Cô giáo trẻ ra đảo rèn bản lĩnh
Năm 1991, cô Thắm theo gia đình đi làm kinh tế mới ở huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh).
Thấu hiểu cái khó, cái nghèo của người dân huyện đảo, mong muốn mang tình yêu thương của mình đóng góp vào ngành Giáo dục để bù đắp những thiệt thòi cho các em nhỏ, cô Thắm quyết định chọn nghề cô nuôi dạy trẻ.
Tình nguyện đi “nghĩa vụ”
Theo lời giới thiệu của bà Nguyễn Hải Yến - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Đồn, chúng tôi tìm đến Trường Mầm non Hạ Long (xã Hạ Long) để gặp gỡ cô Vũ Hồng Thắm, một tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo. Giữa cái nắng vàng yếu ớt của buổi sáng mùa đông, sân Trường Mầm non Hạ Long như ấm áp hơn bởi tiếng cười đùa, vui nhộn của trẻ thơ. Miệng cười tươi tắn, cô Vũ Hồng Thắm cho hay: Tranh thủ lúc nắng ráo, cô trò cùng nhau ra sân chơi. Được đến trường gặp cô và bạn, các con phấn khởi lắm.
Cô Thắm xuất thân trong gia đình thuần nông ở quê lúa Thái Bình. Gia đình có 3 chị em gái, thuộc diện khó khăn. Năm 1991, cô cùng gia đình rời quê hương đến huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh làm kinh tế mới. Thấu hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn của bố mẹ, từ nhỏ 3 chị em cô luôn tự động viên nhau cố gắng, chăm chỉ học hành để sau này có nghề nghiệp ổn định giúp đỡ bố mẹ. Chính vì vậy trong 12 năm học phổ thông, Thắm luôn cố gắng chăm ngoan học tập, rèn luyện và là học sinh khá giỏi, được thầy yêu bạn mến.
Từ nhỏ Thắm luôn vui vẻ, hòa đồng với các bạn. Đặc biệt, cô có năng khiếu âm nhạc, vẽ tranh đẹp, kể chuyện rất hay. Nhiều bạn bè nhận xét “Thắm hợp với nghề nuôi dạy trẻ”. Nhận thấy nghề giáo viên mầm non phù hợp với sở thích và khả năng của mình, cô đã ấp ủ và theo đuổi đam mê.
Năm 2004, cô Thắm thi đậu vào 2 trường: Cao đẳng Sư phạm Nhà trẻ & Mẫu giáo T.Ư; Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh. Do điều kiện gia đình và sức khỏe bản thân, cô gái trẻ quyết định nhập học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh.
Quá trình học tập tại trường sư phạm, cô Thắm năng nổ với các hoạt động, tích cực tham gia phong trào của trường, lớp. Có cơ hội thể hiện năng khiếu của bản thân qua các cuộc thi, cô Thắm đã mang lại những giải cao nhất cho lớp, khoa. Các cuộc thi nghiệp vụ sư phạm (thi kể chuyện, vẽ tranh cổ động, cắm trại đẹp, sắp mâm cỗ, đóng kịch…), cô sinh viên nhỏ nhắn tên Vũ Hồng Thắm luôn để lại những dấu ấn tốt trong thầy cô và bạn bè.
“Năm 2007 cầm trên tay tấm bằng cử nhân Cao đẳng Sư phạm Mầm non, tôi nóng lòng được mang nhiệt huyết của mình đến với các em nhỏ. Tôi xin vào làm việc không lương tại Trường Mầm non Hạ Long”, cô Thắm chia sẻ.
Quá trình công tác, cô Thắm từng được phòng GD&ĐT phân công ra dạy học tại Trường Mầm non Thắng Lợi, trường học thuộc xã đảo nghèo khó. Sau thời gian công tác tại đảo Thắng Lợi, cô được điều về Trường Mầm non Đoàn Kết.
Thời gian công tác ngoài xã đảo Thắng Lợi, nhận thấy trẻ em ngoài đảo còn nhiều thiệt thòi, với mong muốn được cống hiến sức trẻ, cô Thắm làm đơn tình nguyện đi “nghĩa vụ”. Sau đó, cô được phân công ra đảo Quan Lạn công tác.
Với những giáo viên tại huyện đảo Vân Đồn, chuyện đi “nghĩa vụ” ngoài xã đảo không còn xa lạ. Đó là tên gọi vui cho chính sách luân chuyển cán bộ, giáo viên từ đất liền ra đảo. Thông thường trong thời gian công tác, mỗi thầy cô sẽ có 3 - 5 năm ra giảng dạy tại đảo. Đó là quãng thời gian quý giá để thầy cô cùng nhau chia sẻ, gánh vác những khó khăn vất vả để làm tròn sứ mệnh của nghề “trồng người”. Với những giáo viên trẻ như cô Thắm quãng thời gian công tác ngoài xã đảo mang lại những trải nghiệm đáng trân quý để được thử thách, trưởng thành hơn trong sự nghiệp.
Kiên trì gieo hạt giống tâm hồn
Năm 2009, theo sự điều động của phòng GD&ĐT, cô Thắm chuyển về công tác tại Trường Mầm non Hạ Long. Nhờ có lòng yêu nghề, mến trẻ, cùng đức tính cần cù, chịu khó, có ý chí vươn lên trong công tác, cô Thắm nhận được nhiều danh hiệu, khen thưởng của các cấp: GV dạy giỏi cấp trường, cấp huyện; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh... Đặc biệt, năm 2021 cô vinh dự được nhận danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh.
Thời gian công tác, cô Thắm luôn có nhiều chuyên đề hay. Trong đó, chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 - 2020 của cô được đánh giá xuất sắc.
Nhắc về những kỷ niệm trong nghề, cô Thắm kể: Đến tận bây giờ tôi không thể quên được hình ảnh các em học sinh nhạt nhòa trong nước mắt khi nghe câu chuyện “Tích Chu”. Đó là ngày đầu tiên đến nhận công tác tại Trường Mầm non Thắng Lợi thuộc xã đảo nghèo, dân cư ít. Tôi nhận lớp mẫu giáo 4 - 5 tuổi, sĩ số lớp chỉ có 5 cháu. Đó cũng là ngày đầu tiên tôi được đứng lớp với vai trò giáo viên chủ nhiệm.
Buổi học hôm đó chỉ có 4 cháu đến lớp. Nhìn các cháu với bộ quần áo không được tươm tất, đôi dép không được lành, có cháu còn đi chân đất, mặt mũi cũng không được sạch sẽ tôi nhói tim. Tôi đã tìm chiếc khăn để vệ sinh cho các cháu, rồi trải chiếu để cô trò cùng ngồi trò chuyện, hát...
Sau đó, tôi kể cho các cháu nghe câu chuyện “Tích Chu”. Tôi đã dồn hết tình cảm của mình để kể cho các cháu nghe câu chuyện đó thật hay nhằm làm cho các cháu vui. Nhưng không ngờ khi tôi vừa kể đến đoạn bà Tích Chu hóa thành chim, Tích Chu khóc gọi bà thế là cả lớp cùng khóc. Nhìn các con khóc mà tôi không kìm nổi xúc động, tôi dỗ mãi các con mới nín.
Cô Thắm là giáo viên trẻ năng động, chuyên môn vững vàng. Là giáo viên chủ nhiệm, cô Thắm luôn được phụ huynh tin yêu và là cầu nối vững chắc giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Quá trình công tác, cô có nhiều sáng kiến, ý tưởng hay được các cấp lãnh đạo đánh giá cao và áp dụng tại nhà trường. - Cô Nguyễn Thị Loan (Hiệu trưởng Trường Mầm non Hạ Long)
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/co-giao-tre-ra-dao-ren-ban-linh-edmnYdXGg.html