Cơ giới hóa trong lâm nghiệp chỉ đạt 30%

Mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điển hình lĩnh vực lâm nghiệp đang có mức độ cơ giới hóa đồng bộ đạt thấp nhất, chỉ khoảng 30%.

Hội thảo trực tuyến Ngành nông nghiệp và cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Hội thảo trực tuyến Ngành nông nghiệp và cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Chiều 15/1, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Italy tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến ngành nông nghiệp và cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam.

Tại đây, các diễn giả đã báo cáo, chia sẻ thông tin về những nghiên cứu, điều tra về các lĩnh vực ngành nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất, thương mại máy móc nông nghiệp tại Việt Nam. Qua đó, giúp các doanh nghiệp cơ khí Italy có thể tìm hiểu kỹ hơn về thị trường Việt Nam.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điển hình lĩnh vực lâm nghiệp đang có mức độ cơ giới hóa đồng bộ đạt thấp nhất, chỉ khoảng 30%. Bởi, sản xuất lâm nghiệp phụ thuộc lớn vào địa hình, điều kiện canh tác. Giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam là cần phải cơ giới hóa đồng bộ.

Ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu của cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030, lĩnh vực lâm nghiệp đạt 50%, trồng trọt đạt 70%, chăn nuôi đạt 60%, sản xuất thủy sản đạt 90%, đánh bắt bảo quản là 95% và diêm nghiệp đạt 90%.

Báo cáo nghiên cứu chỉ ra, thị trường máy móc nông nghiệp ở Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng phải đối mặt với một số thách thức. Hiện tại, thiết bị máy động lực ở Việt Nam còn tụt hậu so với mức thiết bị trung bình ở các nước ASEAN. Các nhà sản xuất trong nước có thị phần tương đối thấp, năng lực sản xuất máy móc trong nước chỉ đáp ứng được 32% nhu cầu thị trường. Thị phần đáng kể trong nhu cầu thị trường được cung ứng bởi các sản phẩm nhập khẩu, chiếm khoảng 60 - 70%.

Ông Fabio De Cillis, Giám đốc Thương vụ Italy tại Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các nhà cung cấp châu Á từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp châu Âu có độ phủ sóng hạn chế trên thị trường Việt Nam. Italy thường giữ vị trí trong số 20 nhà cung cấp hàng đầu máy móc nông nghiệp cho Việt Nam.

Do nhu cầu cao về máy móc nông nghiệp mà việc năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế nên dư địa thực sự vẫn còn đáng kể cho các giải pháp cơ giới hóa và hiện đại hóa. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể tận dụng cơ hội này bằng cách cung cấp các công nghệ tiên tiến, giải pháp phù hợp và máy móc nông nghiệp hiệu quả để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đóng góp vào sự phát triển của ngành tại Việt Nam.

Ông Fabio De Cillis gợi ý, phát triển của nông nghiệp thông minh là một trong những hướng đi trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Italy đóng góp vào việc phát triển các phương pháp canh tác thông minh, với các giải pháp có giá cả phải chăng, thích ứng cao với nhu cầu địa phương của nông dân.

Các doanh nghiệp châu Âu; trong đó, có doanh nghiệp Italia cần tiếp cận thị trường một cách năng động và siêng năng, đánh giá cẩn thận những sản phẩm phù hợp nhất để quảng bá với các khu vực mục tiêu cụ thể. Các doanh nghiệp phải tiến hành nghiên cứu và phân tích thị trường kỹ lưỡng để xác định chiến lược hiệu quả để thâm nhập và mở rộng thị trường tại Việt Nam.

Theo các diễn giả, sự mở cửa trong thương mại quốc tế là động lực hấp dẫn cho công ty châu Âu tham gia hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Hơn nữa, thị trường máy móc và thiết bị nông nghiệp đang tiềm năng sẽ mang lại cơ hội tích cực cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.

Công nghiệp hỗ trợ là một trong những nút thắt của Việt Nam. Qua báo cáo nghiên cứu, ông Phạm Anh Tuấn hi vọng, các doanh nghiệp Italy sẽ có những đầu tư vào mảng này. Qua đó, giúp Việt Nam hòa nhập, tiếp cận công nghệ nhanh hơn, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-gioi-hoa-trong-lam-nghiep-chi-dat-30/321215.html