Có hai ca khúc phổ bài thơ 'Thời hoa đỏ'
Lâu nay, những người yêu âm nhạc đều biết rõ và dành nhiều cảm tình cho ca khúc 'Thời hoa đỏ' của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng, phổ bài thơ cùng tên của nhà thơ Thanh Tùng. Những ngày gần đây, tôi, người viết bài này cầm đàn hát bài hát 'Thời hoa đỏ' của một tác giả khác dưới cái tên Nguyễn Đăng Vũ cũng phổ bài thơ này rồi đưa clip lên trang Facebook của mình.
Tuy giọng hát của tôi không được khá lắm, nhưng tôi cố gắng hát đúng theo bản nhạc của tác giả. Sau đó, bạn bè Facebook của tôi xôn xao hỏi đủ thứ về tác giả, về chuyện bài hát của Nguyễn Đình Bảng có trước hay bài của Nguyễn Đăng Vũ có trước, thời gian ra đời của mỗi bài hát ấy từ khi nào? Có người giàu trí tưởng tượng lại đẩy câu chuyện đi xa hơn, nghĩ đến bản quyền này nọ…Tôi cũng phải trả lời khá nhiều về câu chuyện này, cả trên comment, cả qua điện thoại và nhất là mỗi khi gặp gỡ…
Nay tôi xin thưa chuyện này một lần cho rõ. Chả là tôi và Nguyễn Đăng Vũ cùng theo học hệ Sau đại học, ngành văn học tại Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội vào những năm 1987-1990. Vũ học trước tôi một lớp. Ngày ấy, phong trào văn nghệ của Khoa Ngữ văn rất mạnh, chủ yếu là các bạn sinh viên. Tuy nhiên, để tăng cường lực lượng thêm hùng hậu, các thầy trong khoa vận động các anh/chị (có khi được các em sinh viên gọi là cô/chú) sau đại học tham gia cùng. Riêng trong hệ Sau đại học (sau này mới gọi là Cao học), chúng tôi có một nhóm bạn làm văn nghệ tương đối độc lập, gặp gỡ nhau thường xuyên, tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt văn nghệ (chủ yếu là do phần lớn mọi người ở trong ký túc xá của trường nên có nhiều thời gian rỗi). Có khi tổ chức đêm thơ. Khi khác là đêm hát. Có khi lại là đêm khiêu vũ…
Chúng tôi cùng mấy cây thơ và giọng hát sinh viên đi tham gia CLB thơ sinh viên của một số trường đại học nổi tiếng lúc bấy giờ: Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Mỏ địa chất… Trong CLB thơ của Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội ngày đó, nổi lên trong giới sinh viên những gương mặt Kim Anh, Trúc Anh, Ngân Hoa. Và cũng nổi lên trong cánh sau đại học là Thế Sinh, Châu Hồng Thủy, Chu Văn Sơn, Nguyễn Đăng Vũ, Trương Thị Nhàn, Nguyễn Cư và nhiều người khác. Lại có thêm nhà thơ nổi danh lúc bấy giờ tuy đang dạy trên Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (Xuân Hòa) nhưng gia đình lại ở tại khu tập thể của trường cũng tham gia cùng…
Kể dài dòng một chút như vậy để muốn nói rằng cái không khí văn nghệ ngày đó ở Hà Nội nói chung và trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng lúc nào cũng được duy trì, được nuôi dưỡng cảm xúc và tỏa sáng. Bài hát phổ nhạc thơ Thanh Tùng mang tên “Thời hoa đỏ” của Nguyễn Đăng Vũ ra đời trong cái không gian văn chương và âm nhạc đó. Thời gian chính xác mà tác giả Nguyễn Đăng Vũ sáng tác bài hát này được ghi trong bản nhạc là “Hà Nội, cuối tháng 5, đầu tháng 6/1987”.
Ngày đó, mấy đứa chúng tôi gồm cả nam và nữ thỉnh thoảng hay hát một số bài của các nhạc sĩ được yêu thích, và cả những ca khúc do chính chúng tôi sáng tác, trong đó có bài hát này. Chúng tôi hát say sưa, lòng rất ngưỡng mộ tác giả Nguyễn Đăng Vũ và nhà thơ Thanh Tùng. Bài hát được cất lên với giai điệu như cắt cứa, day dứt, hoài nhớ về những tháng ngày tuổi trẻ đã qua, những cảm xúc của tuổi cấp ba, tuổi sinh viên nhiều mộng mơ nhưng cũng lắm dại khờ, vấp ngã… Lúc bấy giờ, nhiều sinh viên Trường Sư phạm, nhất là sinh viên văn khoa hầu như đều biết bài hát “Thời hoa đỏ” của Nguyễn Đăng Vũ.
Năm 1989, cánh sau đại học kẻ trước người sau ra trường, tỏa về mọi miền Tổ quốc làm nghề dạy học. Riêng Nguyễn Đăng Vũ về Quảng Ngãi quê anh rồi đầu quân cho Sở Văn hóa trong tư cách nghiên cứu viên. Do gánh nặng mưu sinh và công việc cuốn đi, cộng với ngày ấy thông tin đang còn rất khó khăn, không dễ liên lạc như bây giờ, chúng tôi bặt tin nhau một thời gian rất dài, những tưởng lạc nhau mãi mãi…
Tôi nhớ, quãng năm 1989 - 1990, vào một buổi chiều, đang đạp xe từ Bờ Hồ về Cầu Giấy, nơi tôi đang công tác tại Học viện Báo chí và tuyên truyền, bỗng nghe thấy bài hát “Thời hoa đỏ” vang lên trên loa công cộng. Tôi ngờ ngợ, cho xe chậm lại. Tôi dừng xe sát mép đường dưới chân cột điện để nghe trọn vẹn bài hát, lòng dâng nên nhiều nỗi niềm xao động. Đó là “Thời hoa đỏ” của Nguyễn Đình Bảng. Bài hát này ra đời đã ngay lập tức chiếm trọn cảm tình của những người yêu âm nhạc. Khắc khoải. Da diết. Hoài niệm. Buồn mà sáng, không bi lụy. Lại được những giọng hát nổi tiếng lúc bấy giờ thể hiện như Lệ Thu, Đức Long, Thái Bảo, nên bài hát mau chóng vang xa.
Tôi không phải là người chuyên tâm lĩnh vực âm nhạc. Phàm những ai thích đàn hát thường phải có hội đoàn. Trong khi đó, cái nhóm của chúng tôi giờ đã “tan đàn xẻ nghé”. Tôi cũng ít cầm đàn, ít hát đi. Bài hát “Thời hoa đỏ” của Nguyễn Đăng Vũ cũng chẳng mấy khi được hát lại. Trong khi đó, bài của Nguyễn Đình Bảng thấy nơi nơi: Trên tivi, trên sân khấu, trong các giảng đường, trong những đêm hội diễn... Bài hát của Vũ chìm khuất dần như một hoài nhớ xa xôi.
Khoảng dăm bẩy năm trở lại đây mới sẵn điện thoại di động, email, Facebook… Chúng tôi dần dần theo những cách nào đó lại tìm đến/thấy nhau. Lắm khi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm thời sau đại học. Trong những lúc “mây chiều gió sớm”, tôi bỗng nhớ một số bài hát mà chúng tôi hay hát thời đó, trong đó có ca khúc này của Vũ. Tôi gọi điện bảo Vũ chịu khó tìm lại bản nhạc bài hát ấy, bây giờ tôi cũng chỉ nhớ lơ mơ thôi... Nói thì nói vậy, nhưng chờ mãi cũng không thấy Vũ thông tin gì. Vừa rồi, vào một ngày đẹp trời bỗng Nguyễn Đăng Vũ gọi điện cho tôi khoe đã tìm ra bản nhạc bài hát này và một số bài hát khác của anh và bạn bè sáng tác, rồi anh chụp lại gửi cho tôi. Mừng quá… Tôi cầm đàn, đọc lại bản nhạc, rất nhanh lấy lại giai điệu bài hát của Vũ. Hát lên để nhớ về bạn bè thuở ấy…
Bây giờ, bình tĩnh lại mới tra tài liệu về bài hát “Thời hoa đỏ” của Nguyễn Đình Bảng thì thấy bài hát ra đời vào năm 1989, trong những ngày anh đi dự trại sáng tác bên Liên Xô lúc bấy giờ. Chuyện này anh đã nói trong bài "Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng: Trải lòng về “Thời hoa đỏ”" (của nhà báo Thảo Duyên, đăng trên Văn nghệ công an).
Cả hai bài hát của Nguyễn Đăng Vũ và Nguyễn Đình Bảng đều soạn cho giọng chủ là giọng thứ với sắc thái chậm rãi, da diết. Do dẫn dắt và gợi ý của lời thơ, một số câu nhạc ở phần đầu trong hai bài hát khá giống nhau về giai điệu và tiết tấu. Càng về sau, cách xử lý của bản Nguyễn Đăng Vũ và bản của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng càng khác nhau: Bản của Vũ đau đớn, tê tái hơn; bản của Nguyễn Đình Bảng da diết, khắc khoải, thanh thoát hơn; bản Vũ có sử dụng một quãng trưởng rồi trở về thứ; bản của Nguyễn Đình Bảng giữ giọng thứ toàn bài… Mỗi một bài hát tuy có đôi chỗ gặp gỡ nhau nhưng do xử lý kỹ thuật và mỹ cảm có phần khác nhau nên đã tạo ra những hiệu quả nghệ thuật khác nhau, và nhờ đó, mang những vẻ đẹp khác nhau.
Khi tôi đưa bài hát của Vũ do tôi hát lên Facebook, nhà thơ Văn Công Hùng (vốn là bạn Đại học Tổng hợp Huế cùng với Nguyễn Đăng Vũ ngày trước) có comment và “gọi” chị Lan Hương, con gái nhà thơ Thanh Tùng vào nghe. Chị rất vui và có lời comment với tôi rằng: “Em vừa nghe ạ, bố em nói thơ là nhạc, trong thơ có nhạc. Giai điệu bài hát và ca từ thể hiện rất hay ạ!”.
Kể thêm một chi tiết vui vui. Trong bản nhạc của Nguyễn Đăng Vũ, ở phần kết, anh thêm một câu nhạc với ca từ: “Ơi màu hoa quê hương với muôn vàn yêu thương” hơi bị lạc điệu so với toàn bài. Tôi hiểu, ngày đó do chúng tôi được dạy dỗ quá kỹ về tinh thần “yêu, căm, chiến, lạc” trong văn nghệ, nên khi bài hát đã dừng được rồi, anh lại cố thêm câu kết ấy để “yên tâm”… Khi hát, tôi đã bỏ hẳn câu cuối này, và kết thúc ở câu: “Không có anh trong bài hát ấy/Chẳng buồn đâu mà chỉ tiếc thay/Em không đi trọn những ngày đắm say”...
Vâng, nhà thơ Thanh Tùng nói đúng. Cái hay của bài thơ này vốn đã tràn đầy nhạc tính đến nỗi ai đọc nó cũng muốn ngân nga lên một giai điệu nào đó. Nếu ai được nghe cả hai bài hát này sẽ hiểu ra đó là sự kỳ diệu của thơ ca, đó còn là những cảm nhận giai điệu sâu sắc và tinh tế của hai tác giả; đồng thời cũng thấy cái cách xử lý của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng, muốn nói gì thì nói vẫn chắc tay hơn. Thì một tay viết nhạc tài tử và một người làm nhạc chuyên nghiệp không khác nhau mới lạ! Với riêng tôi, tôi yêu cả hai bài hát này…
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/co-hai-ca-khuc-pho-bai-tho-thoi-hoa-do-i687792/