Cô giáo ở Hà Tĩnh làm hiệu trưởng 2 điểm trường cách nhau... 23km
17 năm trong nghề cũng là ngần ấy năm cô giáo Lê Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Gia (xã Phú Gia, huyện Hương Khê) nỗ lực mang con chữ đến từng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở huyện miền núi Hà Tĩnh.
Hết lòng vì sự nghiệp giáo dục miền núi
Từ điểm trường vùng núi hẻo lánh, xuống cấp, Trường Mầm non Phú Gia nay đã trở thành trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ I.
Từ thị trấn Hương Khê, chúng tôi tìm đến các điểm trường Mầm non Phú Gia sau nhiều giờ đồng hồ vượt qua những con đường quanh co, uốn lượn vô cùng nguy hiểm.
Thế nhưng, cô Lê Thị Quyên chỉ cười chia sẻ: “Với giáo dục vùng cao, chuyện vượt núi, băng rừng đến trường, đến lớp như là chuyện cơm ăn, nước uống mỗi ngày”.
Dù khó khăn, vất vả nhưng sự hồn nhiên, vô tư của các em học sinh và tình cảm chan hòa, gần gũi của đồng bào dân tộc đã luôn sưởi ấm tình yêu nghề của cô Lê Thị Quyên.
Trường Mầm non Phú Gia có 2 điểm trường nằm cách nhau 23km. Điểm trường 1 nằm ở thôn Phú Vinh là vị trí trung tâm của xã, còn điểm trường 2 lại nằm bên sườn núi tại thôn Phú Lâm xa xôi.
Bắt đầu gắn bó với nghề giáo từ năm 2003, từng có 4 năm làm giáo viên và 13 năm làm quản lý, cô Lê Thị Quyên (SN 1982, xã Hương Bình) cũng đã luân chuyển công tác tại nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện Hương Khê. Rồi như một cơ duyên, năm 2017, cô được bổ nhiệm về công tác tại Phú Gia và gắn bó đến bây giờ.
Mỗi điểm trường có đặc điểm riêng nhưng đều là những đơn vị có cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống của người dân địa phương còn khó khăn. Đặc biệt, điểm trường thôn Phú Lâm nằm sâu trong bản làng heo hút, đường lên núi lại gian nan khiến công việc trở nên khó khăn gấp bội.
Nữ hiệu trưởng luôn tham gia hỗ trợ đồng nghiệp để chăm sóc trẻ một cách tốt nhất.
Suốt những năm trong nghề, cô Quyên không thể nhớ hết những ngày cùng đồng nghiệp lặn lội đến các thôn, bản để tuyên truyền, vận động học sinh không bỏ học giữa chừng.
Cô Quyên rưng rưng: “Ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ mới ở Trường Mầm non Phú Gia, tôi đã vượt hàng chục km đường núi để mang sữa đến cho các em học sinh dân tộc ở Phú Lâm. Thế nhưng, thay vì hồ hởi, vui vẻ khi nhận được sữa thì các em lại ngơ ngác vì không biết uống sữa như thế nào. Lúc đó, trong đầu tôi quyết tâm phải thay đổi để các em được hưởng những điều tốt nhất”.
Niềm vui của đổi thay
Là hiệu trưởng của hai điểm trường, cô Lê Thị Quyên thường xuyên phải di chuyển qua các cung đường núi ngoằn ngoèo để đến với học sinh trên bản làng xa xôi.
Nghĩ là làm, cô Quyên bắt tay vào việc thay đổi nhận thức của các em học sinh và các bậc phụ huynh. Với thử thách của một trường khó khăn nhất xã, ngay từ buổi đầu, cô đã tìm hiểu nếp sống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc để sớm có tiếng nói chung.
Từ các điểm trường không có sân chơi, đồ chơi, không tổ chức cho trẻ ăn nghỉ tại trường, đến nay, hơn 300 trẻ của hai điểm trường đã được ăn bán trú và học 2 buổi/ngày. Điểm trường lẻ đã có sân chơi và đồ chơi do cô giáo và phụ huynh tự làm; 100% trẻ được làm quen với bảng chữ cái, được đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần tại các nhóm lớp.
Cô Quyên vượt qua những con đường quanh co, nhiều đá sỏi để đến với điểm trường Phú Lâm
Nhiều lần, cô trích số tiền lương ít ỏi của mình mua thêm cho các em cuốn sách, cây bút hay chiếc kẹo để các em thấy vui khi đến trường. Thậm chí, khi không có giáo viên đứng lớp ở điểm trường lẻ, “người lái đò” ấy vẫn cần mẫn vượt núi, băng rừng đến dạy chữ cho các em học sinh.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, cô luôn trăn trở để mang lại môi trường giáo dục hoàn thiện và lành mạnh nhất cho trẻ. Và với cô, cơ sở vật chất cùng đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.
Cô Quyên luôn cố gắng làm tốt công tác tham mưu với các cấp lãnh đạo, nỗ lực kêu gọi xã hội hóa giáo dục hàng tỷ đồng đầu tư, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường, đảm bảo phục vụ các hoạt động chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ ở điều kiện tốt nhất.
Hiệu trưởng Quyên cùng các cô giáo cắm bản ở điểm lẻ Phú Lâm tự tay làm đồ chơi cho học sinh
Với trách nhiệm của người quản lý, cô cùng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào; xây dựng nhà trường thành một tập thể đoàn kết, vững mạnh; tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ...
Cô còn thường xuyên hỗ trợ các giáo viên ở bản Phú Lâm để chăm sóc trẻ một cách tốt nhất.
Cô Lê Thị Quyên là một giáo viên gương mẫu, cán bộ quản lý có trách nhiệm, tận tâm với nghề. Nhiều năm liền cô Quyên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở và giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, thường xuyên nhận được giấy khen, bằng khen của huyện, tỉnh. Bản thân cô Quyên luôn nỗ lực kêu gọi nguồn lực xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường. Với nhiều nỗ lực, năm 2018 Trường Mầm non Phú Gia được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ I, chất lượng dạy và học của trường ngày một nâng cao".
Cô Hà Thị Hiền, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê