Cô giáo trường giáo dưỡng chia sẻ về 'con đò' đưa học sinh trở thành công dân lương thiện

Với công tác chuyên môn về quản lý, giáo dục, chăm sóc đối tượng là trẻ vị thành niên có hành vi vi phạm pháp luật, những người giáo viên công an nhân dân luôn nỗ lực để học sinh sớm tái hòa nhập cộng đồng, trở nên có ích cho xã hội.

Thiếu tá Hoàng Thị Ngọc Xuyến nói về công tác giáo dục đặc biệt tại Trường Giáo dưỡng số 4.

Thiếu tá Hoàng Thị Ngọc Xuyến nói về công tác giáo dục đặc biệt tại Trường Giáo dưỡng số 4.

Chiều 14/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức gặp mặt các nhà giáo tham gia chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" và Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương lần thứ IV, năm 2024.

Những "người lái đò" đặc biệt

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi đã lắng nghe chia sẻ tâm huyết về chặng đường "trồng người" từ các đại biểu nhà giáo của 2 chương trình nêu trên.

Theo Thiếu tá Hoàng Thị Ngọc Xuyến (Trường Giáo dưỡng số 4, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an), đây là lần đầu tiên những người thầy, người cô đặc biệt ở các trường giáo dưỡng được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô".

"Công việc của chúng tôi là quản lý, giáo dục, chăm sóc đối tượng trẻ vị thành niên có hành vi vi phạm pháp luật từ 12 đến dưới 18 tuổi. Dù còn rất nhỏ, nhưng các em trước khi vào trường đã có những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội như giết người, hiếp dâm, trộm cắp, buôn bán và tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, gây rối trật tự công cộng...", cô giáo sinh năm 1984 cho biết.

Các thầy, cô giáo xúc động lắng nghe những chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Các thầy, cô giáo xúc động lắng nghe những chia sẻ tại buổi gặp mặt.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các nhà giáo đặc biệt của Trường Giáo dưỡng số 4 luôn nỗ lực, cố gắng để giúp học sinh thay đổi về nhận thức, tu dưỡng, học tập, rèn luyện sớm trở thành những công dân lương thiện, có ích cho xã hội thông qua học tập văn hóa, lao động và học nghề.

"Chúng tôi còn tăng cường thêm giáo dục đạo đức công dân, kỹ năng sống, giới tính, tình dục và sức khỏe sinh sản cho các em. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị còn một số mặt chưa thể đáp ứng, cho nên hiện tại chúng tôi chưa thể giảng dạy được các môn tin học, ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm", cô giáo với 19 năm công tác trong nghề nói.

Vinh danh hàng trăm giáo viên tiêu biểu

Theo Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết, kể từ khi khởi động vào năm 2015, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã tuyên dương 516 thầy, cô giáo tiêu biểu. Năm nay, chương trình tiếp tục vinh danh 60 giáo viên xuất sắc, công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, thuộc các lĩnh vực giáo dục đặc biệt, dạy học tại các trường giáo dưỡng, cán bộ, chiến sĩ biên phòng làm công tác xóa mù chữ cho đồng bào, thanh, thiếu nhi trên địa bàn đóng quân.

Trong khi đó, chương trình tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương được triển khai lần đầu vào năm 2019. Sau 3 lần tổ chức, đã có 286 nhà giáo được trao tặng danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”. Năm nay, từ 286 hồ sơ giới thiệu, Ban tổ chức chương trình đã bình xét, lựa chọn 99 cá nhân để tuyên dương ở cấp Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Minh Triết thông tin về 2 chương trình.

Đồng chí Nguyễn Minh Triết thông tin về 2 chương trình.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi bày tỏ ấn tượng với các chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương "Nhà giáo trẻ tiêu biểu", không chỉ trong không khí cả nước hướng tới Ngày nhà giáo Việt Nam, mà còn bởi ý nghĩa lớn lao đối với lực lượng cán bộ, giáo viên trên tất cả các địa bàn.

“Nhiệm vụ giáo dục ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều thử thách, thiếu thốn, bất cập, rất cần tới những nhà giáo tiên phong, sẵn sàng xung kích nhận công tác. Lực lượng nhà giáo trẻ với nhiệt huyết, trí tuệ, tinh thần sục sôi đã vượt những cám dỗ đời thường, quyền lợi hạnh phúc riêng tư để đến với những vùng khó khăn, thể hiện sức mạnh truyền thống của nhà giáo cũng như tuổi trẻ", Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt.

Cũng theo Thứ trưởng, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" chính là sự tri ân kịp thời đối với những đóng góp thầm lặng của các giáo viên, giúp các nhà quản lý, tổ chức nhìn nhận lại, trăn trở để có thêm cơ chế, chính sách đúng đắn hơn, hỗ trợ kịp thời hơn cho các thầy, cô giáo.

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đã trao Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng các đại biểu chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024.

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đã trao Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng các đại biểu chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024.

"10 năm qua, chúng tôi rất hạnh phúc vì được đồng hành cùng các thầy, cô giáo. Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã kể lại những câu chuyện sâu sắc, xúc động về tấm lòng, nghị lực của người thầy trên khắp mọi miền Tổ quốc. Từ đó, tôn vinh các giá trị của nghề giáo, thôi thúc các hoạt động tri ân người thầy, lan tỏa hành trình dạy học hạnh phúc", ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Tập đoàn Thiên Long chia sẻ.

LINH PHAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/co-giao-truong-giao-duong-chia-se-ve-con-do-dua-hoc-sinh-tro-thanh-cong-dan-luong-thien-post844882.html