng cao đó là ngôn ngữ vì đa phần các em ở đây đều là người dân tộc Mông, Dao. Cô giáo phải học thêm tiếng mẹ đẻ của trẻ để khi trẻ chưa hiểu được tiếng phổ thông thì có thể truyền đạt và giải thích được. Từ những câu đơn giản nhất như là “chào cô giáo”, “mời ăn cơm”, “chào bố, chào mẹ”...

Cô giáo Mai Hồng Nhung dạy múa cho các cháu.

Cô giáo Mai Hồng Nhung dạy múa cho các cháu.

Kết thúc hợp đồng gần 2 năm, cô được chuyển công tác về Trường Mầm non xã Quyết Tiến và gắn bó đến bây giờ. Công việc của giáo viên mầm non là một trong những công việc đặc thù, không chỉ dạy dỗ mà còn phải chăm sóc từng bữa ăn đến giấc ngủ cho trẻ. Đối với những huyện vùng cao như Quản Bạ, việc vận động học sinh tới trường cũng là một phần của công việc. Cô chia sẻ rằng có những năm khi trời trở lạnh, phụ huynh hay cho con nghỉ học. Đặc biệt vào 2 năm dịch bệnh Covid - 19, tâm lý phụ huynh rất lo lắng khi sợ bị lây chéo cho trẻ vì các em đi học sẽ ăn, ngủ cùng nhau. Hiểu được điều đó, cô và đồng nghiệp đều cố gắng đến tận nhà học sinh tuyên truyền, vận động, nhà trường đã chuẩn bị biện pháp để tạo điều kiện cho các em đi học an toàn trở lại. Cô Nhung chia sẻ: “Một số học sinh do hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ huynh đi làm xa nên gửi con cho ông, bà, vì ông, bà không biết đi xe nên cũng không dám để cháu nhỏ đi bộ tới trường.” Bản thân là người sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, cô càng không để bản thân mình nản chí, ngược lại thật sự càng yêu thương, chăm sóc, giáo dục những kiến thức bổ ích, kỹ năng sống trong từng tiết học. Mong muốn làm sao các con có thể đi học đầy đủ, được tiếp thu kiến thức tốt nhất để các con có nền tảng vững chắc cho những cấp học sau này.

Năm học 2020-2021, cô Nhung vinh dự nhận được Bằng khen của Bộ Giáo dục - Đào tạo trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Thành quả hơn 15 năm cống hiến của cô đã được công nhận từ cấp địa phương đến Trung ương, nhưng quan trọng hơn hết là sự trưởng thành của từng thế hệ học trò, sự vững bước đi lên của Trường Mầm non xã Quyết Tiến. Cô Nhung tâm sự: “Mình phải yêu nghề, mến trẻ và thật sự phải tâm huyết với nghề, vì bản thân điều kiện đã có nhiều khó khăn, mình không tâm huyết với nghề thì cũng rất khó để mà vượt qua...”.

Bài, ảnh: KHÁNH LINH

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202312/co-giao-nguoi-dan-toc-bo-y-yeu-nghe-men-tre-9fc7d7c/