Cô giáo toàn cầu
Vượt qua hơn 12.000 đề cử và hồ sơ từ hơn 140 quốc gia trên thế giới, Hà Ánh Phượng-cô giáo người dân tộc Mường của Trường THPT Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ) là đại diện duy nhất từ trước đến nay của Việt Nam lọt vào tốp 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu 2020. Hạnh phúc vỡ òa, cô Phượng đã bật khóc khi được tổ chức Varkey Foundation công bố tốp 10 chung kết của The Global Prize 2020.
Ngược dòng thời gian để thấy rằng, có được thành quả ngày hôm nay là cả một quá trình cố gắng không ngừng nghỉ của cô sinh viên Trường Đại học Hà Nội-Hà Ánh Phượng. Xuất phát điểm còn nhiều hạn chế về ngôn ngữ, cô gái người dân tộc Mường đã miệt mài học tập, rèn luyện để rồi sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, Hà Ánh Phượng được một công ty dược của Pakistan mời về làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, do yêu nghề sư phạm, Phượng đã từ chối và quyết định tiếp tục theo học thạc sĩ ngành sư phạm tiếng Anh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), với dự định quay về đóng góp cho ngành giáo dục quê nhà.
Cô giáo Hà Ánh Phượng cho biết: “Lần đầu tiên em nhận thức được tiềm năng tạo ra sự khác biệt của giáo viên là thông qua một bộ phim Việt Nam. Trong phim, người giáo viên đến thăm những ngôi nhà nằm dọc theo đường núi hiểm trở để thuyết phục phụ huynh cho con đi học thay vì ở nhà, làm việc trên núi. Em nhận ra rằng, trở thành giáo viên tiếng Anh là cách tốt nhất để cải thiện cuộc sống của mọi người nên em quyết định trở về quê hương của mình để biến điều đó thành hiện thực”.
Con đường đến Trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ của nhiều học sinh cũng nằm trên những sườn núi như thế. Để thu hút học sinh và khuyến khích các em đến với một ngôn ngữ mới, giúp mở cánh cửa ra thế giới, cô giáo Hà Ánh Phượng đã sáng tạo ra nhiều phương pháp truyền thụ kiến thức. Cùng với cô, các học sinh miền núi đã được “đi du lịch” vòng quanh thế giới, tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ các quốc gia một cách trực quan, sinh động. Tràn đầy nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ, những lớp học online của cô vì thế trở nên hấp dẫn, sôi động và không buổi học nào giống buổi học nào. Nhiều người được trải nghiệm, tham quan những lớp học ấy đều có chung một mong muốn Việt Nam có thêm nhiều lớp học như thế. Bên cạnh đó, những sáng kiến của cô giáo Hà Ánh Phượng đã giúp cải thiện đáng kể kết quả học tập của học sinh bằng những con số cụ thể. Năm học 2019, tất cả học sinh của cô trước đây đạt điểm thấp môn Tiếng Anh đều đã vượt qua kỳ thi THPT quốc gia...
Được gọi là “giáo viên đổi mới 4.0”, cô giáo Hà Ánh Phượng cộng tác với các giáo viên tiếng Anh ở châu Á, châu Phi, Mỹ và châu Âu để kết nối học sinh dân tộc thiểu số của mình với học sinh của các quốc gia thông qua ứng dụng Skype và Zoom, đồng thời quản lý một nhóm Facebook để chia sẻ những kinh nghiệm về nghề nghiệp, các hoạt động như một giáo viên toàn cầu. Không khó để hiểu tại sao bạn bè trên thế giới và học trò yêu mến gọi Hà Ánh Phượng là “Cô giáo toàn cầu”.
Trang Varkey Foundation ghi nhận: “Hà Ánh Phượng làm việc tại một trường trung học phổ thông miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi hơn 90% học sinh của cô là người dân tộc thiểu số từ 15 đến 18 tuổi và ít có cơ hội thực hành tiếng Anh. Cô giới thiệu mô hình lớp học không biên giới, nơi thông qua công nghệ, học sinh của cô giờ đây kết nối với các trường học trên toàn thế giới, giúp nâng cao khả năng tiếng Anh, sự tự tin và nhận thức văn hóa của các em. Cô đã truyền cảm hứng cho rất nhiều giáo viên Việt Nam và góp phần tạo ra một xu hướng dạy tiếng Anh mới tại Việt Nam”. Thầy giáo người Mỹ Jeff Remington (tốp 50 giáo viên toàn cầu 2020) chia sẻ cảm xúc về cô giáo Hà Ánh Phượng: Là một người dân tộc thiểu số đã đủ nhiều thách thức, việc đương đầu với cái nghèo ở vùng núi cao còn gian nan hơn nhiều. Phượng quả là một giáo viên tuyệt vời và đầy cảm hứng! Tôi rất vui khi được hợp tác cùng cô ấy trong một số video làm việc cho Việt Nam".
Với sự nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ để tìm tòi những phương pháp giảng dạy hiệu quả, tất cả vì sự trưởng thành, tiến bộ, vì tương lai tươi sáng của các em học sinh thân yêu, cô giáo Hà Ánh Phượng thực sự là một điển hình tiêu biểu của ngành giáo dục. Tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Phú Thọ lần thứ VI, cô giáo Hà Ánh Phượng đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Học sinh cũ của cô giáo Hà Ánh Phượng, em Trần Thu Phương chia sẻ: "Tự hào quá, cô giáo của em! Cô là động lực để em phấn đấu. Những gì cô nhận được ngày hôm nay thật xứng đáng với biết bao công sức cô đã bỏ ra. Cảm ơn cô rất nhiều! Nhờ cô, khoảng cách giữa học sinh nhiều vùng miền được rút ngắn, chúng em có thể gặp gỡ và làm quen với nhiều bạn học từ các quốc gia khác. Cô là niềm tự hào của nền giáo dục Việt Nam nói chung và trong trái tim em nói riêng".
Trên trang facebook của mình, Tuan Nguyen (tên thật là Nguyễn Minh Tuấn, học sinh lớp 12A1) viết bằng tiếng Anh rất tự tin: “Cô ấy là người truyền cảm hứng học tiếng Anh cho tôi để một học sinh miền núi lạc hậu, không được tiếp cận với công nghệ thông tin có thể học và nói chuyện với người nước ngoài. Cô là một giáo viên rất nhiệt tình, tâm huyết và tuyệt vời”. Nguyễn Minh Tuấn cho biết, em sẽ cố gắng học thật tốt để xứng đáng là học trò của “Cô giáo toàn cầu”.