Cô giáo tâm huyết với sự nghiệp 'trồng người'
Nghề giáo được ví như người lái đò tận tụy. Nhiều tấm gương giáo viên yêu nghề mến trẻ, bám lớp bám trường để dạy cái chữ cho học sinh. Họ không quản vất vả, gian nan, lặng lẽ âm thầm như những con ong miệt mài xây tổ, hình thành nên những giọt mật cho đời và cô Phạm Minh Thùy (sinh năm 1984) - giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Cù Lao Dung (Cù Lao Dung) là một trong những giáo viên như thế.
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm năm 2007 và nhận công tác tại Trường Tiểu học Thị trấn Cù Lao Dung từ đó cho đến nay. Qua chia sẻ những kỷ niệm ngày đầu giảng dạy, được biết cô Thùy sinh ra trong gia đình nông dân ở xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên gia đình phải chuyển về tỉnh Trà Vinh sinh sống. Khi học ra trường cô đã xin được trở lại nơi mình sinh ra để làm việc và cống hiến sức trẻ cho quê hương, lúc đó cô phải ở trọ để đi dạy, với mức lương giáo viên mới ra trường khi ấy chẳng là bao, lại sống xa nhà nên cuộc sống của cô cũng gặp không ít khó khăn, vất vả. Nhưng với tình yêu nghề, yêu trẻ đã giúp cô vượt qua mọi khó khăn, cố gắng hết mình trong công tác giảng dạy.
Bên cạnh đó, cô luôn tranh thủ thời gian tự học, tự rèn, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước. Năm 2015, cô Thùy đã tốt nghiệp thạc sĩ giáo dục tiểu học với kết quả xếp loại xuất sắc. Không chỉ vững về chuyên môn, trong quá trình công tác, cô là người rất gần gũi và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp trẻ. Đặc biệt, đối với học sinh, cô vừa là người thầy, vừa là người mẹ sẵn sàng giúp đỡ các em trong học tập và cuộc sống. Cô Thùy chia sẻ: “Với vai trò là giáo viên làm công tác chủ nhiệm nên luôn ý thức bản thân phải cố gắng thật nhiều, không riêng việc dạy chữ mà việc giáo dục ý thức, đạo đức cho các em cũng vô cùng quan trọng. Các em cần được sự quan tâm tốt nhất, đặc biệt là đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các em vừa thiếu thốn vật chất và có khi lẫn tinh thần, vì còn nhiều em thiếu tình thương của cha hoặc mẹ, phải ở với ông bà lớn tuổi. Trước những hoàn cảnh đó, tôi tìm hiểu kỹ và lên kế hoạch giúp đỡ, kết hợp với nhà trường, gia đình, địa phương và các nhà hảo tâm để giúp đỡ các em trong điều kiện cho phép”.
Nhận xét về cô Thùy, cô Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Cù Lao Dung cho biết: “Cô Thùy rất gương mẫu trong các mặt hoạt động, năng lực chuyên môn tốt, được tập thể quý mến, học sinh, phụ huynh tin yêu. Đặc biệt, với tình yêu nghề mến trẻ, nhiệt tình và nỗ lực trong công tác, nhiều năm liền cô đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lớp do cô phụ trách đều có tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100%”.
Nụ cười tươi, ánh mắt trìu mến lúc nào cũng thường trực ở cô giáo Thùy mỗi khi đứng lớp. Trải qua nhiều năm với nhiều lớp học, cô luôn tìm tòi phương pháp mới sinh động có hiệu quả để vận dụng vào việc giảng dạy sao cho học sinh hiểu bài và tiếp thu một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, cũng như truyền đạt những kiến thức cho các em học sinh bằng cả trái tim và tấm lòng. Với 13 năm công tác, các lớp cô chủ nhiệm đều duy trì tốt sĩ số, đủ điều kiện lên lớp, tỷ lệ học sinh đạt thành tích tốt trong học tập và rèn luyện rất cao. Ngoài ra, cô còn giúp đỡ và hướng dẫn các em tham gia các phong trào do nhà trường và ngành giáo dục phát động. Kết quả, có nhiều em đạt nhiều giải cao trong các hội thi như: Viết chữ đẹp; An toàn giao thông; văn nghệ, thể thao, kể chuyện Bác Hồ… từ cấp trường, huyện và cấp tỉnh. Những nỗ lực, phấn đấu của cô Phạm Minh Thùy thời gian qua đã được các cấp, các ngành ghi nhận qua nhiều bằng khen, giấy khen như: UBND tỉnh tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm học; bằng khen của Tỉnh đoàn về thành tích “Xuất sắc trong học tập và làm theo lời Bác”; Hội Chữ thập đỏ tỉnh khen tặng đạt thành tích “Xuất sắc trong phong trào Chữ thập đỏ”. Cô còn đạt giải nhất Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh; giải nhất thực hành tiết dạy An toàn giao thông cấp tỉnh. Riêng năm 2019, cô có sáng kiến “Biện pháp giúp học sinh nâng cao khả năng mở rộng vốn từ trong phân môn luyện từ và câu lớp 2” được Hội đồng Khoa học tỉnh Sóc Trăng công nhận là sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Tấm gương nhà giáo yêu nghề, mến trẻ như cô Phạm Minh Thùy chính là những nhân tố đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Qua đó, một lần nữa khẳng định vai trò, trí tuệ của đội ngũ nhà giáo trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của giáo dục tỉnh nhà.