Cô giáo vỡ òa khi giành được quyền nuôi con sau ly hôn: 'Chị ơi, em đón được con về nhà rồi!'
Cuối giờ chiều ngày 9/8/2023, tôi nhận được tin nhắn của cô giáo mầm non Lê Thị Mỹ Diện: 'Chị ơi, em đón được con về nhà rồi! Em cảm ơn chị rất nhiều!'…
Niềm vui của người mẹ
Thông tin cô giáo Diện đón được con trai về nhà, tôi đã được nghe chị Phạm Thị Hồng Thắm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo - Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN TP Cần Thơ, thông báo trước đó. Nhưng phải tới khi nhận được tin nhắn của Diện, cảm nhận được niềm hạnh phúc gặp được cậu con trai 5 tuổi của người mẹ sau nhiều tháng xa cách, mới thực sự vỡ òa xúc động. Ngay lập tức, tôi điện thoại cho Diện, chia mừng cùng người mẹ này.
Vào cuối tháng 6/2023, tôi nhận được tin nhắn nhờ giúp đỡ của cô giáo mầm non Lê Thị Mỹ Diện, sinh năm 1983, ngụ tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Sau đó, theo hướng dẫn của tôi, Diện gửi Đơn cầu cứu bằng văn bản tới tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam.
Lê Thị Mỹ Diện và chồng, anh Hồ T.N., sinh năm 1989, ngụ tại thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, trong thời gian kết hôn hợp pháp có con chung là cháu trai Hồ V.H, sinh năm 2018. Sau kết hôn, vợ chồng Diện và con trai sống cùng ông bà ngoại tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Theo thời gian, vợ chồng Diện có nhiều bất đồng quan điểm nên tới ngày 4/1/2023, anh N. đã đưa con trai đi đâu không rõ.
Vô cùng lo lắng, Diện đi tìm chồng và con thì được biết, anh N. đã chở con trai về nhà nội tại thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. "Tôi đã xuống nhà anh N. ở Hậu Giang để mong gặp con trai mình nhưng gia đình anh N. không cho gặp, chửi bới, đe dọa, khóa cửa, đuổi tôi về, mặc cho bé khóc vọng từ trong nhà ra đòi mẹ.
Lúc đó, tôi không thể cầm lòng, vô cùng đau xót. Không những vậy, gia đình anh N. còn gọi chính quyền địa phương tới, cho rằng tôi quấy rối trật tự công cộng", Diện trình bày trong Đơn cầu cứu. Theo cô, con trai cô đang phải sống trong không gian ô nhiễm, môi trường khắc nghiệt vì gia đình bên nội nuôi heo và làm lò bánh mỳ.
Sự ngăn cản của cha và bên nội "khiến cho cháu đang trong giai đoạn phát triển mầm non dễ bị bấn loạn, tự kỷ do có sự chuyển biến môi trường vô cùng tiêu cực". Thời điểm Diện gửi đơn, cũng là lúc cô và chồng làm thủ tục ly hôn tại Tòa án Nhân dân (TAND) thị xã Long Mỹ, Hậu Giang.
Hành trình hỗ trợ bạn đọc
Nhận được Đơn cầu cứu của cô giáo Diện, tôi liên lạc với chị Phạm Thị Hồng Thắm (Hội LHPN TP Cần Thơ) để cùng có các phương cách giúp đỡ, hỗ trợ. Chị Thắm nhận lời rất nhiệt tình. Chị đã trao đổi lại ngay với chị Võ Kim Thoa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ.
Các chị đã trực tiếp tìm hiểu hoàn cảnh thực tế của nhân vật. Cô giáo Diện nói rất mừng và cảm thấy yên tâm khi nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của Hội LHPN tại địa phương.
Sau các kết nối thành công, chúng tôi đã liên lạc thường xuyên để cập nhật tình hình vụ việc. Hội LHPN TP Cần Thơ sau khi tìm hiểu cụ thể sự việc đã có công văn gửi TAND thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Công văn cho biết, qua xem xét, xác minh cùng với hồ sơ kèm theo, Hội LHPN TP Cần Thơ nhận thấy về kinh tế, chị Lê Thị Mỹ Diện là giáo viên mầm non, có mức lương bậc 5, hệ số lương 3,34; lại là con một trong gia đình nên được ba mẹ ruột tặng hơn 1.000m2 đất, đủ điều kiện nuôi con.
Về tinh thần, chị Diện ở địa phương sống trong gia đình có truyền thống hiếu học, có mẹ ruột cũng là giáo viên, nên bé Hồ V.H từ khi sinh ra, lớn lên được chăm sóc chu đáo.
"Sau khi xem xét nội dung đơn, hồ sơ kèm theo và căn cứ vào các quy định của pháp luật, Ban Thường vụ Hội LHPN TP Cần Thơ nhận thấy hành vi cản trở, không cho chị Diện nuôi con và thăm con của ông N. và gia đình ông N. là một trong những hành vi bạo lực gia đình được qui định tại Điều 2, khoản 1, điểm d, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007; việc chị Diện yêu cầu được quyền nuôi con chung sau khi ly hôn là hoàn toàn chính đáng và phù hợp với quy định của pháp luật tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn", công văn của Hội LHPN TP Cần Thơ cho biết.
Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 4/7/2023, TAND thị xã Long Mỹ đã khẳng định, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chị Lê Thị Mỹ Diện được ly hôn với bị đơn anh Hồ T.N.
Theo lời thừa nhận của cả anh N. và chị Diện, trước ngày còn sống chung với nhau tại nhà của cha mẹ chị Diện thì anh N. không có nghề nghiệp ổn định, sống phụ thuộc vào tiền lương của chị Diện. Hiện tại, chị Diện có nghề nghiệp giáo viên mầm non, có kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ cháu H., thu nhập tiền lương của chị đảm bảo đủ để lo lắng cho con trai có cuộc sống chu đáo.
Ngoài ra, chị Diện còn có tài sản riêng của cha mẹ cho tặng nên điều kiện anh N. chăm sóc, nuôi dưỡng cháu H. không đảm bảo hơn so với chị Diện.
Ngoài ra, bản án cũng khẳng định, khi cháu H. được ba đưa về nhà nội sinh sống thì cháu bị bỏng, bị mẩn ngứa, nổi đỏ da do việc chăm sóc không chu đáo của người lớn. Và cũng từ thời điểm đó, chị Diện tới thăm con, chăm sóc con nhiều lần nhưng anh N. và gia đình đã ngăn cản, không cho chị Diện dẫn con trai về thăm ông bà ngoại với lý do tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án.
"Việc thăm nom, chăm sóc, dẫn cháu H. về thăm ông bà ngoại không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án. Việc anh N. ngăn cản không cho chị Diện dẫn cháu H. về nhà chị thăm ông bà ngoại là xâm phạm đến quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc của chị Diện đối với cháu H.", bản án của TAND thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, khẳng định.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử đã thống nhất buộc anh Hồ T.N giao cháu Hồ V.H cho chị Lê Thị Mỹ Diện nuôi dưỡng. Chị Diện chưa yêu cầu cấp dưỡng nuôi con chung nên chưa xem xét.
Mẹ con hội ngộ
Sau phiên sơ thẩm, anh N. kháng cáo, còn cô giáo Diện vẫn chưa được đón con về nhà, cũng như vẫn bị anh N. và gia đình gây khó dễ khi tới thăm con.
Hội LHPN TP Cần Thơ tiếp tục có công văn gửi UBND phường Trà Lồng, Công an phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Công văn cho biết, sau khi bản án đã được tuyên, "chị Diện đến thăm con nhưng bị chồng là ông N. có hành vi ngăn cản, chửi bới và không cho chị dẫn con về thăm ông bà ngoại. Chị Diện lo sợ không được đón con về nuôi theo quyết định của bản án".
Và Hội LHPN TP Cần Thơ mong các cơ quan liên quan tại địa phương "hỗ trợ cho chị Diện được đón con về nuôi theo đúng bản án đã được Tòa tuyên, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em".
Đến ngày 7/8/2023, cô giáo Diện nhận được điện thoại của anh N., đề nghị mang cháu Hồ V.H về nuôi vì "phải đi làm không giữ con được". Đồng thời, anh N. cũng cho biết sẽ lên tòa để rút lại đơn kháng cáo.
"Ba bé nói chỉ xin em cho lên thăm bé. Em đồng ý ngay và nói lúc nào anh lên thăm con cũng được. Em đã từng bị chia cắt, cấm cản khi thăm con nên em sẽ không làm như vậy với ba của bé", cô giáo Diện trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam.
Trong suốt quá trình hỗ trợ Lê Thị Mỹ Diện, chứng kiến sự nóng lòng, sốt ruột, nhớ con của người mẹ, mới hiểu được niềm vui mẹ con hội ngộ của nhân vật đáng trân quý như thế nào. Có những ngày, chỉ mới gần 6h sáng, Diện đã điện thoại cho phóng viên, thúc giục công việc, vì "em nhớ con quá rồi".
Từng hình ảnh, từng chi tiết, Diện cập nhật liên tục qua tin nhắn. Mỗi ngày xa con, thấy con bị bỏng, bị viêm da ngứa đỏ, tâm trạng người mẹ vô cùng xót xa. Và mỗi khi nhận được tin nhắn như vậy của bạn đọc, việc trao đổi giữa phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam và các cán bộ Hội LHPN TP Cần Thơ lại được kết nối, bất kể lúc đó đã hết giờ làm việc.
Chúng tôi mừng cho mẹ con cô giáo Diện và thật sự trân trọng sự nhiệt tình hỗ trợ của Hội LHPN TP Cần Thơ cũng như các cơ quan liên quan tại 2 địa phương Cần Thơ và Hậu Giang. Việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta, không của riêng ai, không của riêng đoàn thể xã hội nào.