Cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất

Cùng với việc lựa chọn các giống mới, năng suất cao, những năm gần đây, nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giải phóng sức lao động. Nhờ đó, năng suất, chất lượng cây trồng được nâng cao, thu nhập của các hộ sản xuất nông nghiệp cũng được cải thiện. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước thì mức độ đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn hạn chế.

Nông dân bản Nà Lìu 2, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên đầu tư máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa.

Nông dân bản Nà Lìu 2, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên đầu tư máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa.

Yên Châu là một trong những địa phương đi đầu trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm qua, huyện đã khuyến khích HTX, hộ dân đầu tư mua các loại máy để phục vụ sản xuất, như máy cày, hệ thống tưới tự động, tưới phun sương cho rau, cây ăn quả; hỗ trợ kinh phí thực hiện khâu chế biến, bảo quản nông sản...

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu chia sẻ: Trước kia, chúng tôi phải bỏ nhiều công chăm sóc, lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Năm 2019, HTX đã đầu tư hệ thống tưới tự động, áp dụng bộ cảm biến kiểm soát, giám sát 24/24 giờ các chỉ tiêu môi trường liên quan, cảnh báo các chỉ số về yếu tố tự nhiên và kết nối qua “app” trên điện thoại thông minh, từ đó có thể điều chỉnh chế độ tưới kết hợp bổ sung dinh dưỡng kịp thời theo nhu cầu của cây. Nhờ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm mận của HTX tăng khoảng 30% so với trước đây. Thu nhập của các thành viên ngày càng tăng lên, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động địa phương với mức tiền công khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Thực tế cho thấy, cơ giới hóa đồng bộ đang trở thành chìa khóa để nâng cao năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Từ việc giảm chi phí, khi sử dụng máy móc cơ giới nâng cao lợi nhuận lên 15-20% so với làm thủ công trước đây. Điều quan trọng là việc đưa máy móc cơ giới vào sản xuất đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động thời vụ tại khu vực nông thôn do xu hướng chuyển dịch sang làm công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ.

Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa tại địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Có tới 70% khối lượng công việc vẫn phải thực hiện thủ công. Ông Lại Hữu Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu, cho biết: Do địa bàn chủ yếu là đồi núi, đất sản xuất cách xa nhau, rải rác. Cùng với đó, giao thông đi lại tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều trở ngại nên việc vận chuyển máy móc đến nơi sản xuất gặp khó khăn. Kinh phí để mua máy móc phục vụ cho sản xuất cao nên việc đầu tư còn hạn chế; người dân chưa có kinh nghiệm trong việc lựa chọn, sử dụng cũng như sửa chữa máy móc.

Không chỉ riêng huyện Yên Châu, hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng cơ giới hóa. Anh Vũ Anh Minh, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, cho biết: HTX có 13 thành viên, thâm canh 36 ha nhãn, xoài, bưởi. Để giảm sức lao động thủ công, năm 2020, chúng tôi đã đầu tư 50 triệu đồng/ha lắp đặt hệ thống tưới điều khiển từ xa cho 4 ha nhãn; mua máy cắt cỏ và đầu tư máy nổ để phục vụ phun thuốc bảo vệ thực vật. Các khâu bón phân, thu hái, chăm sóc vẫn hoàn toàn thủ công. Nguyên nhân do việc đầu tư cơ giới hóa đòi hỏi chi phí lớn trong khi nguồn lực của HTX còn nhiều khó khăn; nhiều thành viên tuổi cao khiến việc tiếp cận với kỹ thuật số còn hạn chế.

Thực tế hiện nay, việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của tỉnh mới tập trung ở các khâu chủ yếu như: Làm đất, thu hoạch, vận chuyển. Trong đó, khâu làm đất cơ bản đối với 100% diện tích mía, chè; trên 50% đối với một số cây trồng như: lúa, sắn, ngô, cà phê; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật đối với lúa và các cây trồng khác đạt trên 40%. Ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng: hoa, nấm, cà phê, chè, mía, rau các loại, cây ăn quả; nhà lưới, nhà kính trong sản xuất: hoa, rau các loại. Trong khi đó, đối với cây lúa, khâu gieo cấy được xem là khâu quan trọng, quyết định cho việc tăng năng suất, sản lượng thì tỷ lệ áp dụng chưa cao; khâu thu hoạch đối với chè chiếm trên 80% (sử dụng máy cắt chè), lúa chiếm 10%; đối với cây ăn quả, khâu thu hoạch vẫn hoàn toàn thủ công...

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thông tin: Ngành đã tham mưu cho tỉnh lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, cùng với các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân tiếp tục chuyển đổi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo...

Những lợi ích thiết thực của cơ giới hóa đã được khẳng định qua thực tế sản xuất, song để hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại thì việc thực hiện cơ giới hóa cần thực hiện đồng bộ, tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX, cá nhân vào địa bàn đầu tư phát triển cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tạo điều kiện phát triển nông nghiệp trên địa bàn theo quy mô hàng hóa, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/co-gioi-hoa-va-ung-dung-cong-nghe-thong-minh-vao-san-xuat-53739