Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở Hòa Vang
Là huyện thuần nông, nên ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã đặt ra mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12,24 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 12,6% thì đến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 43,97 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 0% (theo tiêu chí NTM)...
Trước đây, với 8 sào lúa, mỗi khi bước vào thời vụ, lão nông Nguyễn Thạnh (thôn Dương Lâm, xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) lo “sốt vó”, ngoài việc huy động toàn bộ số lao động trong gia đình, ông còn mượn công của bà con lối xóm và phải mất hàng chục ngày mới kịp thời vụ. Song, những năm gần đây, việc chính quyền các cấp đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nên việc lo công thu hoạch vụ mùa, cày ải đất cho vụ kế tiếp không còn là nỗi lo của ông cũng như nhiều nông dân khác nữa. “Bây giờ, làm nông sướng lắm, chân tay ít lấm bùn, chỉ tốn công phơi lúa. Mỗi vụ thu hoạch, máy gặt đập liên hợp liên tục thả xuống chân ruộng, chỉ vòng quanh mấy lượt rồi tấp sát vào đường bê-tông nội đồng thả xuống các bao lúa căng đầy. Chủ ruộng chỉ biết chạy xe máy ra tận nơi chở về nhà”, ông Thạnh phấn khởi cho biết...
Không chỉ giải phóng đáng kể sức lao động cho nhà nông mà lực lượng cơ giới hóa còn đáp ứng tính khẩn trương của thời vụ, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng nông sản và giảm tổn thất sau thu hoạch. Nếu làm thủ công ở các khâu gặt, tuốt lúa thì chi phí gần 400 ngàn đồng/sào, nay với máy gặt đập liên hợp, cũng chừng đó công việc chỉ tiêu tốn phân nửa, lại giảm tổn thất sau thu hoạch.
Còn gia đình ông Nguyễn Đức Đông (thôn La Bông, xã Hòa Tiến) năm 2017 được TP hỗ trợ 1 máy cuốn rơm, 1 máy kéo và các thiết bị kèm theo trị giá hơn 200 triệu đồng, bằng phương thức đối ứng 50-50, do vậy công việc của gia đình ông Đông giảm đi phần vất vả. Trước đó, gia đình ông phải thuê 4 công lao động ra đồng để cuốn rơm làm nguyên liệu sản xuất nấm và thu được từ 800 - 1.000 bó rơm, nhưng từ khi có máy cuốn rơm và máy kéo thì một mình ông Đông có thể “thu hoạch” gần 3.000 cuộn rơm/ngày, đủ nguyên liệu sản xuất nấm trong vòng 1 năm.
Tương tự, ông Trần Siêng (thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương) với phương thức lao động thủ công, vợ chồng ông phải cật lực khoảng 4 ngày mới hoàn thành các công đoạn xới cỏ, cuốc cày, phơi ải rồi xẻ rãnh gieo trồng các loại rau ăn lá, rau ăn quả trên diện tích 1 sào. Nay, với thiết bị máy làm đất cầm tay, vợ chồng ông chỉ mất vài giờ đã hoàn tất khâu làm đất, gieo trồng, tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí sản xuất...
Xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, những năm gần đây, với sự nỗ lực giúp nông dân giải quyết khó khăn, các ban ngành liên quan đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã giúp người nông dân giải phóng sức lao động, giải quyết vấn đề thời vụ, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, cũng như giảm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở Hòa Vang không phải là việc làm một sớm, một chiều mà đòi hỏi phải có thời gian, nguồn vốn và các chi phí đi kèm; bên cạnh đó, vẫn còn nhiều yếu tố bất cập, đó là đồng ruộng ở một số vùng còn manh mún, địa hình không bằng phẳng, nhiều diện tích nông hộ quá nhỏ, do vậy máy móc đi lại từ đồng này sang đồng kia, từ lô ruộng này sang lô ruộng khác rất khó khăn, thậm chí nhiều lô ruộng xe cơ giới không thể tiếp cận được... Nên chăng, ngoài việc hỗ trợ nông dân hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, Hòa Vang còn phải định hướng cho người dân về lợi ích “dồn điền đổi thửa” để hình thành nhiều cánh đồng mẫu, tạo mối liên kết và hợp tác sản xuất hàng hóa theo hướng phục vụ đô thị.
Có thể nói, việc triển khai hiệu quả chương trình xây dựng NTM gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn H. Hòa Vang đã thực sự tạo ra nhiều giá trị mới. Đó là một nông thôn có diện mạo thay đổi từ những đóng góp tích cực của các chủ thể nông dân mới. Có tư duy mới, có tố chất văn hóa, hiểu biết về kỹ thuật, biết vận dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và có cái nhìn mới về quan hệ xã hội. Vì vậy, khi nông thôn đổi mới, người nông dân cũng đổi đời.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_213528_co-gioi-hoa-san-xuat-nong-nghiep-o-hoa-vang.aspx