Cô giáo như mẹ hiền
Những ngày đầu năm học mới, bên cạnh sự háo hức của những học sinh khối 6 Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Lạc Dương khi đến học tập ở ngôi trường mới là xen lẫn cảm giác bỡ ngỡ cùng nỗi nhớ nhà. Và những thầy, cô giáo không chỉ là người dạy dỗ, dìu dắt học trò mà họ còn như người cha, người mẹ lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ, sẻ chia với trò những niềm vui, sự vất vả, khó khăn trong cuộc sống. Từ tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc của những người cha, người mẹ thứ hai này đã tạo được động lực để các em cố gắng học tập trong ngôi nhà chung của học sinh dân tộc thiểu số dưới chân núi LangBiang.
• NHỮNG BÀI HỌC ĐẦU TIÊN
Đối với Han Cha - học sinh lớp 6A, bài học đầu tiên em được học khi đến ngôi trường mới không phải là kiến thức mà là những kỹ năng chăm sóc cá nhân, vệ sinh phòng ở, khu nội trú… gọn gàng, sạch sẽ. Nhà ở xã Đạ Nhim cách trường hơn 40 cây số, đây là lần đầu tiên Han Cha xa gia đình. Những ngày đầu mới nhập học, chiều chiều sau giờ tan học, trở về khu nội trú, cô bé người dân tộc K’Ho này thường trốn vào góc giường của mình khóc thút thít vì nhớ nhà. Những khi đó, cô giáo chủ nhiệm của lớp em luôn có mặt và ân cần ngồi xuống dỗ dành, ôm em vào lòng như ôm chính đứa con của mình.
“Mới đầu em nhớ nhà lắm, nhưng được các thầy, cô giáo luôn quan tâm, động viên, bày dạy từ những điều nhỏ nhất nên em cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà. Em sẽ cố gắng học tập để không phụ lòng cha mẹ và thầy cô”, Han Cha cho biết.
Cô Trần Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Lạc Dương cho hay, năm học 2022 - 2023 này, trường có 50 học sinh khối 6 nhập học được chia thành 2 lớp. Nhà trường đã phân công hai giáo viên có kinh nghiệm, nhiều năm liền là giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường đảm nhận vai trò chủ nhiệm lớp. Trên lớp, các cô là những giáo viên truyền đạt cho các em kiến thức. Rời bục giảng đến khu nội trú, các cô như những người mẹ hiền chăm sóc cho đàn con của mình từ bữa ăn đến giấc ngủ. Ngay từ những ngày đầu tiên của năm học mới, các cô đã thăm nắm để hiểu rõ hoàn cảnh từng học sinh.
Sau mỗi buổi tan học, cô Trần Thị Liễu - giáo viên chủ nhiệm lớp 6A và cô Kra Jãn Phệt - giáo viên chủ nhiệm lớp 6B luôn ghé qua khu nội trú để hướng dẫn các em vệ sinh ăn ở, vệ sinh cá nhân… Những bỡ ngỡ dần qua đi khi các em đã được các thầy, cô giáo đặc biệt quan tâm, giúp đỡ. Thầy cô như là người cha, người mẹ thứ hai của các em, hướng dẫn các em từ những điều nhỏ nhất, từ sinh hoạt đến học tập, cách ứng xử với bạn bè, cách tự lập trong môi trường sống tập thể nội trú…
• ẤM ÁP MÁI NHÀ CHUNG
Học sinh của Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Lạc Dương đến từ 5 xã đều là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Đa số các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các thầy, cô giáo đã quan tâm, sẻ chia và xem các em như những đứa con ruột thịt của mình. Mới đây thôi, trước ngày khai giảng, một cơn mưa lớn đã tốc mái vài lớp học, tuy đang trong kỳ nghỉ Lễ 2/9 nhưng các thầy, cô vẫn đến trường để quét nước ra khỏi lớp, phơi khô sách vở và bao bọc lại cẩn thận để các em có sách vở bước vào năm học mới.
Công tác ở ngôi trường đặc thù này, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn xác định bên cạnh công việc chuyên môn thì chăm sóc học trò còn là trách nhiệm và tình yêu thương của những người cha, người mẹ. Các thầy, cô luôn hiểu rõ hoàn cảnh từng học sinh và luôn quan tâm, sẻ chia với các em từ chuyện học hành, gia đình, tình cảm…
Sau những giờ học, thầy cô xuống tận nhà ăn hỏi han học trò để tạo nên không khí gia đình ấm cúng trong mỗi bữa ăn giúp các em quên đi nỗi nhớ nhà. Nhà trường cũng phân công giáo viên trực quản sinh sau khi các em tan học, trực tối, ngủ trực đêm… vừa để quản lý, vừa hỗ trợ các em khi cần.
“Không chỉ nỗ lực tạo môi trường học tập tốt, nhà trường còn động viên tinh thần học trò bằng việc tìm kiếm các nguồn học bổng để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn; tạo các sân chơi cho các em thông qua các hoạt động thể thao, các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật… Qua đó, giúp các em được vui chơi và chia sẻ những tâm tư, tình cảm, với mong muốn các em dù xa gia đình nhưng vẫn luôn có được cảm giác ấm áp, thân thuộc dưới mái nhà chung này”, cô Trần Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS huyện Lạc Dương chia sẻ.
Tiếng cười nói vui vẻ, rộn ràng của những cô cậu học trò từ các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lạc Dương trước sân khu nội trú sau giờ tan học. Tiếng loa phát thanh vang lên lời bài hát “Hôm nay đi học xa/Đường tương lai đường gần…” như động viên, khích lệ các em. Và trên con đường đó, luôn có sự đồng hành, chia sẻ của các thầy cô giáo nhà trường.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202209/co-giao-nhu-me-hien-3134016/