Cô giáo ở vùng sâu không ngừng sáng tạo vì học trò
14 năm công tác tại Trường THCS Sông Ray (xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ), cô giáo Bùi Thị Hoa, giáo viên môn tiếng Anh đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật - là kết quả đáng mơ ước của giáo viên giảng dạy ở một ngôi trường vùng sâu, vùng xa.
Nhiều năm liên tục, cô Hoa được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt nhiều giải cao tại các hội thi, cuộc thi giáo viên dạy giỏi, dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học cấp huyện, cấp tỉnh, quốc gia.
* Để học sinh yêu môn tiếng Anh hơn
Cô Hoa chia sẻ, từ nhỏ, cô đã yêu thích môn học tiếng Anh nên sau khi tốt nghiệp THPT, cô lựa chọn học ngành sư phạm tiếng Anh để thỏa ước mơ trở thành cô giáo. Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai), cô được phân công về công tác tại Trường THCS Sông Ray.
Hằng năm, cô Hoa đều tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi môn tiếng Anh của trường để tham gia các cuộc thi học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp huyện, cấp tỉnh. Trong đó, nhiều học sinh đã đoạt được các giải cao, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh tại Trường THCS Sông Ray nói riêng và H.Cẩm Mỹ nói chung.
Với những kết quả đã đạt được trong quá trình giảng dạy, cô giáo Bùi Thị Hoa đã nhiều lần được UBND tỉnh tặng bằng khen, được Sở GD-ĐT tặng giấy khen. Tháng 7-2020, cô Hoa là một trong số những cá nhân xuất sắc của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Cô cũng được lựa chọn là điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Đồng Nai lần thứ VI, giai đoạn 2020-2025, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 10-2020.
Tuy nhiên, với đặc điểm là địa phương vùng sâu, vùng xa, điều kiện học tập của học sinh còn hạn chế, nhiều học sinh còn nhút nhát, chưa tích cực chủ động, sáng tạo trong học tập các môn học nói chung và tiếng Anh nói riêng. Trăn trở làm thế nào để học sinh tiếp thu kiến thức môn học một cách dễ dàng, dễ hiểu, dễ nhớ mà tiết học không khô khan, nhàm chán, cô Hoa đã nhiều đêm suy nghĩ và đưa ra nhiều sáng kiến kinh nghiệm, thay đổi phương pháp dạy học, không sử dụng phương pháp rập khuôn theo kiểu thầy đọc trò chép hoặc thầy đọc mẫu, trò lặp lại rồi ghi chép như trước kia.
Cụ thể, trong các tiết học tiếng Anh, cô Hoa linh hoạt áp dụng, lồng ghép các trò chơi vào bài giảng để kích thích tinh thần ham học hỏi của học sinh, giúp tiết học trở nên nhẹ nhàng hơn mà học sinh cũng ghi nhớ từ vựng, ngữ pháp được lâu hơn. Phương pháp “học mà chơi, chơi mà học” giúp cho học sinh trong trường thích thú hơn rất nhiều.
Không những thế, cô Hoa còn vận dụng bản đồ tư duy để soạn bài, bố cục nội dung bài giảng, vẽ sơ đồ hóa kiến thức thông qua việc liên kết các mắt xích kiến thức cho từng bài, từng chương, từng phần kiến thức, hệ thống nội dung ôn tập để học sinh có cái nhìn tổng quát về kiến thức đã học, từ đó dễ dàng ôn tập và khắc sâu kiến thức hơn.
Phương pháp sử dụng bản đồ tư duy cũng được cô Hoa truyền đạt cho học sinh, hướng dẫn các em sử dụng để chủ động, sáng tạo hơn trong học tập, hệ thống kiến thức. Nhiều học sinh từ chỗ thụ động, nhút nhát, sau khi sử dụng bản đồ tư duy và thuyết trình nội dung bài học đã trở nên mạnh dạn, tự tin, khả năng trao đổi bằng tiếng Anh lưu loát hơn.
Em Hoàng Phương Nga, lớp 9 Trường THCS Sông Ray chia sẻ: “Chúng em rất thích học tiếng Anh với cô Hoa, bởi vì mỗi tiết dạy của cô đều rất vui, nhẹ nhàng và dễ hiểu, không bị áp lực, gò bó. Mỗi bài giảng của cô đều rất sinh động, không nhàm chán và khô khan”.
* Tận tâm với nghề
Trong số các sáng kiến kinh nghiệm của cô Hoa, sáng kiến Thiết kế các trò chơi tiếng Anh với phần mềm ActivInspire đã được Hội đồng thẩm định sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học H.Cẩm Mỹ công nhận và xếp loại xuất sắc.
Chia sẻ về lý do thực hiện sáng kiến này, cô Hoa bộc bạch, từ năm học 2014-2015, bộ thiết bị dạy học tiên tiến đi kèm với phần mềm ActivInspire đã được đưa vào sử dụng tại tất cả các trường tiểu học, THCS ở H.Cẩm Mỹ nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh. Qua việc thực hành giảng dạy và sử dụng phần mềm này, cô Hoa nhận thấy đây là phần mềm có nhiều ưu việt, cho phép giáo viên và học sinh tương tác trực tiếp với nội dung bài giảng, cung cấp những chức năng được xây dựng sẵn để giáo viên dễ dàng hơn trong soạn giảng, đặc biệt là trong việc thiết kế các trò chơi gây hứng thú cho học sinh, làm cho quá trình tiếp nhận ngôn ngữ diễn ra tự nhiên, sôi nổi và khắc sâu.
Do đó, cô Hoa đã tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng phần mềm này để thiết kế nhiều trò chơi, biến tấu các trò chơi liên quan đến tiếng Anh để thực hiện giảng dạy, đem lại hứng thú cho học sinh, giúp học sinh ngày càng yêu thích môn học hơn.
Khi được hỏi lý do khiến cô có động lực để luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, đem lại hiệu quả cao trong dạy và học tại nhà trường, cô Hoa tâm sự, đó là lòng yêu nghề, yêu học trò và mong muốn sẽ làm được điều gì đó giúp các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa rút ngắn khoảng cách về điều kiện học tiếng Anh với học sinh thành phố.
Không tự bằng lòng với những thành tích đã đạt được, cô Hoa vẫn luôn có ý thức tự học, tự nghiên cứu, tự trau dồi để nâng cao trình độ chuyên môn; tham gia và hoàn thành xuất sắc các khóa đào tạo dành cho giáo viên tiếng Anh do trường, Phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT tổ chức. Cô Hoa cũng luôn lắng nghe, học hỏi từ những đồng nghiệp để có thêm nhiều kinh nghiệm và đa dạng các hình thức tổ chức giảng dạy; thường xuyên lên mạng để tìm tòi, tra cứu, cập nhật kiến thức, các phương pháp mới, công nghệ mới để xây dựng bài giảng ngày càng hấp dẫn hơn.
Đánh giá cao năng lực của cô Bùi Thị Hoa, cô Bùi Thị Vinh, Trưởng phòng GD-ĐT H.Cẩm Mỹ cho biết, cô Hoa là một giáo viên giỏi của huyện, rất có tâm với nghề, có tâm với học trò, luôn có tinh thần cầu thị, nỗ lực vươn lên. Với vai trò là một đảng viên, cô Hoa luôn gương mẫu trong việc thực hiện nhiệm vụ, có tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Từ đó, góp phần xây dựng một tập thể đoàn kết, vững mạnh, cùng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục tại trường nói riêng và của toàn huyện nói chung.