Có hay không tình trạng 'bảo kê' cho 'cát tặc' lộng hành?
Nói về tình trạng 'cát tặc' vẫn còn lộng hành trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình đã ví von rằng 'cát như con gái 18 thường xuyên bị nhòm ngó'.
Có hay không tình trạng “bảo kê” cho “cát tặc” lộng hành?
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 18 HĐND thành phố Hà Nội khóa XV diễn ra sáng 8/12, nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ quan tâm đến vấn đề “cát tặc” lộng hành trên địa bàn trong thời gian qua.
Các ĐB Nguyễn Minh Đức (quận Thanh Xuân), ĐB Dương Thị Hằng (huyện Gia Lâm), ĐB Trần Thị Vân Hoa (quận Tây Hồ), ĐB Nguyễn Kim Dung (huyện Gia Lâm) phản ánh dù TP đã có quy chế phối hợp với các tỉnh giáp ranh nhưng đến nay tình trạng cát tặc vẫn không hề thuyên giảm.
Các ĐB đề nghị lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội, lãnh đạo một số địa phương cho biết nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và giải pháp trong thời gian tới?
Riêng ĐB Nguyễn Kim Dung nêu tình trạng cát tặc trên sông Cà Lồ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. ĐB này đặt câu hỏi có hay không tình trạng “bảo kê” cho “cát tặc” lộng hành?
Trả lời câu hỏi chất vấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Đình Hồ Quốc Khánh cho biết, từ năm 2018 đến nay, “cát tặc” ồ ạt đến xã khai thác cả ngày đêm, tàu cuốc hút cát rất nhiều. Cao điểm năm 2018 – 2019, có lúc có khoảng 10 tàu hút cát.
Theo phản ánh của ông Hồ Quốc Khánh, mấy đêm gần đây vẫn có 1-2 tàu khai thác từ 21 giờ đêm đến 4-5 giờ sáng. Tinh vi hơn, “cát tặc” cứ khai thác 1-2 ngày rồi nghỉ. Vì địa điểm khai thác nằm ở giữa sông, lại không được trang bị phương tiện chuyên dụng nên nên lực lượng công an huyện, xã khó có thể ngăn chặn.
Ví von “cát như con gái 18 thường xuyên bị nhòm ngó", Chủ tịch UBND xã Xuân Đình mong muốn TP hỗ trợ 1 tàu cao tốc và lực lượng chuyên dụng.
Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn nêu một số khó khăn như: công an huyện chỉ có 1 xuồng và chỉ có 1 công an cấp phép lái xuồng đó, nếu điều tra truy bắt vào ban đêm thì rất phức tạp.
Từ đó, ông Tuấn đề xuất Sở Nội vụ tham mưu xác định mốc giới trên lòng sông giữa địa bàn huyện Phúc Thọ với 2 xã của Vĩnh Phúc để thuận tiện quản lý.
150 bãi tập kết khoáng sản chưa có thủ tục hoạt động
Nói về vấn đề này, Trưởng Công an huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Khanh cho rằng, tình trạng khai thác cát lậu như một tệ nạn xã hội, rất khó xử lý.
“Có nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu vẫn là nhu cầu cát sỏi xây dựng của người dân rất cao, bến bãi hạn chế, tức là cầu và cung chưa đi đôi” - Trưởng Công an huyện Đan Phượng nêu rõ.
Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cho biết hàng năm, Công an TP đều có kế hoạch yêu cầu các đơn vị các cấp điều tra cơ bản, qua đó phát hiện 13 điểm khai thác cát trái phép trên địa bàn.
Tình đến tháng 11/2020, trên địa bàn TP có 14 giấy phép hoạt động, trong đó có 11 giấy phép do UBND TP cấp; 8 tổ chức được khai thác cát nổi còn thời hạn. Trên các tuyến sông có 207 bãi tập kết khoáng sản đang hoạt động, trong đó có 57 bãi có thủ tục hoạt động, 150 bãi chưa có thủ tục hoạt động trên các địa bàn quận, huyện.