Có hay không việc 'ép buộc' học sinh học tiếng Anh liên kết, kỹ năng sống?
Nhà trường phát cho học sinh đơn học tiếng Anh yếu tố nước ngoài, kỹ năng sống để phụ huynh nghiên cứu và 'tự nguyện' ký đơn cho con theo học.
Phản ánh tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số phụ huynh có con đang theo học tại trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn thành phố Hải Phòng cho biết, đầu năm học nhiều trường đã cho phụ huynh viết đơn “tự nguyện” đăng ký học tiếng Anh người nước ngoài, kỹ năng sống.
Phụ huynh than phải “tự nguyện” viết đơn học tiếng Anh liên kết
Theo chị T.D.K (xin được giấu tên - có con đang học lớp 12 Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong), sau khai giảng khoảng 1 tuần, giáo viên chủ nhiệm nhắc học sinh viết 3 đơn đăng ký học thêm tại trường (rèn kỹ năng, tăng cường, tiếng Anh nước ngoài).
Viết đơn xong, học sinh về nhà xin đủ ý kiến và chữ ký của phụ huynh, sau đó nộp cho cô giáo chủ nhiệm để hoàn thiện hồ sơ cho nhà trường triển khai dạy học.
“Năm nay là năm cuối cấp, đáng ra nhà trường nên dừng việc dạy tiếng Anh yếu tố nước ngoài, dạy kỹ năng sống để các con tập trung vào ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Nhưng ngược lại, nhà trường tìm cách thuyết phục, kể cả các cháu không muốn học.
Đối với chất lượng, các cháu vì học 1 tuần/buổi tiếng Anh người nước ngoài, nó không đi đến đâu cả, chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa"”, chị D.K nói.
Điều đáng nói là, nhiều phụ huynh có con học cùng lớp con chị D.K đã nêu ý kiến với Chi hội phụ huynh và cô giáo chủ nhiệm về việc này, nhưng không có kết quả.
Một số phụ huynh khác cho rằng, họ bị đẩy vào thế bắt buộc phải “tự nguyện” đăng ký, vì mẫu đơn được gửi thẳng tới bố mẹ.
Còn theo anh Bùi Văn T. (trú tại phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, Hải Phòng - có con đang học lớp 9), từ lớp 6 đến lớp 8, năm nào anh cũng đăng ký cho con học tiếng Anh yếu tố nước ngoài.
Năm nay là năm học đặc biệt quan trọng trong cuộc đời của con anh vì cháu chuẩn bị thi vào 10 nên anh T. muốn con gác lại mọi thứ để tập trung ôn thi.
Tuy nhiên, nhà trường vẫn triển khai cho phụ huynh đăng ký cho con học tiếng Anh yếu tố nước ngoài. Anh T. cũng bị đưa vào thế phải “tự nguyện” ký đơn vì cho rằng nếu không đăng ký thì sẽ ảnh hưởng đến con mình.
“Chuẩn bị thi vào lớp 10, ngoài việc học thêm tiếng Anh ở trường, tôi còn đăng ký cho con theo học một giáo viên chuyên ôn tiếng Anh vào buổi tối, một tuần 2 buổi. Rồi phải học thêm tiếng Anh yếu tố nước ngoài nữa, tôi sợ cháu quá sức.
Tôi không tiếc các cháu học gì cả, nhưng tôi lo ngại nếu học tiếng Anh yếu tố lớp ngoài 1 tuần 1 tiết liệu có hiệu quả?”, anh T. chia sẻ.
Không chỉ nhiều phụ huynh có con học trung học phổ thông, trung học cơ sở tỏ ra bức xúc với việc “tự nguyện” học tiếng Anh yếu tố nước ngoài, kỹ năng sống trong trường, mà một số phụ huynh có con đang học tiểu học cũng đồng quan điểm.
Chị Nh. (ở quận Hải An) cho biết, trường tiểu học con tôi học và nhiều trường khác trên địa bàn thành phố Hải Phòng đều triển khai dạy tiếng Anh liên kết, dạy kỹ năng sống.
Tuy nhiên, con tôi học ở lớp học rồi về nhà hỏi thì con bảo không biết, rồi đến lúc thi cho các đáp án trước để nộp bài.
Tôi mong muốn sở giáo dục Hải Phòng có biện pháp củng cố lại tiếng Anh liên kết trong nhà trường để làm sao đảm bảo chất lượng đào tạo.
Trường “ép” phụ huynh đăng ký học là sai
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Hồng Tiệp - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong cho biết, sau khi nắm được thông tin phụ huynh phản ánh từ báo chí, nhà trường đã cho dừng việc dạy tiếng Anh yếu tố nước ngoài đối với toàn bộ khối 12.
Đồng thời, nhà trường cũng xem xét, họp bàn lại với phụ huynh về việc có tiếp tục triển khai dạy tiếng Anh yếu tố nước ngoài đối với khối 10, 11 hay không.
Cũng theo ông Tiệp, Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong đã liên kết với Trung tâm ngoại ngữ Đặng Tuấn để triển khai hoạt động dạy ngoại ngữ được 3 năm, cho gần 1.500 học sinh.
Trung tâm ngoại ngữ Đặng Tuấn cũng đang dạy tăng cường tiếng Anh cho gần 30 trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, khi nhà trường gửi đơn về để phụ huynh đăng ký học tiếng Anh yếu tố nước ngoài, kỹ năng sống, phụ huynh có quyền không viết, không điền, không nộp đơn này.
Nếu có chuyện trường ép buộc “phải” đăng ký học các nội dung trên thì chắc chắn nhà trường sai.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, cũng ban hành văn bản về việc tăng cường quản lý hoạt động liên kết đối với Trung tâm ngoại ngữ, Tin học, Kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Mới nhất, ngày 20/9/2023, Sở đã có công văn số 2577 gửi các quận, huyện; các Phòng Giáo dục và Đào tạo; các trường trung học phổ thông về việc này.
“Việc học thêm Tiếng Anh, đặc biệt với giáo viên nước ngoài đã tạo thêm cơ hội nâng cao khả năng giao tiếp cho học sinh.
Mục đích và mục tiêu rèn luyện ngoại ngữ là tốt, nhưng thước đo cuối cùng vẫn phải là sự tiến bộ của học sinh…
Trong tuần này (từ thứ 2 ngày 2/10), thành phố Hải Phòng sẽ tiến hành thanh kiểm tra hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trong đó có tiếng anh liên kết tại các cơ sở giáo dục”, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nói.
Thường trực Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát
Ngày 29/9/2023, Thường trực Thành ủy Hải Phòng có văn bản số 6779 về việc tình trạng dạy thêm, học thêm, phối hợp liên kết giáo dục, việc thu, chi trong trường học.
Theo văn bản này, Thường trực Thành ủy có ý kiến chỉ đạo, giao Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các Sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan, thực hiện nghiêm rà soát, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, phối hợp liên kết giáo dục, việc thu chi trong trường học; bảo đảm thực hiện đúng quy định, có điều chỉnh quy định tối đa số buổi, số tiết học thêm trong tuần, phù hợp đối với mỗi khối học, giảm áp lực cho người học.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch, thời khóa biểu tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tự học, tự nghiên cứu, các câu lạc bộ tự quản, câu lạc bộ sở thích lành mạnh, tự nguyện theo nhu cầu, phù hợp với lứa tuổi học sinh; tạo điều kiện cho học sinh có thời gian nghỉ ngơi sau giờ học văn hóa, để học sinh được phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mĩ. Biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt việc này.
Có giải pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp thực hiện sai quy định việc dạy thêm, học thêm, việc liên kết giáo dục và lạm thu trong trường học.
Thường trực Thành ủy giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan đài, báo thực hiện tuyên truyền các chủ trương, quy định hiện hành về việc dạy thêm, học thêm, liên kết giáo dục, thu chi trong trường học để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân và nhân dân trong quá trình đồng hành, quản lý giáo dục đào tạo hiện nay.
Giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện giám sát theo thẩm quyền.
Thực hiện ý kiến của Thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng các quận, huyện, các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm rà soát, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, phối hợp liên kết giáo dục, việc thu, chi trong trường học; bảo đảm thực hiện đúng quy định…
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát, báo cáo tình hình các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại tất cả các cơ sở giáo dục.
Trên thực tế, các hoạt động như giáo dục kỹ năng sống; liên kết dạy ngoại ngữ, dạy tin học tăng cường; tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học.
Tuy nhiên, công tác quản lý còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng về chất lượng của phụ huynh và tạo ra dư luận không tốt thời gian qua.
Trên cơ sở đó, Bộ đề nghị các sở giáo dục đào tạo tăng cường chỉ đạo các trường học thực hiện nghiêm các quy định về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Ngoài ra, các sở gửi các thông tin đánh giá và kiến nghị về hoạt động này ở địa phương về Bộ GDĐT trước ngày 15/10/2023.