Có hay không lỗ hổng pháp lý trong quản lý sữa?
Chiều 16.4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Có nội dung đã “nợ” hơn 10 năm
Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình cho biết, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động đưa nội dung giám sát văn bản quy phạm pháp luật vào chương trình công tác hằng năm và công tác hằng tháng, qua đó chỉ ra những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế của công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2024 của các cơ quan chức năng.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát ghi nhận, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội tại kỳ giám sát năm 2023; đã ban hành thêm được 52 văn bản quy định chi tiết còn “nợ đọng” từ trước. Tuy nhiên, vẫn còn 35 nội dung quy định chi tiết thi hành của 14 luật, 2 pháp lệnh chưa được ban hành, trong đó có nội dung đã “nợ đọng” hơn 10 năm và đã nhiều lần kiến nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Dương Thanh Bình phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cũng cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành cơ bản bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, qua giám sát, các cơ quan của Quốc hội đã chỉ ra 3 văn bản chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, 3 văn bản, 22 nội dung chưa phù hợp, chưa được quy định cụ thể, có khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Về việc tuân thủ quy định về thẩm quyền ban hành, hình thức văn bản, trình tự, thủ tục ban hành thì còn 3 văn bản ban hành chưa đúng thẩm quyền, 16 văn bản được ban hành nhưng chưa thực hiện đăng công báo đúng thời hạn.
Khách quan, chặt chẽ, toàn diện, công khai kết quả giám sát
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận, công tác giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã triển khai sang năm thứ 3, với kết quả năm sau tốt hơn năm trước; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tiến hành giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên.
Để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có thể thực hiện công tác này một cách thường xuyên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, phải cập nhật kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật hàng ngày thay vì cập nhật định kỳ nửa năm hay một năm. Các cơ quan của Quốc hội cần cập nhật ngay lên mạng kết quả giám sát trong từng ngày trên cơ sở xây dựng khung báo cáo, đầu mục thống kê...

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị, các cơ quan của Quốc hội cần quán triệt, thực hiện đúng Nghị quyết số 560 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khẩn trương thực hiện triển khai Thông báo số 1948/TB-TTKQH kết luận Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Theo đó, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật cần phải tiến hành thường xuyên chặt chẽ, kịp thời, không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan chịu giám sát. Kết quả giám sát phải bảo đảm khách quan, chặt chẽ, toàn diện, phải được cập nhật vào cơ sở dữ liệu giám sát và công bố công khai theo quy định.
Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất trong Đề án Quốc hội điện tử việc xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động giám sát nói chung, về giám sát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, bảo đảm kết nối liên thông dữ liệu của Bộ Tư pháp về kết quả kiểm tra văn bản, dữ liệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Tuyên giáo Trung ương về ý kiến kiến nghị cử tri, của các cơ quan báo chí liên quan các vướng mắc bất cập của hệ thống văn bản cần sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện...

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Nhấn mạnh “thẩm, giám, kiến là ba chức năng của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhận thấy, dù công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được tiến hành trong 3 năm, với nhiều kiến nghị được đưa ra, nhưng do chưa quan tâm công tác tuyên truyền về kết quả giám sát nên tác động đến xã hội, sự chuyển dịch chưa như mong muốn.
Tại Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát nêu rõ hiện còn 35 nội dung quy định chi tiết thi hành của 14 luật chưa được ban hành, trong đó có nội dung đã “nợ đọng” hơn 10 năm và đã nhiều lần kiến nghị. Để khắc phục hạn chế này, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị, các báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật cần quy định rõ thời hạn ban hành văn bản quy định chi tiết hoặc đưa ra những kiến nghị giải pháp mạnh hơn.
Cùng với đó, các cơ quan của Quốc hội cũng cần chú ý rà soát, nêu tên những văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, đặc biệt là để tồn tại khoảng trống pháp lý trong quản lý lĩnh vực, ngành nghề. Bởi, việc hơn 600 loại sữa giả được bày bán công khai trên thị trường vừa được cơ quan chức năng phát hiện đang đặt ra những câu hỏi về việc có hay không lỗ hổng trong các văn bản pháp luật, khoảng trống trong quản lý nhà nước?
Nhấn mạnh “những loại sữa vi phạm nêu trên chủ yếu sử dụng cho trẻ em, người già, bệnh nhân ung thư, người đang mang thai”, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu đề nghị, cơ quan của Quốc hội cần rà soát những văn bản quy phạm pháp luật liên quan và sớm có câu trả lời liệu có khoảng trống pháp lý trong những văn bản quy phạm hiện hành hay không? Nếu phát hiện khoảng trống pháp lý, cơ quan của Quốc hội có thể đưa ra thông báo cử tri, người dân cả nước được biết, hoặc Ủy ban Dân nguyện và Giám sát đưa vào báo cáo công tác dân nguyện tháng 3.2025 của Quốc hội.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao và ghi nhận kết quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong năm 2024, với tinh thần là năm sau tốt hơn năm trước, mặc dù có chuyển đổi chức năng chủ trì theo dõi, tổng hợp công tác này từ Ủy ban Pháp luật về Ủy ban Dân nguyện và Giám sát. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, trưởng ngành cũng đã có những cố gắng, nỗ lực trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết.
Trên cơ sở kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 560, Thông báo số 1948/TB-TTKQH; rà soát, nghiên cứu về sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 560 để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, thực hiện chủ trương đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong điều kiện số lượng các nội dung được luật giao quy định chi tiết sẽ rất nhiều; tiếp tục đổi mới cách làm, nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật...