Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và những vấn đề đặt ra

PTĐT - Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn được coi là yêu cầu cấp thiết, nhất là cơ giới hóa nông nghiệp...

Thanh Sơn đưa cơ giới hóa vào thu hoạch chè giúp nâng cao năng suất lao động.

Thanh Sơn đưa cơ giới hóa vào thu hoạch chè giúp nâng cao năng suất lao động.

PTĐT - Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn được coi là yêu cầu cấp thiết, nhất là cơ giới hóa nông nghiệp, bởi cơ giới hóa không những giải quyết được khâu lao động thủ công, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, đảm bảo khung lịch thời vụ mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, từng bước tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp, giúp nâng cao năng suất giá trị gia tăng của sản phẩm, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp được đẩy mạnh.
Xác định tầm quan trọng đó, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng các chương trình hỗ trợ đưa cơ giới vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt của nông thôn, đời sống của người nông dân được cải thiện và nâng cao.

Thực tế cho thấy, số lượng máy móc và tỷ lệ áp dụng cơ giới trong sản xuất trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng qua các năm. Hiện toàn tỉnh đã có gần 53.500 máy móc các loại, trong đó có 329 máy kéo có công suất 35 mã lực trở lên, trên 1.800 máy kéo có công suất từ 12-35 mã lực (tập trung chủ yếu ở các huyện Hạ Hòa, Phù Ninh, Đoan Hùng); trên 6.800 máy kéo có công suất dưới 12 mã lực trở xuống; trên 2.000 máy tuốt tách hạt có động cơ; gần 11.500 máy phun thuốc trừ sâu có động cơ và một số loại máy móc khác phục vụ sản xuất nông nghiệp... Trước đây, nếu như chưa có cơ giới, mọi khâu sản xuất cơ bản thực hiện thủ công, bằng sức người và sức kéo của gia súc, vừa vất vả mà hiệu quả thu được thấp. Từ khi cơ giới được đưa vào sản xuất, nông nghiệp nông thôn của tỉnh đã có những thay đổi rõ rệt.

Về cây lúa-cây lương thực chủ lực, đến nay, tổng diện tích sản xuất được áp dụng cơ giới trong khâu làm đất chiếm gần 85%, khâu chăm sóc phòng trừ sâu bệnh gần 51%, khâu thu hoạch đạt trên 64%, vận chuyển gần 68%. Đối với cây ngô, cơ giới hóa khâu làm đất trên 77%, khâu chăm sóc phòng trừ sâu bệnh trên 42%. Đối với cây chè, mức độ cơ giới hóa khâu chăm sóc phòng trừ sâu bệnh đạt gần 61%, thu hoạch gần 59%. Trong lĩnh vực chăn nuôi, cơ giới hóa chủ yếu tập trung ở các khâu chuồng trại, vệ sinh cho gia súc, gia cầm; mức độ ứng dụng khâu chuồng trại đạt khoảng 40%, ở khâu vệ sinh thu gom xử lý phế phụ phẩm trên 20%... Đây là một thành công lớn trong việc nâng cao năng suất, giảm tổn thất trong sản xuất nông nghiệp.Tam Nông thuộc vùng đất giữa, địa hình tương đối bằng phẳng, đó là lợi thế của huyện trong việc ứng dụng cơ giới vào sản xuất. Ông Kiều Quốc Phong-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Để đưa cơ giới vào sản xuất, một mặt huyện khuyến khích các HTX, hộ dân mạnh dạn đầu tư mua các loại máy phù hợp để phục vụ sản xuất thông qua việc ban hành cơ chế, hỗ trợ; mặt khác, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ thực hiện dồn đổi ruộng đất, tích tụ đất đai mà huyện xây dựng được các cánh đồng liền vùng, liền thửa, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đây là những điều kiện cần và đủ để thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào sản xuất”.Việc thực hiện cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong sản xuất nông nghiệp giúp giảm được nhiều công lao động, chi phí sản xuất giảm khoảng 10%, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2-3%, trong khi năng suất lại tăng chừng 10-15%. Tuy nhiên, vấn đề cơ giới hóa trong nông nghiệp của tỉnh vẫn còn có mặt hạn chế. Mức độ cơ giới hóa ở một số khâu sản xuất tuy đạt cao nhưng chưa đồng bộ, mới tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch... Máy móc được đầu tư chưa hiện đại, hầu hết là những máy có công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún; dịch vụ sửa chữa, bảo hành, cung ứng phụ tùng thay thế chưa đáp ứng yêu cầu. Trình độ tiếp cận tiến bộ KHKT, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất của nông dân chưa đồng đều, nhất là nơi vùng sâu, vùng xa…

Cánh đồng lớn trong sản xuất lúa áp dụng cơ giới hóa tại xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy.

Cánh đồng lớn trong sản xuất lúa áp dụng cơ giới hóa tại xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy.

Ông Nguyễn Trọng Luyện - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Thủy cho rằng, việc áp dụng cơ giới trong nông nghiệp hiện nay trên địa bàn huyện khá cao, song cũng chỉ phổ biến ở khâu làm đất, thu hoạch, bơm tưới, vận chuyển, chăm sóc phòng trừ dịch bệnh, bởi thực tế, huyện mới chỉ thực hiện dồn điền, đổi thửa ở một vài xã điểm, nên diện tích gieo cấy của các hộ vẫn còn nhỏ lẻ, không tập trung, gây khó cho việc đưa máy móc vào sản xuất. Hơn nữa, nhân lực có trình độ sử dụng phương tiện máy nông nghiệp thiếu và yếu, phần lớn người vận hành máy nông nghiệp không qua đào tạo.Một thực tế hiện nay, mặc dù tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc dồn đổi, tích tụ tập trung đất đai nhưng kết quả thực hiện tại một số địa phương chưa cao. Trong 8 huyện thực hiện dồn đổi thì chỉ có Thanh Ba, Hạ Hòa, Tam Nông triển khai trên diện rộng, còn lại các huyện: Cẩm Khê, Lâm Thao, Thanh Thủy, Thanh Sơn thực hiện điểm ở một hoặc vài xã và cũng chỉ có 4 xã của tỉnh đạt tiêu chí đề ra. Còn các huyện: Đoan Hùng, Phù Ninh, Tân Sơn, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì không có mô hình dồn đổi theo phương án được duyệt mà chỉ có mô hình tích tụ, tập trung đất đai theo hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây lâu năm và đất rừng sản xuất. Rõ ràng khi ruộng đất manh mún, không tập trung thì khó có thể áp dụng máy móc vào sản xuất, hoặc có thì cũng chỉ là những loại máy giản đơn, ít hiện đại. Đây là một trong những nguyên nhân khó phát triển cơ giới hóa.Ông Trần Tú Anh-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: “Cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn là một nội dung quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta đặt ra trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực tiễn đã chứng minh hiệu quả của cơ giới hóa nông nghiệp mang lại, nhưng đến nay việc ứng dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói chung còn nhiều mặt phải bàn. Giải bài toán cơ giới hóa cho nông nghiệp là việc làm đòi hỏi phải có thời gian, bởi vấn đề này không chỉ liên quan đến vốn, nhân lực và các chính sách ưu tiên, hỗ trợ mà còn cả điều kiện về hệ thống hạ tầng…”.Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục tập trung củng cố, vận hành có hiệu quả số lượng máy móc hiện có của tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp; tiếp tục có những cơ chế chính sách hỗ trợ về vốn để khuyến khích chủ thể sản xuất đầu tư nguồn lực cho cơ giới; nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác dịch vụ cơ khí nông nghiệp; phát triển hình thức sản xuất liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nông thôn, giao thông và thủy lợi nội đồng; đẩy mạnh thực hiện dồn đổi, tích tụ tập trung đất đai, tạo vùng sản xuất tập trung, kết hợp giữa kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất với cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất...

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202005/co-gioi-hoa-trong-san-xuat-nong-nghiep-va-nhung-van-de-dat-ra-171000