Cô giáo tiếng Anh theo chồng sang Úc làm nông dân, chăm 300 con bò
'Sinh nhật đầu tiên ở bên nhau, Mark không tặng người yêu mỹ phẩm, quần áo, hoa… mà tặng chiếc chìa khóa nhà'.
Nếu như cách đây 8 tháng, Thảo vẫn còn là một cô giáo dạy tiếng Anh, sáng đi tối về ngay giữa Hà Nội thì bây giờ, mỗi sáng thức dậy, trước mắt cô là trang trại rộng gần 200 hecta với đàn bò hơn 300 con ở tận miền quê xa xôi thuộc bang Victoria của nước Úc.
Trước khi yêu Mark Jackman, Thảo chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó, mình sẽ trở thành nông dân chính hiệu.
Sinh năm 1996, sau khi tốt nghiệp, Đỗ Thanh Thảo đi dạy ở một trung tâm tiếng Anh. Ở đây, cô gặp Mark. Nhưng suốt một năm trời, dù làm việc cùng một chỗ, họ không hề nói chuyện với nhau “vì nghĩ người kia nhạt nhẽo”.
Cho đến một dịp khi cả cơ quan đi ăn uống cùng nhau, cả hai mới thấy “người kia có vẻ hay”. Về nhà, họ kết bạn Facebook và nói chuyện với nhau thường xuyên hơn. Dần dần, tình cảm nảy nở, cả hai “qua lại” với nhau nhưng giấu tiệt đồng nghiệp vì sợ mọi người bàn tán.
“Làm cùng chỗ mà đi qua nhau như 2 cơn gió ngược chiều. Chuyện hẹn hò của bọn mình được giấu kín như bưng”, Thảo kể.
Nhưng rồi cũng đến ngày chuyện tình yêu bị “bại lộ”. Ngay lập tức, gia đình Thảo phản ứng dữ dội, bạn bè hoài nghi. Bạn bè khuyên cô không nên, vì “yêu Tây nay đây mai đó, chẳng đi đến đâu”.
Bố mẹ cô vốn không có ấn tượng tốt về người nước ngoài dạy tiếng Anh ở Việt Nam, giờ lại chuyện chênh lệch tuổi tác khá lớn - 12 tuổi giữa Thảo và Mark. Nhưng tự nhận là người khá lỳ, Thảo vẫn cứ làm theo sự dẫn dắt của cảm xúc. “Ở cạnh anh, mình không có tí bận tâm gì về sự khác biệt giữa 2 đứa, về tuổi tác, văn hóa hay quá khứ của nhau… Mọi chuyện cứ đến tự nhiên như vậy thôi”.
Thảo kể, Mark không lãng mạn giống nhiều chàng trai khác nhưng lại chân thành và không ít lần khiến trái tim cô “tan chảy”.
“Sinh nhật đầu tiên ở bên nhau, Mark không tặng người yêu mỹ phẩm, quần áo, hoa… mà tặng chiếc… chìa khóa nhà. Thực sự, đó là món quà vô giá. Nó không đơn thuần là chiếc chìa khóa nhà, mà niềm niềm tin của anh dành cho mình”.
Rồi một lần Thảo đi công tác Sài Gòn về, mẩu giấy nhắn của Mark để lại cũng đủ khiến cô cảm động. “Có đồ ăn trong tủ lạnh đấy, em ăn đi”, “Mật khẩu máy tính là…”, “Đi tắm thì em bật nóng lạnh ở…”, … Cứ thế, tình yêu giản dị của Mark và Thảo lớn dần.
Cô dẫn người yêu về nhà ra mắt bố mẹ. Nhiều lần tiếp xúc, bố mẹ cô bắt đầu có cảm tình với chàng trai người Úc vì thấy anh dễ gần và là người tử tế.
Sau 1 năm rưỡi yêu nhau, Mark cầu hôn. Thảo nói, cô không quá bất ngờ về điều đó bởi vì cả hai đều biết đây chính là người mà mình muốn ở cạnh suốt quãng đời còn lại.
Dù khi yêu, Thảo không nghĩ nhiều đến việc sau này sẽ sống ở đâu, nhưng khi Mark đề cập đến chuyện về Úc sinh sống, cô cũng vui lòng đồng ý. Bởi vì cô nghĩ rằng sang đó sẽ tốt cho con cái sau này. Cộng với việc được bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ ủng hộ, Thảo nhanh chóng chuẩn bị cho cuộc sống xa quê cùng với người mình yêu.
Đám cưới đã diễn ra vào tháng 3 năm nay. Không lâu sau, cả hai xách vali về Úc. Hai tháng đầu, cuộc sống mới trôi qua khá êm đềm với Thảo. Nhưng sau đó, tinh thần cô bắt đầu xuống dốc vì nhớ gia đình, nhớ Việt Nam, nhớ nhịp sống sôi động và tiện lợi của Hà Nội.
“Rồi bọn mình cứ vài tuần lại cãi nhau một lần. Vì mình đẩy cảm xúc đi quá xa nên anh ấy cũng không chịu được sự vô lý của mình nữa”.
Nhưng sau đó, Thảo nhận ra rằng hôn nhân đôi khi cần sự thỏa hiệp và chia sẻ thẳng thắn, chứ không nên giữ trong đầu lâu ngày và tích tụ dần lại. “Và điều quan trọng nhất mình học được sau khoảng thời gian khủng hoảng đó là nên tự tạo niềm vui cho bản thân trong cuộc sống để giữ tinh thần tích cực, nhiều năng lượng”.
Bây giờ, một ngày của cô diễn ra khá bận rộn. Hoạt động đầu tiên trong một ngày là hai vợ chồng cùng nhau tập gym. Tiếp đến là các công việc trong trang trại, chủ yếu liên quan tới bảo dưỡng hệ thống cơ sở vật chất (đất đai, cỏ, hồ nước, hệ thống rào, cây cối), kiểm tra sức khỏe và số lượng bò. Vào mùa bò đẻ thì công việc bận rộn hơn vì phải đảm bảo bò con sinh ra khỏe mạnh, không bị bệnh.
“Tuy làm trang trại chủ yếu là công việc chân tay nhưng gia đình vẫn phải tự sáng tạo khá nhiều. Thêm nữa là phải tuân theo quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng đầu ra, bởi vì trang trại nhà mình cung cấp bò cho các chuỗi nhà hàng”.
Ngoài việc chăm sóc đàn bò, buổi chiều làm việc ở trang trại xong, Thảo lại tranh thủ chăm sóc vườn, cỏ cây, hoa và rau củ, cũng như cho các vật nuôi khác ăn. Bây giờ, những việc cô phải làm trong ngày đã trở thành niềm yêu thích thay vì coi đó là trách nhiệm. “Mình cũng chăm sóc nhà cửa, học lái xe, thử nấu các món mới. Bận rộn quá nên thành ra chẳng có thời gian mà ‘sốc văn hóa’ nữa”.
Thảo tâm sự, hiện tại cô thực sự hài lòng với cuộc sống của mình vì đã nhận ra rằng cuộc sống hạnh phúc là biết tự tạo niềm vui cho bản thân.
“Trước kia khi làm giáo viên, mình phải chịu rất nhiều áp lực từ công việc, học sinh và phụ huynh. Sau khi sang đây, làm công việc trang trại liên quan tới động vật và cây cối nhiều hơn, mình nhận ra mình đang sống chậm lại, thấy cuộc sống dễ thở hơn vì không phải chịu những áp lực từ bên ngoài. Cuộc sống gần với thiên nhiên cũng làm mình biết yêu cái bình yên của tự nhiên - điều mà lúc còn ở Hà Nội mình chưa từng dừng lại để cảm nhận vì quá bận rộn với guồng quay nhanh của cuộc sống”.