Có 'hãm' được giá chung cư?

Thời gian này, giá căn hộ chung cư ở Hà Nội tăng cao, đẩy giá thuê nhà cũng như giá nhà trong ngõ cùng tăng. Nhu cầu nhà ở vốn luôn là cấp thiết với người dân, tuy nhiên giá nhà quá cao khiến mơ ước có một căn nhà càng lùi xa.

Tại khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), giá cho thuê căn hộ diện tích 70m2 khoảng 8 - 9 triệu đồng, tăng 20% so với thời điểm giữa năm 2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

Tại khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), giá cho thuê căn hộ diện tích 70m2 khoảng 8 - 9 triệu đồng, tăng 20% so với thời điểm giữa năm 2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

Một khảo sát của Công ty Avison Young Việt Nam cho rằng, trong vòng 5 năm (2019 - 2023), chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập hộ gia đình Việt Nam tăng 19,5%. Bên cạnh đó, lãi vay cũng không dễ chịu khiến việc mua nhà đã khó lại thêm khó hơn.

Giá căn hộ chung cư tăng mạnh

Kết quả khảo sát của Savill Việt Nam với riêng Hà Nội cho thấy, nhu cầu nhà ở vẫn rất cao. Dự báo đến năm 2025, thành phố có thêm khoảng 157.000 hộ gia đình. Tuy nhiên, nguồn cung tương lai chỉ bao gồm 59.000 căn hộ các hạng; 9.000 nhà ở thấp tầng và 18.700 nhà ở xã hội dự kiến mở bán. Do đó, sẽ thiếu hụt khoảng 70.300 nhà ở. Xét về tương quan (giai đoạn 2019-2023), mức tăng trung bình thu nhập của người dân Hà Nội là 6%/năm, nhưng mức tăng giá căn hộ là 13%/năm.

Từ sau Tết Nguyên đán 2024 đến nay, căn hộ chung cư tăng giá không ngừng nghỉ. Một tiểu thương ở Mễ Trì (Hà Nội) cho biết, trước Tết, vợ chồng họ tìm mua căn hộ 2 phòng ngủ, 2 phòng vệ sinh tại tòa 32T, đơn nguyên C thuộc The Golden An Khánh (Hoài Đức), khi đó mặt bằng giá cho loại căn hộ này là 2,1 - 2,2 tỷ đồng/căn. Tuy nhiên, chỉ hơn 2 tháng sau các căn chung cư ở đây đều có giá từ 2,4 - 2,6 tỷ đồng/căn.

Một vài dẫn chứng khác: Dự án The Nine nằm trên trục đường Phạm Văn Đồng, giá giao dịch hiện tại chạm mức 75-80 triệu đồng/m2. Trước đó, thời điểm mở bán tháng 7/2020, giá bán ở mức 40 - 55 triệu đồng/m2. Tại Vinhomes Smart City, các tòa thuộc phân khu S, GS tiếp tục tăng từ 100 - 200 triệu đồng/căn so với cuối năm 2023. Thời điểm mở bán vào các năm 2018 - 2020, dòng sản phẩm này chỉ có mức giá 35-45 triệu đồng/m2 thì giá thị trường hiện tại giao dịch là 55 - 65 triệu đồng/m2. Các dự án Home City, Central Field nằm trên địa bàn phường Trung Kính (Cầu Giấy) cũng tăng trung bình 150 - 200 triệu đồng/căn so với cuối năm ngoái.

Việc lên giá căn hộ chung cư quá nhanh khiến nhiều người Hà Nội “bật ngửa”, không kịp trở tay. Trong khi đó, nhiều ý kiến còn khẳng định, trong năm 2024, giá căn hộ chung cư ở Hà Nội tiếp tục tăng do nguồn cung khan hiếm.

Cuộc “săn lùng” nhà trong ngõ

Dữ liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho hay, trong 3 năm qua, bình quân mỗi năm, giá căn hộ tăng trưởng 2 chữ số. Từ đó kéo theo giá thuê căn hộ tăng, nhất là ở loại nhà studio (căn hộ 1 phòng ngủ) với tỷ suất lợi nhuận cao hơn gấp đôi so với những căn hộ có diện tích lớn hơn. Tại quận Long Biên, căn hộ studio đang được cho thuê với mức giá 7 - 8 triệu đồng/tháng, đã tăng thêm hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Căn hộ 2 phòng ngủ, đầy đủ nội thất có mức giá cao hơn, khoảng 10 - 11 triệu đồng/tháng; có nghĩa là tăng 10%. Dự án Greenbay Mễ Trì (Nam Từ Liêm), căn hộ studio đầy đủ nội thất hiện được rao thuê với giá khoảng 10 triệu đồng, căn 2 phòng ngủ dao động 14 - 16 triệu đồng, tăng khoảng hơn 15% so với cùng kỳ.

Giá tăng cao khiến việc mua căn hộ chung cư, thuê căn hộ khó khăn, nhiều người đã đổ xô tìm mua nhà trong ngõ, tuy nhiên giá cũng rất “chát”.

Một người mới mua căn nhà 40m2, đã xây 3 tầng trong một con ngõ hẹp ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, anh đã phải trả 3,5 tỷ đồng cho căn hộ này, mức giá này cao hơn 3 tháng trước 500 triệu đồng.

Trong khi đó, một môi giới BĐS cho biết, hơn 1 tháng qua rất nhiều người ráo riết tìm mua những căn hộ cũ trong ngõ, từ 30m2 đến 45m3, với giá từ 3 tỷ đồng đến hơn 4,2 tỷ đồng. Những địa chỉ được “săn lùng” nhiều nhất là các ngõ thuộc khu vực các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa...

Vì sao giá nhà tăng mạnh?

Nêu nguyên nhân giá nhà tăng cao, nhiều ý kiến cho rằng, có nhiều nguyên nhân. Trong đó có thể kể ra những nguyên nhân “rất cũ”, như số người có nhu cầu nhà ở tăng mạnh, lượng cung hạn chế, phân khúc nhà ở giá bình dân đã vắng bóng hoàn toàn (trên dưới 25 triệu đồng/m2)... Tuy nhiên, một nguyên nhân “rất thời sự” và bất ngờ, đó là giá vàng tăng “dựng đứng” trong suốt mấy tháng qua.

Giá vàng phi mã và tăng liên tiếp thời gian qua được xác định là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá nhà lên cao. Đã nhiều năm, việc mua bán của người Hà Nội ít lấy giá vàng để đối chiếu, nhưng nay việc đó đã quay trở lại. Nhiều chủ nhà đã ra giá bằng vàng, thay vì bằng tiền.

Mới đây, Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu các Cục Thuế địa phương tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý. Theo đó yêu cầu các Cục Thuế chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề xuất các phương án, giải pháp phối hợp với các sở, ban, ngành để tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý. Cùng đó phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan để thực hiện quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh vàng bạc, đá quý, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế.

Trước đó, Công điện số 1426 ngày 27/12/2023 của Chính phủ cũng đã chỉ đạo các giải pháp quản lý thị trường vàng. Công văn số 03 ngày 19/1/2024 của Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh tăng cường kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu mặt hàng vàng.

Như vậy, để “kéo” giá BĐS ở Hà Nội cũng như nhiều đô thị trên cả nước giảm, cần nhiều giải pháp mang tính tổng thể. Tuy nhiên, trong lúc thanh khoản BĐS chưa ấm lên nhưng giá BĐS lại tăng mạnh thì rất cần có giải pháp nóng, không thể chờ BĐS tự hạ nhiệt.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/co-ham-duoc-gia-chung-cu-10275185.html