Cơ giới hóa được mở rộng, năng suất đạt cao
Nhìn lại sản xuất lúa vụ mùa
Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành và đoàn thể, sự chủ động của nông dân về cơ cấu giống, trà vụ, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, mở rộng diện tích gieo thẳng, qua đó đã góp phần nâng cao năng suất lúa vụ mùa. Đến ngày 15.10, nông dân các địa phương đã hoàn thành thu hoạch hơn 28,4 nghìn ha lúa mùa, năng suất đạt trung bình 59 tạ/ha, cao hơn vụ mùa năm trước 0,5 tạ/ha.
Nông dân huyện Kim Động thu hoạch lúa mùa
Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 27,4 nghìn ha lúa, năng suất bình quân trên 58,8tạ/ha. Trong đó, cơ cấu lúa mùa sớm chiếm 5-10% diện tích, lúa mùa trung chiếm 90 - 95% diện tích gieo cấy, bố trí gieo cấy lúa chất lượng cao từ 19,5 nghìn - 20,5 nghìn ha; phấn đấu hoàn thành toàn bộ diện tích gieo cấy trước ngày 10.7. Để bảo đảm kế hoạch về diện tích và năng suất, công tác chuẩn bị trước và sau gieo cấy lúa được các ngành, địa phương và nông dân thực hiện đúng chỉ đạo của tỉnh về cơ cấu giống và trà vụ. Lịch thời vụ, cơ cấu các giống lúa vụ mùa được kẻ, vẽ tại các bảng tin và niêm yết tại nhà văn hóa của từng thôn, xóm, tại các đại lý, cửa hàng kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nông dân biết, thực hiện. Trước khi thu hoạch lúa xuân, các địa phương đã chỉ đạo nông dân tập trung làm đất kỹ, nhuyễn theo phương châm "gặt đến đâu làm đất ngay đến đó". Bố trí máy làm đất công suất lớn cho cánh đồng lớn, những khu ruộng trũng; máy nhỏ làm đất tại những khu ruộng nhỏ, khu xen kẹt. Đối với chân ruộng có kế hoạch gieo trồng cây vụ đông sớm được bố trí gieo cấy theo lịch của trà lúa mùa sớm. Bước vào thời vụ gieo cấy, nông dân đã thực hiện phương châm “Chiêm hơn xướng, mùa hơn đêm", cấy mạ đúng tuổi, bảo đảm số dảnh và mật độ theo quy trình thâm canh của từng giống. Đồng thời, áp dụng phương pháp gieo thẳng, cấy máy ở chân cao, vàn cao, chủ động tưới, tiêu; qua đó đã giảm chi phí và công lao động, giảm áp lực lao động ở đầu vụ, rải vụ thu hoạch và bố trí trồng cây vụ đông sớm. Các đơn vị thủy nông chủ động phương án bảo đảm cung cấp đủ nước cho làm đất và gieo cấy; điều tiết nước khoa học, hợp lý ngay từ đầu vụ, bảo đảm đúng theo nhu cầu của lúa trong từng giai đoạn phát triển. Sau khi làm đất lần 1, ngành nông nghiệp và các địa phương khuyến cáo nông dân sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý gốc rạ như Sumitri, Tricodecma để gốc rạ nhanh phân hủy, hạn chế bệnh nghẹt rễ, vàng lá sinh lý; trên chân ruộng chua, trũng, sử dụng vôi bột rắc để khử chua, hạn chế rong rêu; sử dụng phân bón hữu cơ sinh học thay thế cho phân chuồng để bón cho vụ mùa...
Với các biện pháp triển khai đồng bộ, nông dân các địa phương đã hoàn thành kế hoạch gieo cấy trong khung thời vụ. Kết thúc gieo cấy, toàn tỉnh gieo cấy được hơn 28,4 nghìn ha, đạt 103,6% kế hoạch, trong đó diện tích cấy đạt hơn 22,1 nghìn ha, diện tích gieo thẳng đạt hơn 6,27 nghìn ha. Cơ cấu trà vụ có sự chuyển biến tích cực; trà sớm gieo cấy được hơn 3,3 nghìn ha, chiếm 11,7%; chủ yếu gieo cấy các giống lúa như Thiên ưu 8, Đài Thơm 8, Hà phát 3… Trà trung gieo cấy được hơn 24,7 nghìn ha, chiếm 81,3%; gieo cấy chủ yếu các giống lúa Thiên ưu 8, VNR20, ADI168, Nếp thơm Hưng Yên, nếp các loại… Cơ cấu giống lúa có sự chuyển biến theo hướng tăng diện tích lúa chất lượng cao; trong tổng số hơn 28,4 nghìn ha, diện tích lúa năng suất gieo cấy được hơn 8,3 nghìn ha, chiếm 29,5% diện tích; gồm nhóm lúa lai, lúa thuần như Hà phát 3, Thiên ưu 8, ADI130, ADI28… Diện tích lúa chất lượng cao gieo cấy được hơn 20 nghìn ha, chiếm 70,5% diện tích, cao hơn năm trước 0,5%; gồm các giống Nếp thơm Hưng Yên, Đài thơm 8, Sơn Lâm 1, TBR279, lúa nếp khác… Với chủ trương mở rộng diện tích gieo cấy lúa Nếp thơm Hưng Yên, ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nên kết quả đạt khá, toàn tỉnh gieo cấy được hơn 3,9 nghìn ha lúa Nếp thơm Hưng Yên, chiếm trên 50,5% diện tích lúa nếp được gieo cấy trong vụ mùa.
Nông dân huyện Tiên Lữ thu hoạch lúa mùa
Sau gieo cấy, nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc như bón phân cân đối, phòng trừ sâu, bệnh theo nguyên tắc “4 đúng” nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, số nhánh hữu hiệu đạt cao. Nông dân đã chủ động hơn trong việc phòng trừ các đối tượng dịch hại, do vậy, các đối tượng sâu, bệnh hại thấp hơn so với năm trước. Sau khi lúa trỗ, thời tiết cơ bản thuận lợi, lúa kết hạt tốt, tỷ lệ hạt chắc cao. Thời điểm cuối tháng 9, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hoàn lưu vùng áp thấp đã gây mưa lớn làm đổ một số diện tích lúa. Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn kiểm tra thực tế và phối hợp với các địa phương chủ động rút nước đệm trong hệ thống kênh mương, bơm tiêu nước kịp thời, khuyến cáo nông dân dựng buộc những diện tích lúa bị đổ nên đã hạn chế ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Thực hiện dự án “Tăng cường khảo nghiệm để phát triển nhanh những giống cây trồng mới phục vụ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025”, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai khảo nghiệm 6 giống lúa, trình diễn 4 giống lúa với quy mô 45ha. Nhìn chung các giống lúa tham gia khảo nghiệm, trình diễn đều sinh trưởng và phát triển tốt; nhiễm sâu, bệnh nhẹ và cho tiềm năng năng suất khá cao, phù hợp với cơ cấu trà vụ của tỉnh như các giống lúa: TBR 225, VNR10, Tiền Hải 1, Dự Hương 8. Ngoài ra, thực hiện dự án “Chọn lọc, duy trì giống gốc Nếp thơm Hưng Yên và phục tráng một số giống lúa chủ lực trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018 - 2022”, Sở đã triển khai thực hiện chọn lọc, duy trì giống gốc 3ha, gồm Nếp thơm Hưng Yên 1,5ha, nếp 415 với diện tích 1,5ha; hợp tác sản xuất giống có bản quyền và sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng được 31ha, trong đó giống lúa Nếp thơm Hưng Yên 23ha, nếp 415 với diện tích 8ha.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, năng suất lúa vụ mùa đạt trung bình 59 tạ/ha, cao hơn vụ lúa mùa năm trước 0,5 tạ/ha. Tỷ lệ gieo cấy lúa áp dụng gieo thẳng, máy cấy, lúa chất lượng cao… đều tăng cao hơn so với vụ mùa năm trước, góp phần nâng cao năng suất; đồng thời tạo điều kiện để tăng cường áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các vụ tiếp theo.