Có hay không có xe tăng, Ukraine vẫn có thể sắp bước vào giai đoạn leo thang mới
Để đối phó với các cuộc tấn công, Ukraine muốn có thêm các phương tiện chiến đấu trên không - mặt đất hiện đại, nhưng khí tài không phải là tất cả.
Việc Mỹ và NATO đồng ý cung cấp xe tăng chiến đấu Abrams và Leopard II cho Ukraine trong xung đột với Nga dường như là một diễn biến logic, theo sau những gì đã diễn ra trong gần một năm qua. Tuy nhiên, khác với những dự đoán ban đầu rằng xung đột có thể kết thúc với thỏa thuận hoặc kết quả nghiêng về một trong hai bên, các cuộc giao tranh hiện tại giữa lực lượng Nga và Ukraine cho thấy cuộc chiến có thể tiếp tục kéo dài, thậm chí leo thang.
Các yếu tố ảnh hưởng
Theo National Interest, hiện Nga vẫn đang duy trì phòng tuyến dài 1.300 km và được dự đoán sẽ triển khai một đợt tấn công lớn trong năm nay. Để đối phó với các cuộc tấn công, Ukraine muốn có thêm vũ khí chiến đấu đối không – đối đất hiện đại, bao gồm xe tăng chiến đấu, các phương tiện bọc thép, pháo tầm xa, các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, hơn nữa là những người đã được đào tạo để có thể sử dụng hiệu quả những vũ khí này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stolenberg hôm 25/1 đã thông báo Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 31 xe tăng Abrams, “mở đường” cho Đức, Ba Lan và các thành viên NATO khác gửi hàng trăm xe tăng Leopard cho Kiev.
Nhưng theo các chuyên gia trên National Interest - giáo sư khoa học chính trị Stephen Cimbala tại trường đại học Penn State, Brandywine, Mỹ và nhà nghiên cứu Lawrence Korb tại trung tâm American Progress, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng - dù số xe tăng đó có được gửi đến hay không, Ukraine cũng có thể sắp bước vào giai đoạn leo thang mới. Nhất là trong chiến tranh, khí tài không phải là tất cả.
“Vấn đề leo thang trong thời chiến bao gồm ít nhất hai khía cạnh: quân sự-kĩ thuật và chính trị-tâm lý”, các chuyên gia nói.
Theo đó, phần quân sự-kĩ thuật là phần thực hiện các cuộc chiến và những gì cần thiết để làm điều đó: binh lính, thiết bị, đạn dược, chỉ huy, kiểm soát, giao tiếp, tình báo, v.v... Chỉ riêng phần này đã đủ phức tạp, khiến không nhiều cuộc chiến có thể diễn ra theo kế hoạch. Thay vào đó, trên chiến trường, phần lớn luôn là sự hỗn loạn và không chắc chắn.
Phần chính trị - tâm lý càng phức tạp hơn, thể hiện theo hai cách. Thứ nhất, quan điểm và những kỳ vọng của các lãnh đạo chính trị cũng như các cố vấn quân sự cấp cao; thứ hai, quan điểm của các lực lượng chính trị lớn ở mỗi nước, bao gồm tầng lớp tinh hoa có ảnh hưởng và các bộ phận công chúng.
Đối với khía cạnh này, một xung đột quân sự kéo dài có thể đã ảnh hưởng đến cả Nga và Ukraine. Nga, mất thời gian dài để dành kiểm soát các khu vực, đi kèm những chi phí của cuộc chiến, có thể chần chừ trong việc tiếp tục triển khai thêm nguồn lực và lực lượng dự bị trong khi chưa đạt được thêm những kết quả đáng kể trên chiến trường. Đối với Ukraine, việc tiếp tục kháng cự với những kết quả suýt soát có thể khiến Tổng thống Volodymyr Zelensky và các cố vấn tin rằng càng có thêm các trang bị quân sự hiện đại từ NATO, cùng với các hỗ trợ khác như thông tin tình báo, huấn luyện, hậu cần và các hệ thống chỉ huy-kiểm soát, họ sẽ càng có khả năng phản công và lấy lại kiểm soát các phần lãnh thổ lớn hơn.
Các kịch bản leo thang
Tiếp tục trong tương lai, có thể có ít nhất hai kịch bản leo thang ở Ukraine: cả theo chiều dọc và chiều ngang. Chiều dọc sẽ bao gồm việc sử dụng nhiều vũ khí lớn và có tác dụng sát thương lớn hơn, trong trường hợp xấu nhất là vũ khí hạt nhân chiến thuật tầm ngắn hoặc tầm trung. Chiều ngang sẽ là sự mở rộng xung đột sang các nước khác, bao gồm một số thành viên NATO.
Từ quan điểm của Nga, NATO đã và đang tham gia cuộc chiến ủy nhiệm chống lại nước này, với các xe tăng và huấn luyện viên được triển khai đến Ukraine như một biểu tượng.
Ngoài chiều dọc và chiều ngang, Nga hoặc NATO cũng có thể tham gia vào một diễn biến leo thang điện tử. Ví dụ cho kịch bản này sẽ là các cuộc tấn công mạng quy mô lớn của một bên vào quân đội, kinh tế hoặc các tài sản xã hội của bên còn lại. Các cường quốc có khả năng thăm dò mạng máy tính quân và dân sự của các nước khác, và trong thời chiến, những nỗ lực hung hăng hơn nhằm ăn cắp các bí mật hoặc cài cắm những chương trình tự động có sức mạnh hủy diệt có thể được thực hiện. Khi một bên cảm thấy mình đang thua, họ có thể muốn tìm đến chiến tranh điện tử để tìm cách bù đắp thiệt hại.
Một ví dụ khác cho kịch bản leo thang này có thể là việc sử dụng máy bay không người lái vào mục đích tấn công hoặc phòng thủ nhiều hơn, đôi khi thậm chí là nhắm vào các cá nhân hoặc tài sản cụ thể. Hiện cả Nga và Ukraine đều đã sử dụng máy bay không người lái để trinh sát, chỉ huy và công kích.
Trong kịch bản tồi tệ nhất, những leo thang này có thể dẫn đến các cuộc tấn công vào dân thường hoặc khủng bố. Hiện cả Nga vào Ukraine đều phủ nhận tấn công các mục tiêu dân sự và cáo buộc đối phương làm điều này, song dù các cuộc tấn công có chủ ý hay không, thương vong vẫn có thể xảy ra chừng nào cuộc chiến còn kéo dài.