Cô giáo xương thủy tinh 10 năm dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo
Cô giáo xương thủy tinh Nguyễn Thị Ngọc Tâm tuy mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng đã 10 năm nay cần mẫn, tâm huyết với lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo.
Về thôn Trại 4, xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định hỏi thăm về cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm không ai không biết. Từ lâu, Ngọc Tâm được nhiều người gọi với cái tên quen thuộc, cô giáo “xương thủy tinh”.
Vượt lên chính mình
Ngọc Tâm sinh ra trong gia đình có 2 anh em, bố mẹ đều làm nông. Từ khi lọt lòng, Ngọc Tâm đã mang trong mình căn bệnh ác quái là bệnh xương thủy tinh (hay còn gọi là bệnh giòn xương, xương dễ gãy).
Theo lời kể của người thân trong gia đình, từ khi lọt lòng, chân của Tâm đã bị ngoặt lên trên bụng không thể duỗi thẳng. Mặc dù đã được phẫu thuật nhưng Tâm vẫn không đi lại được. Lý do, xương chân của Ngọc Tâm rất yếu đến nỗi cứ vận động mạnh là xương chân lại gãy.
Năm 3 tuổi, Tâm tập đứng, tập đi trong chiếc xe gỗ đơn sơ do bố làm. Song những cơn đau buốt xương tủy dày vò cơ thể khiến Tâm không còn đủ kiên nhẫn để luyện tập. Cuối cùng Tâm đành bỏ cuộc.
Đến tuổi vào học lớp 1, nhìn bạn bè tung tăng cắp sách tới trường, Tâm ao ước mình được khỏe mạnh, có thể tự đi học như cùng đám bạn. Ngồi trên chiếc xe gỗ, hướng mắt ra ngoài nhìn đám bạn học nô đùa vui vẻ mà Tâm cảm thấy tủi thân, đôi mắt buồn sâu cay.
Chứng kiến cảnh đó nhiều lần Tâm xin bố mẹ cho đi học nhưng mọi người trong gia đình đều lắc đầu bởi lo sợ con gái không đủ sức khỏe để theo học. Cuối cùng sau nhiều lần nài nỉ, bố mẹ Tâm cũng gật đầu đồng ý.
“Hiểu được nguyện vọng và khát khao đến trường của mình nên bố mẹ đã quyết định cho mình đi học để kịp chương trình”, Ngọc Tâm tâm sự.
Con đường đến trường của Ngọc Tâm đã “rộng cửa” nhưng mọi khó khăn cũng bắt đầu đến với cô. Những ngày đầu đến lớp, Tâm chỉ biết ngồi im vì chưa biết đọc, biết viết bảng chữ cái. Để con gái sớm bắt nhịp chương trình học, bố của Tâm xin nghỉ làm, ở nhà dạy cô những chữ cái đầu tiên.
Với trí nhớ “siêu đẳng” của mình, chỉ trong thời gian ngắn ôn luyện tại nhà, Ngọc Tâm đã học thuộc lòng bảng chữ cái, biết đếm số và biết viết chữ cái với những nét chữ chưa thành hình. Thế nhưng chẳng mấy chốc Ngọc Tâm đã hoàn thành chương trình học cấp I, cấp II.
Tâm chia sẻ, năm 2007 khi học hết cấp II do sức khỏe giảm sút nên cô phải nghỉ học ở nhà. Ấy vậy mà trong 9 năm đi học, Tâm đã kịp nhận tới 20 tấm giấy khen và nhiều kỉ niệm đáng nhớ làm hành trang cho cô bước vào đời.
Lớp học “5 không”
Sau khi nghỉ học vì lý do sức khỏe, Tâm xin phép bố mẹ mở lớp dạy học miễn phí tại nhà cho các em học sinh trong làng. Gọi là lớp học cho sang, thực ra chỉ là gian buồng được kê vài chiếc bàn, ghế nhựa cho các em học sinh ngồi học. Một lớp học đặc biệt nơi thôn quê được hình thành từ đó.
Tính từ ngày đó hơn 10 năm nay trong căn nhà của cô giáo Ngọc Tâm luôn đầy ắp tiếng cười của học sinh trong lớp học đặc biệt do chính cô mở ra và dạy miễn phí cho các em.
Lớp học ấy được Ngọc Tâm ví von trọn vẹn trong bài thơ có tựa đề: “Lớp học của tôi” do chính cô sáng tác.
“Không phấn, không bảng, không bục giảng
Giáo án không, chỉ có một tấm lòng
Tri thức mang theo, hành trang ta tích lũy
Bước ngoặt đầu đời nhớ công sức thầy cô.
Em bé tật nguyền mơ làm cô giáo,
Gian khó cũng nhiều nhưng rồi cũng vượt qua
Mỗi buổi học, mang theo bao hạnh phúc.
Cô với trò tíu tít bên nhau…”.
Mặc dù, không được đào tạo chuyên ngành Sư phạm, nhưng với vốn kiến thức ít ỏi được học ở trường, Ngọc Tâm đã vẫn dụng vào thực tiễn, cố gắng giảng chậm để các em học sinh hiểu được bài. Tâm không chỉ kèm cặp, dạy thêm các em về môn Toán, môn Văn mà còn bổ sung thêm kiến thức các môn học khác.
Ngọc Tâm tâm sự, các em học sinh chủ yếu học thêm vào 2 ngày cuối tuần. Để việc học của các em cũng như việc dạy không bị xáo trộn, Tâm lên lịch phân chia thời gian dạy cho hợp lý nhất. “
Buổi sáng Tâm dạy cho học sinh cấp I và buổi chiều là học sinh cấp II. Vào thời gian các em được nghỉ hè, số lượng học sinh đến học rất đông, khoảng vài chục em”, Ngọc Tâm cho biết.
Nhờ những nỗ lực và tâm huyết đó, trong số những học sinh theo học tại lớp cô giáo Tâm đã có nhiều em được vào đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh, sau này đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng danh tiếng trong nước. Đó là nguồn động lực giúp Tâm phấn đấu hơn nữa trong việc của những người “lái đò thầm lặng”.
Với Tâm, ước mơ được làm cô giáo đứng trên bục giảng là điều quá xa xỉ nhưng không vì đó mà Tâm cảm thấy buồn. Ngược lại Tâm thấy vui khi được làm cô giáo làng tại nhà.
Tâm chia sẻ: “Không được làm cô giáo đứng trên bục giảng thì mình làm cô giáo tại nhà. Mình dạy học với mục đích giúp đỡ các em nên dạy hoàn toàn miễn phí”.
Đáng chú ý, ngoài công việc dạy học miễn phí tại nhà, những lúc rảnh rỗi Tâm thường sáng tác thơ. Những vần thơ của Tâm chủ yếu viết về cuộc đời, số phận của những người kém may mắn và những bài thơ nói về tình mẫu tử.
Mới đây, để kỷ niệm ngày 20/11 Ngọc Tâm đã sáng tác bài thơ “Nghề giáo biên" nói về công việc hàng ngày của mình như món quà nhỏ tự động viên chính mình.
“Giữa trăm nghề, tôi chọn nghề giáo viên
Bởi tôi yêu tính hồn nhiên trẻ nhỏ.
Dẫu biết rằng chặng đường này rất khó,
Nhưng tôi đi bằng cả trái tim mình.
Tiếng chào cô mỗi sớm bình minh,
Làm tôi thấy cuộc đời mình có ích.
Chẳng phải trong mơ hay trong cổ tích,
Lớp học “5 không” đích thực được hình thành.
Ngọc Tâm Thủy tinh không mặc áo dài xanh,
Không bục giảng kèm bảng đen, phấn trắng.
Tri thức truyền trao cô trò ta cố gắng...
Học làm người có ích cho quê hương”.
Thậm chí ngoài sáng tác thơ, cô giáo Tâm còn viết truyện ngắn được các tạp chí, các báo đăng lại. Số tiền nhuận bút ít ỏi đó Tâm lại để dành đến cuối năm học mua bút, vở tặng các em học sinh có thành tích tốt.
Hỏi về ước mơ Ngọc Tâm chia sẻ điều thật giản dị, cô mong những vần thơ do mình sáng tác được đi đến thật nhiều nơi để được đọc và truyền niềm tin yêu vào cuộc sống tươi đẹp để các bạn có hoàn cảnh như mình thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Ước mơ của Tâm thật chất phác như chính con người cô vậy nhưng lại có sức lan truyền mạnh mẽ. Việc làm của cô giáo Tâm tuy thầm lặng, giản dị nhưng đã tiếp nghị lực sống, chắp ước mơ cho những trẻ em nghèo để tự tin bước vào đời.