Cô giáo truyền cảm hứng cho học sinh miền núi yêu thích nghiên cứu khoa học

Gần 20 năm công tác ở trường học miền núi, mặc dù điều kiện dạy và học còn gặp nhiều khó khăn nhưng cô giáo Nguyễn Thị Bích Chi, giáo viên bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Tân Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị luôn đam mê và truyền cảm hứng cho học sinh học tốt các môn thuộc khối tự nhiên này. Cô thường xuyên chủ động, hướng dẫn học sinh tìm tòi, nghiên cứu, xây dựng các đề tài khoa học, đặc biệt là các đề tài có tính khả thi cao trong ứng dụng thực tiễn.

Cô Bích Chi tận tình hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học - Ảnh: N.T

Cô Bích Chi tận tình hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học - Ảnh: N.T

Đề tài “Sử dụng quả chuối mật mốc chín để sản xuất mật chuối trên địa bàn huyện Hướng Hóa” do cô Bích Chi hướng dẫn học sinh tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2024 - 2025 vừa đoạt giải Ba. Đề tài này được ban tổ chức đánh giá cao về giá trị ứng dụng.

Xuất phát từ thực tiễn địa phương có nguồn nguyên liệu chuối mật mốc dồi dào, qua nghiên cứu các phương pháp chiết xuất và cô đặc bằng nhiều công đoạn kỳ công, cô Chi đã định hướng và hướng dẫn học sinh nghiên cứu và thực hiện thành công dự án này. Kết quả cho thấy sản phẩm có hương thơm dịu nhẹ và vị ngọt thanh rất đặc trưng của chuối mật mốc Hướng Hóa, được sử dụng trong pha chế các món nước uống giải khát và các món ăn.

Cô Bích Chi cho biết: “Để thực hiện thành công dự án này, cô trò chúng tôi đã đồng hành với nhau trong thời gian khá dài. Tôi định hướng cho học sinh điều quan trọng nhất khi xây dựng đề án nghiên cứu khoa học đó là tính khả thi, phù hợp thực tiễn tại địa phương xét cả phương diện về nguyên, vật liệu sử dụng cũng như áp dụng vào thực tiễn. Chúng tôi rất vui vì ngày càng có nhiều học sinh bộc lộ yêu thích đối với môn Khoa học tự nhiên cũng như nghiên cứu khoa học”.

Đam mê các bộ môn khoa học tự nhiên ngay từ thời còn học sinh, vì vậy, sau khi học xong THPT, Bích Chi quyết định thi và đỗ chuyên ngành Sinh -Hóa, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Ra trường, công tác ở huyện miền núi, với quan điểm, làm thế nào để các môn tự nhiên không trở nên “khô khan”, khiến học sinh mất hứng thú học tập, cô Bích Chi xây dựng nhiều phương pháp giảng dạy phù hợp; chú trọng yếu tố đổi mới, sáng tạo nhằm khơi gợi niềm yêu thích của học sinh. Trong đó, cô nghiên cứu các mô hình khoa học có khả năng ứng dụng thiết thực trong đời sống hàng ngày từ những nguyên, vật liệu có sẵn tại địa phương.

Hằng năm, cô Bích Chi đều nhận trách nhiệm bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh thực hành các mô hình, dự án tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp huyện và cấp tỉnh. Có nhiều dự án cô hướng dẫn đã đoạt giải và được đánh giá cao về phương pháp nghiên cứu cũng như khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Tiêu biểu như dự án “Thiết kế mô hình trồng rau thông minh”, với phương pháp trồng nhiều loại rau như giá đỗ, rau mầm, nấm... trên cùng một khung kệ nhiều khoang.

Khung kệ này sẽđược thiết kế ánh sáng phù hợp, kết hợp hệ thống tưới nước tự động, môi trường cạn kết hợp môi trường thủy canh đảm bảo đa dạng hóa thực phẩm, tiết kiệm công chăm sóc. Dự án “Sử dụng vỏ chanh dây sản xuất trà vỏ chanh dây”, tận dụng vỏ chanh dây chế biến thành sản phẩm trà mang đậm hương vị đặc trưng.

Dự án “Sản xuất phân bón hữu cơ từ bèo lục bình”, tận dụng cây lục bình mọc tự do ở các khu vực ao hồ, đầm để nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ sử dụng đại trà cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với hoa màu. Nổi bật là dự án “Sử dụng rượu chuối mật mốc và men lá A Dơi để sản xuất rượu chuối”, tận dụng được nguồn nguyên liệu chuối mật mốc dồi dào và men lá truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô để cho ra sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương.

Trên cơ sở đề tài này, cô Bích Chi đã dày công nghiên cứu mở rộng bằng nhiều phương pháp, qua các công cụ chưng cất, chiết xuất hiện đại để cho ra đời sản phẩm rượu Làng Hào. Sản phẩm này đã đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cấp huyện năm 2023. Vừa công tác, nghiên cứu khoa học, cô không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và đã hoàn thành chương trình đại học.

Từ đầu năm 2024 đến nay, cô Bích Chi tiếp tục nghiên cứu chế biến thức ăn hữu cơ từ nguồn nguyên liệu tận dụng từ phế phẩm ngành nông nghiệp, như thân cây chuối, xác sắn, bã đậu nành, bột bắp, cám gạo, củ tỏi... để xây dựng mô hình chăn nuôi gà (giống gà Cùa) theo phương pháp hữu cơ. Thời gian thực hiện thí điểm cho thấy gà phát triển tốt, có sức đề kháng tự nhiên, không sử dụng thuốc phòng bệnh nhưng không bị dịch bệnh. Hiện tại mô hình đã phát triển lên đến trên 600 con gà, vừa lấy thịt vừa lấy trứng.

Bằng tâm huyết cũng như đam mê của mình, cô đã truyền cảm hứng cho học sinh Trường THCS Tân Lập đam mê các bộ môn tự nhiên. Hiệu trưởng Trường THCS Tân Lập Mai Hoa Hồng cho biết: “Cô giáo Bích Chi là người tận tâm, nhiệt huyết với nghề. Cô luôn vận dụng kiến thức mình có được vào thực tiễn nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả.

Nhờ đó, ngày càng có nhiều học sinh yêu thích các bộ môn tự nhiên, tham gia và đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Cô còn là giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh.

Với những nỗ lực phấn đấu và cống hiến cho ngành giáo dục miền núi, cô Chi được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và nhiều giấy khen cấp huyện, ngành giáo dục”.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/co-giao-truyen-cam-hung-cho-hoc-sinh-mien-nui-yeu-thich-nghien-cuu-khoa-hoc-191234.htm