Cô giáo Phạm Thanh Vân với tập thơ Xanh

Sinh thời, giáo sư khả kính Hoàng Như Mai từng nói ở giảng đường Đại học tổng hợp (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) rằng: “Trần Đăng Khoa định vị được đời thơ của mình khi nào vượt qua được “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa với tập Góc sân và Khoảng trời!”. Nhạc sĩ Trần Viết Bính ở Biên Hòa, Đồng Nai, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh, phổ nhạc bài thơ Hạt gạo làng ta của Trần Đăng Khoa trong tập này, góp phần làm nên tên tuổi cả hai trong chừng mực nào đó khi hai người chưa biết nhau.

Không hiểu sao khi cầm tập thơ có tựa chỉ một chữ Xanh của Hạnh Vân, bút danh của cô giáo Phạm Thanh Vân, thạc sĩ Sử học, Tổ trưởng môn Sử của Trường THPT Vĩnh Cửu (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), tôi cứ nghĩ về câu nói của vị giáo sư đáng kính hơn 40 năm về trước. Đó có thể coi như là một “nguyên lý” văn học chăng?

Khi Đồng Nai công bố giải Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức (5 năm xét tặng một lần) 2010-2015, một tác giả tôi chưa từng may mắn được đọc trước đó, được trao giải nhất thơ với tập Ru miền cổ tích, cũng là tập thơ đầu tiên của Hạnh Vân, tôi càng tò mò và cố tìm đọc. Tìm đọc trong sự đối sánh với thơ của nhiều tác giả khác ở Đồng Nai đã đọc trước đó hơn 30 năm, mới nhận ra rằng Hạnh Vân có một giọng thơ không lẫn vào ai và trong khuôn khổ giải lần này.

Không biết có bao nhiêu tập thơ được xét ở thể loại văn học cần được “cảm” hơn là đưa lên bàn mổ, dù cho “dao kéo” là các chuẩn mực lý luận văn học, nhưng so với những tập được trao các giải dưới giải nhất, thì Hội đồng tuyển chọn đã có lý, dù rằng trong tập Ru miền cổ tích có bài chưa hẳn đã xứng với giải nhất. Nhưng nhìn tổng thể cả một tập thơ và so sánh với các tập thơ khác dự tuyển thì đó là phần thưởng xứng đáng với tác giả Hạnh Vân.

Đọc Xanh và nhớ lại Ru miền cổ tích:

lặn vào vết nứt gót chân

một chao chát nắng một ầm ào mưa

nổi nênh sương gió đã thừa

hài xinh trẩy hội vẫn chưa một lần

an nhàn xa

khó nhọc gần

mùa thương neo lại bước chân
nhịp nhàng

bốn mươi xuân mẹ rẽ ngang

bước chân vào cõi vĩnh hằng
ngàn năm (Chân trần)

Cái đắng nghét cuộc đời này không thấy trong tập Xanh và có thể như để đúng với tên gọi tập thơ, một đề từ, một nhắn gửi: Xanh, khát vọng, nỗi hoài mong. Đọc các tập thơ, tôi thường đọc trước bài thơ nào lấy tựa làm tên cho cả tập, và lần này nghe bài Xanh:

Áo anh xanh vào cây

cây xanh vào huyền thoại

huyền thoại xanh vào em câu chuyện

về năm mươi người con trai theo mẹ lên rừng

*

Rừng của anh không phải là những thân cây

tăm tắp ngay hàng

rừng của anh là trùng trùng lớp lớp những hoang sơ

những bí ẩn những thiêng liêng những kỳ vĩ

là nơi mẹ thiên nhiên bao dung đón nhận

từ rong rêu cỏ dại đến cổ thụ um tùm

( ...)

Những ngày lạc giữa miền xanh

của một địa danh mang tên Vĩnh Cửu

em đã tin có những điều vĩnh cửu

như tình yêu của anh

dành cho những cánh rừng xanh

(Xanh)

Bài thơ tạm gọi là thể thơ tự do 42 câu như một câu chuyện và có những điều đau đáu “anh cũng khóc khi thấy con cò mẹ bị thương lê lết/ tìm về gục chết bên bầy con vừa mổ vỏ”, để rồi:

dường như rừng mặn

dường như nước mắt anh xanh

“Xanh” xuất hiện nhiều lần trong cả tập thơ, bài Thành phố xanh:

nơi có anh

đường phố xanh cây, xanh màu áo thợ

cuộc sống xanh sức trẻ

nhịp ngày đêm tất bật xoay vòng

và:

mưa xanh nối với đất trời

người đi xa vẫn mặn mòi tình quê

sầu riêng nồng những hẹn thề

chôm chôm thắp đỏ lối về năm xưa.

“Chôm chôm thắp đỏ” nhưng vẫn xanh vì vẫn còn nhớ lối về năm xưa”.

Tôi hoàn toàn không có ý thức tập trung vào chủ đề, đọc thơ là để lòng mình trôi theo những dòng chữ và tôi thích bài Nói với mẹ Âu Cơ (nếu có quyền tôi thay chữ “nói” thành “thưa”), trong đó vẫn là ... xanh:

Bão giông choàng lên biển xanh
cát trắng

Nỗi đau Mỵ Châu mặn đến muôn đời

Rừng xa xanh biết bao lần thương tổn

Sơn Tinh buồn khi lũ quét về xuôi

Tác giả được trao giải nhất cho chặng đường thơ những 5 năm của “chiếu thơ” Đồng Nai có cây đa, cây đề, có “ông Hương, ông Cả”; vượt qua dấu mốc này không dễ, Hạnh Vân dụng công trong tập Xanh, tỏ rõ ý thức công dân dù thơ là tiếng nói tự tình, tự lòng, cô trải lòng, chẳng muốn minh họa điều gì. Năm 2013, cô có tập Ru miền cổ tích; năm 2018 có Xanh, và tôi vẫn đang mong tác giả sớm có tập thứ ba để tiếp tục được dõi theo hành trình và nhịp thơ Hạnh Vân.

Bão chồng bão, lũ chồng lũ, mất mát chất chồng cùng với những trận lũ lụt, sạt lở đất, núi vừa qua ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, đọc Xanh, tập thơ của cô giáo Phạm Thanh Vân, đồng cảm cùng những sẻ chia riêng/chung. Và, bao giờ rừng lại xanh cây?!

Trần Trị An

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202012/co-giao-pham-thanh-van-voi-tap-tho-xanh-3034532/