Có hay không tình trạng chọn cho xong?

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sau khi bộ công bố phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT), UBND các tỉnh, thành phố sẽ tiến hành lựa chọn sách và phải hoàn thành trước ngày 5-4. Để bảo đảm đúng tiến độ, các địa phương đang gấp rút hoàn thiện những bước cuối cùng của quy trình lựa chọn SGK.

Triển khai còn chậm

Từ lớp 2, năm học 2021-2022, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) chỉ còn hai bộ SGK, thay vì 4 bộ như lớp 1, năm học 2020-2021. Thông tin này đang thu hút sự chú ý của dư luận. Điều khiến nhiều phụ huynh đang có con học hai bộ SGK bị xóa tên quan tâm hiện nay là việc lựa chọn SGK lớp 2 có dẫn đến nhiều xáo trộn khi năm học qua, học sinh đã bắt nhịp và đáp ứng tốt với SGK mới.

Giáo viên Trường THCS Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) trao đổi, lựa chọn SGK lớp 6 mới. Ảnh: UYÊN NHI.

Giáo viên Trường THCS Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) trao đổi, lựa chọn SGK lớp 6 mới. Ảnh: UYÊN NHI.

Từ kinh nghiệm triển khai dạy SGK lớp 1 mới, năm học 2020-2021, các nhà trường đều khẳng định: Với chương trình mới, việc dạy học, quản lý hoạt động dạy học sẽ bám sát chương trình, lấy chương trình làm gốc. Vì thế, nếu lớp 2 phải dạy và học SGK khác, giáo viên và học sinh vẫn sẽ bắt nhịp được. Dù hiểu được tinh thần đó nhưng trước những khó khăn của một trường vùng cao, bà Hoàng Thị Thuận, Phó hiệu trưởng Trưởng Tiểu học và THCS Sùng Đô (Văn Chấn, Yên Bái) bày tỏ: “Nếu mỗi năm đổi một bộ sách thì nhà trường vô cùng vất vả. Năm ngoái, học sinh trong trường đều không đủ điều kiện để mua trọn bộ SGK lớp 1. Để học sinh có sách đến trường, chúng tôi đã phối hợp với hội khuyến học xã động viên các hộ nghèo trích một phần tiền hỗ trợ mua gạo để mua sách. Năm nay, nếu địa phương lựa chọn SGK khác thì chúng tôi chưa biết xử lý như thế nào”.

Không ít giáo viên tỏ ra lạc quan khi cho rằng: Việc thay đổi SGK không làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng học tập của các em. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng: SGK là tài liệu rất quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng của người học. Nếu SGK không ổn định, không thống nhất thì e rằng, học sinh sẽ không bao giờ thu nạp được kiến thức gốc, kiến thức cơ bản. Các vấn đề về giáo dục, trong đó có SGK cứ nóng lên không cần thiết như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý phụ huynh và học sinh. Việc học sinh không có được kiến thức cơ bản đang là một thực tế mà Bộ GD&ĐT cũng như ngành giáo dục cả nước cần nghiêm túc xem xét.

Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT (Thông tư 25) có quy định rõ: UBND các tỉnh, thành phố phải hoàn thành việc chọn danh mục SGK sử dụng trong các cơ sở GDPT chậm nhất 5 tháng trước thời điểm bắt đầu năm học mới, tức là trước ngày 5-4. Thời gian đưa ra quyết định lựa chọn SGK của các địa phương không còn nhiều, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, nhiều cơ sở GDPT chỉ được tiếp cận với phiên bản SGK điện tử trên internet từ đầu tháng 3 chứ chưa có bản SGK giấy. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu rằng thời gian nghiên cứu ít có ảnh hưởng tới chất lượng lựa chọn SGK?

 Một tiết học của cô và trò lớp 2A4 Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: UYÊN NHI.

Một tiết học của cô và trò lớp 2A4 Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: UYÊN NHI.

Tại Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội), đến ngày 19-3, nhà trường vẫn chưa được trang bị bản SGK giấy. Giáo viên nhà trường thời điểm này đang chủ động tìm hiểu, nghiên cứu phiên bản SGK điện tử. Dẫu vậy, bà Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phương pháp dạy theo chương trình mới đã được nhà trường tiếp cận và triển khai từ lâu, nên để bắt nhịp với SGK mới không quá khó”. Còn tại Trường THCS Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), nhà trường đã nhận được bản SGK giấy từ ngày 18-3. Bà Hoàng Thị Vân Anh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Sau khi nhận được SGK mới bản giấy, giáo viên trong các tổ bộ môn đã tập trung nghiên cứu, thảo luận để chọn sách. Tuy nhiên, thời gian khá gấp bởi theo quy định của Sở GD&ĐT TP Hà Nội, chúng tôi phải đề xuất lựa chọn danh mục SGK trước ngày 22-3”.

Đánh giá SGK mới có nhiều ưu điểm hơn SGK hiện hành, song điều ông Trần Hoàng Thượng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Đô Lương, Nghệ An) mong mỏi: Danh mục SGK được tỉnh quyết định phê duyệt sẽ phù hợp với điều kiện vùng nông thôn như huyện Đô Lương và nhà trường được trang bị thêm cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Để tránh tình trạng giáo viên lúng túng trong việc dạy SGK mới, ông Thượng cho biết: Nhà trường ưu tiên bố trí đội ngũ giáo viên cốt cán cho việc dạy học lớp 6, bảo đảm “3 đủ” là: Số lượng, cơ cấu, chất lượng theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

 Một tiết học của cô và trò lớp 6A3 Trường THCS Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: UYÊN NHI.

Một tiết học của cô và trò lớp 6A3 Trường THCS Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: UYÊN NHI.

Bảo đảm tính ổn định trong lựa chọn sách giáo khoa

Bắt đầu từ năm học 2021-2022, chương trình lớp 6 sẽ tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên và hai môn: Lịch sử, Địa lý gộp thành môn Lịch sử và Địa lý. Thời gian để bộ sách đi vào giảng dạy chỉ còn khoảng 6 tháng, trong khi hiện giáo viên mới được tiếp cận các bộ sách. Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới GDPT Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) đánh giá: “Chậm in SGK cũng là điều tất yếu của các NXB, bởi vì họ cần chỉnh sửa lại bản thảo và thăm dò thị trường trước khi in và phát hành rộng rãi. Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng nhà nước phải vào cuộc, tháo gỡ cho họ. Tuy nhiên, năm học này là năm thứ hai triển khai chương trình GDPT mới với lớp 2 và lớp 6, những vấn đề liên quan tới SGK như phản ánh ở trên, các đơn vị xuất bản cần phải rút kinh nghiệm”.

Đối với những trường học ở thành thị, việc tiếp cận với chương trình mới có lẽ sẽ không gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, đối với những trường ở vùng khó khăn, trong khi điều kiện về cơ sở vật chất chưa bảo đảm để đáp ứng chương trình mới thì điều họ mong chờ nhất lúc này là tính ổn định trong việc lựa chọn SGK. Đây cũng là một trong những nguyên tắc mà Bộ GD&ĐT đề ra tại Thông tư 25. Ông Trần Tuấn Khanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang khẳng định: “Mọi sự thay đổi đều có ảnh hưởng, tuy nhiên tính ổn định và phù hợp tình hình địa phương là yếu tố đặt lên hàng đầu trong quy trình chọn SGK không chỉ của tỉnh An Giang mà tất cả các tỉnh, thành phố. Trong giai đoạn nước rút này, các địa phương cần nỗ lực hoàn thiện những bước cuối cùng của quy trình chọn sách để bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra”.

“Bộ GD&ĐT đã có quy định cấu trúc bài học trong SGK mới, bao gồm 4 thành phần cơ bản: Mở đầu, kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Các SGK đều phải đáp ứng yêu cầu này. Do đó, khi học sách này, sau đó có chuyển sang sách khác, giáo viên và học sinh sẽ không gặp khó khăn”, PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) thông tin.

NGUYỄN HOÀI - KHÁNH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/co-hay-khong-tinh-trang-chon-cho-xong-654728