Có hay không chuyện hãng tàu lạm thu phụ phí nhiên liêụCó hay không chuyện hãng tàu lạm thu phụ phí nhiên liệu

Dù còn hơn một tuần nữa mới đến thời điểm các tàu biển phải dùng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh ở mức 0,5% để thay thế cho loại dầu có hàm lượng lưu huỳnh 3,5% nhưng từ tháng 11 nhiều hãng tàu đã thu phụ phí từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

 Từ 1-1-2020 tàu biển sẽ phải chuyển sang dùng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh ở mức 0,5%, kéo theo cước phí cũng tăng - Ảnh: Lê Anh

Từ 1-1-2020 tàu biển sẽ phải chuyển sang dùng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh ở mức 0,5%, kéo theo cước phí cũng tăng - Ảnh: Lê Anh

Theo phản ánh từ một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), từ tháng 11, một số hãng tàu đã thông báo thu phụ phí nhiên liệu (Low Sulphur Surcharge - LSS).

Thông thường, phụ phí LSS được áp dụng tại cảng bốc hàng, tuy nhiên các chủ hàng (shipper) gửi hàng từ Việt Nam đi nước ngoài đã và đang đóng các phí này cho các hãng tàu. Thậm chí, có một số hãng tàu tuyến Trung Quốc về Việt Nam thu cả phụ phí LSS tại cảng đích (nơi nhận hàng).

Không chỉ đóng phụ phí LSS tại cảng bốc hàng và cảng nhận hàng, các chủ gom hàng tại Việt Nam, lại thu phí LSS từ nhà nhập khẩu Việt Nam để hoàn trả lại cho đại lý tại Trung Quốc.

Một số doanh nghiệp cho rằng, việc thu phí LSS tại cảng đích như vậy là sai nguyên tắc vì LSS là phụ phí phát sinh ở cảng đi và phải được trả bởi các chủ hàng chứ không phải nhà nhập khẩu. Điều này đã làm tăng chi phí và gánh nặng cho nhà nhập khẩu của Việt Nam.

Việc thu phí LSS tại Việt Nam để trả lại cho đại lý bằng hình thức phát hành hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) 10%, như vậy phụ phí này đang được xem như phí tại địa phương (local charge) nên đã làm phát sinh doanh thu đối với doanh nghiệp phát hành hóa đơn, dẫn đến phát sinh thuế.

Phía VLA cho rằng phụ phí này là một phần của tiền cước, ai trả cước thì người đó phải trả phụ phí này, bất kể là cước trả trước hay trả sau.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết, hiện tại các hãng tàu vẫn tiếp tục thu phụ phí LSS. VLA cùng các doanh nghiệp đang đấu tranh để các hãng tàu không lạm thu phụ phí LSS. Đồng thời, doanh nghiệp cần tư vấn cho khách hàng khi ký hợp đồng mua bán hàng hóa thì quy định phụ phí này do ai trả để ghi rõ lên vận đơn, tạo cơ sở pháp lý để xác định ai phải trả phụ phí LSS.

Hiện tại, các hãng tàu đã thông báo đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu về việc sẽ thu thêm phụ phí nhiên liệu từ đầu năm 2020. Mức thu giao động từ 35 đến 80 đô la Mỹ/ container 20 feet và từ 70-160 đô la/container 40 feet tùy theo khu vực.

Theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), từ ngày 1-1-2020, các tàu biển phải dùng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp ở mức 0,5% như dầu MGO (marine gasoil) để thay thế cho loại dầu nặng (bunker) có hàm lượng lưu huỳnh 3,5% đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Việc chuyển đổi này nhằm giảm lượng khí thải sulfur-dioxide (SO2) trong hoạt động vận tải biển vì hiện nay ngành này chiếm 13% lượng phát thải SO2 toàn cầu mỗi năm.

Lê Anh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/298595/co-hay-khong-chuyen-hang-tau-lam-thu-phu-phi-nhien-lieu.html